Kinh tế

Còn dư địa để hỗ trợ doanh nghiệp lần hai

17/08/2020, 10:00

Nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh phức tạp đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp ứng phó thế nào?

img
TS. Nguyễn Đức Kiên

Trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt trên toàn cầu, Việt Nam cũng đang phải dốc sức chống dịch lần 2, tình hình kinh tế sẽ thế nào trong thời gian tới? Nhiệm vụ kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế trong điều kiện dịch bệnh phức tạp đòi hỏi chúng ta phải có những giải pháp ứng phó như thế nào? TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề này.

Tình thế thay đổi, ứng xử cũng thay đổi

Ngay sau khi dịch bệnh lần 2 quay trở lại, Chính phủ đã có những ứng phó kịp thời, thay đổi hướng điều hành kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi năm sau. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của những giải pháp được đưa ra, tính đến thời điểm này?

Tới thời điểm này, nền kinh tế trong nước đang có tình huống xấu đi. Sau đợt dịch 1 kết thúc, từ đầu tháng 5 tới 20 ngày đầu tháng 7, nền kinh tế chúng ta bắt đầu phục hồi thông qua các chỉ số sản xuất, lượng khách du lịch… có tốc độ tăng trưởng mạnh đi lên theo hình chữ V. Tuy nhiên, bắt đầu từ 24/7, tất cả đều chững lại và đi xuống. Hi vọng lần này, đường đi xuống theo hình chữ V sẽ được rút ngắn.

Cũng cần phải khẳng định trong lần này, Chính phủ đã có ứng xử thành công đối với biện pháp phòng dịch, bởi hiểu rõ hơn về cơ chế lây nhiễm dịch cũng như tác động từ những biện pháp đã áp dụng từ đợt 1. Đây là đánh giá được cả cộng đồng trong và ngoài nước đều ghi nhận.

Nổi bật nhất là việc thay đổi điều hành kinh tế vĩ mô. Cụ thể, nếu trong quý I chúng ta xác định vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế, thì quý II đặt mục tiêu chống dịch chặn đà suy giảm kinh tế, sang tới quý III là chống dịch chuẩn bị tinh thần khôi phục nền kinh tế.

Chính vì thế, biện pháp cách ly theo vùng ảnh hưởng dịch cũng đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân cả nước.

Rõ ràng, trong từng bối cảnh, chúng ta đều có kế hoạch cụ thể, làm hết sức để vận hành nền kinh tế theo hướng tốt nhất có thể. Chính phủ đã có kinh nghiệm và áp dụng ngày càng tiệm cận với chiến lược phòng chống dịch hiệu quả nhưng không ngăn chặn dòng chảy kinh tế.

Bên cạnh chỉ đạo phòng chống dịch, các gói hỗ trợ của Chính phủ cũng đã và đang đưa vào thực thi từ rất sớm. Mặc dù gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng, sau 4 tháng, tới nay mới giải ngân cỡ khoảng 17 nghìn tỷ đồng nhưng cần lưu ý thời triển khai kéo dài trong 1 năm, thêm nữa từ quyết sách vĩ mô tới vi mô luôn có độ trễ để các cơ quan chức năng thực hiện.

Song song với đó gói hỗ trợ doanh nghiệp thông qua tín dụng lại tương đối thành công. Hiện đã có khoảng 300 nghìn khách hàng được cơ cấu lại nợ; rà soát đánh giá điều chỉnh mức lãi suất tới 1,2 triệu tỷ đồng cho các khoản vay của doanh nghiệp; các ngân hàng cũng đã đồng loạt giảm lãi suất... Nhìn lại bức tranh toàn cảnh cho thấy chúng ta hoàn toàn yên tâm phòng chống dịch.

Trong trường hợp tới 2021 mới có vaccine phòng dịch Covid-19, liệu có nên đặt ra kịch bản xấu nhất khi dịch diễn biến phức tạp, phải quay lại cách ly toàn xã hội? Khi đó sức chống chịu của nền kinh tế ra sao, thưa ông?

Phải khẳng định tới nay các biện pháp phòng chống dịch đều đạt được hiệu quả, thành công trong việc đảm bảo sức khỏe cho người dân. Chúng ta đang đi đúng hướng, cả nước đang chống dịch ở tâm thế mới, tại sao lại “vẽ thêm chân rết” để làm phức tạp tình hình?

Cũng cần bớt nói theo phong trào “có vaccine thì mới phòng chống được dịch”. Chúng ta không nên quá thụ động trông chờ vaccine phòng dịch Covid-19 bởi hiện nay câu chuyện tranh cãi sản xuất thành công vaccine vẫn chưa ngã ngũ.

Chưa kể để đạt miễn dịch toàn dân ít nhất phải có 60% dân số, tức là 50 triệu người dân Việt Nam được tiêm vaccine. Trong khi đó hiện chương trình tiêm chủng mở rộng toàn quốc mỗi năm cho khoảng 1 triệu trẻ mà còn thấy hệ thống dự phòng phải vất vả như thế nào…

Cần nhìn vào sự thật để điều hành nền kinh tế trên tâm thế tự ta phải cứu ta chứ không thể thụ động trông chờ. Nếu không phòng dịch tốt thì ngay cả khi có vaccine thì dịch vẫn có thể quay trở lại.

Vẫn còn dư địa để hỗ trợ trong giai đoạn mới

img
Nền kinh tế phục hồi nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hiệu quả phòng chống dịch Covid-19

Trong khi các gói hỗ trợ vẫn đang được triển khai, với tình thế mới liệu có cần thêm những chính sách hỗ trợ mới để giúp “giảm đau” cho nền kinh tế hay không? Nếu có thì việc triển khai áp dụng sẽ ra sao, thưa ông?

Theo tính toán, tổng chung các gói hỗ trợ mà Việt Nam đã và đang triển khai từ ngày đầu dịch Covid-19 bùng phát tới nay tương đương khoảng 2,8% GDP. Trong khi đó, nhìn ra thế giới, mức hỗ trợ này cao hơn rất nhiều.

Cụ thể, gói hỗ trợ của các nước thuộc khối G7 chiếm hơn 10% GDP; các nước khối ASEAN có mức từ 6-7% GDP… Như vậy, có thể nói Việt Nam vẫn còn dư địa để hỗ trợ. Đặc biệt trong bối cảnh nợ công hiện giảm còn 54%, thấp hơn trần nợ công cho phép (65%).

Do đó, nếu cần vẫn có thể huy động nợ công để đưa vào kích thích nền kinh tế. Vấn đề ở đây, chúng ta đặt mục tiêu phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm sốc và tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi năm sau.

Chính vì vậy, nếu bơm tiền ra thông qua nợ công, cần tính toán kỹ cho dự án nào, ngành nào thực sự đang cần, và có tính lan tỏa, giải quyết nhiều lao động.

Hàm mục tiêu đặt ra cho chính sách mới nếu có sẽ là đa mục tiêu, chấp nhận bội chi nhưng ở mức độ trong 1 năm hay 2 năm để không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô và giá trị đồng nội tệ; không gây áp lực cho xuất nhập khẩu nhưng lại hỗ trợ cho doanh nghiệp có tính thanh khoản tạo ra dòng tiền, đồng thời lại hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong thời kỳ khó khăn.

Trước tình hình kinh tế bất định, mọi dự báo đều thay đổi và theo chiều hướng xấu. Vậy, kịch bản nào cho nền kinh tế Việt Nam từ nay tới cuối năm?

Mới đây, sau khi họp bàn thống nhất, Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng đã đưa ra 2 kịch bản cho nền kinh tế trong nước. Cụ thể, trong trường hợp hết tháng 8, Việt Nam cơ bản dập được dịch lần 2 cộng với tốc độ đẩy nhanh sản xuất vaccine trên thế giới, nhiều nước sẽ mở cửa thương mại thì nền kinh tế quý IV của chúng ta sẽ tương đối thuận lợi.

Tuy nhiên, nếu quý IV các nước vẫn chưa mở cửa thì kinh tế trong nước vẫn sẽ gặp khó khăn. Với hướng chỉ đạo điều hành của Chính phủ hiện nay, Tổ Tư vấn nhận định kinh tế cả năm sẽ đạt tăng trưởng dương.

Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nếu nền kinh tế 2020 đạt tăng trưởng dương thì Việt Nam sẽ là 1 trong 5 quốc gia thành công trên thế giới về chống dịch Covid-19.

Cảm ơn ông!

Số DN khai tử chỉ là “phần nổi của tảng băng”

Mới đây, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ KH&ĐT) cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2020, có 63.461 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,9% so với cùng kỳ 2019. Tính trung bình mỗi tháng có 9.065 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường và mỗi ngày có hơn 300 doanh nghiệp “khai tử”. Đây cũng là con số doanh nghiệp đóng cửa cao nhất trong vòng 5 năm qua mà nguyên nhân chính được xác định bởi dịch bệnh Covid-19.

Đáng lưu ý, số lượng các doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh ở tất cả 17 lĩnh vực. Trong đó, đứng đầu là bất động sản, tăng 98,5%; tiếp theo là dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 71,4%, vui chơi giải trí tăng 69,9%...

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, ít nhất phải sau 1 tháng từ lúc dịch bệnh bùng phát trở lại (tính từ 24/7), mới có thể đánh giá sức ảnh hưởng tới đời sống của cộng đồng doanh nghiệp.

“Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn khó dự báo, tâm lý doanh nghiệp chưa ổn định, rất khó có thể đưa ra nhận định chính xác”, ông Lộc nói và nhận định: “Số liệu thống kê doanh nghiệp khai tử chỉ là phần nổi của tảng băng, chưa phản ánh được thực tế nhiều trường hợp đã chết nhưng chưa khai tử hoặc trong tình trạng “ốm” nghiêm trọng”.

Được biết, VCCI đang tập hợp số liệu để đưa ra bức tranh khái quát về đời sống doanh nghiệp. Song song với đó, cơ quan này cũng đang xây dựng báo cáo về tình hình lao động việc làm trên cả nước.

“Lao động việc làm chính là tấm gương phản chiếu tình hình sức khỏe của doanh nghiệp. Hỗ trợ doanh nghiệp cũng chính là hỗ trợ cỗ máy tạo ra việc làm. Tuy nhiên, trước khi kiến nghị giải pháp hỗ trợ cần phải dẫn ra được con số dẫn chứng thuyết phục chứ không thể dựa trên cảm tính chung chung”, vị chủ tịch VCCI nói.

Đừng để gói hỗ trợ bị “treo” vì năng lực thực thi

img
Ông Bùi Đức Thụ

Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Bùi Đức Thụ, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, với những chính sách giải pháp quyết liệt nhằm khoanh vùng dập dịch Covid-19 của Chính phủ, ông tin rằng dịch bệnh lần 2 sẽ sớm được kiểm soát.

Tuy nhiên, vấn đề lo ngại chính là sức tác động của dịch bệnh không có dấu hiệu dừng mà đang kéo dài, lan rộng ở mức trầm trọng hơn. “Điều này không chỉ gây sức áp lực tới công tác phòng, khám chữa bệnh mà còn tác động mạnh mẽ đối với nền kinh tế khi sự chống chịu của doanh nghiệp ngày một yếu.

Trong khi đó nguồn lực của Việt Nam hết sức khiêm tốn, thu ngân sách sụt giảm cộng thêm áp lực tăng chi dẫn tới hệ quả bội chi điều chỉnh tăng đẩy nợ công tăng. Tác động dịch bệnh Covid-19 không chỉ trong năm nay mà còn kéo dài trong nhiều năm dẫn tới khả năng phục hồi kinh tế cũng phải mất vài năm.

Như vậy trong những năm tới, duy trì mục tiêu tăng trưởng, cân đối kinh tế vĩ mô và tài khóa hết sức khó khăn”, ông Thụ phân tích và kiến nghị, cần hết sức bình tĩnh rà soát, dự báo sát tình hình để chủ động quản lý điều hành, hỗ trợ sao cho trúng, đúng và hiệu quả. Nếu chỗ nào bị ảnh hưởng cũng chạy theo hỗ trợ thì ngân sách có thể không kham nổi.

Ở góc nhìn khác, ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế và xã hội (MASSEI) phân tích, trong bối cảnh kinh tế bất định như hiện nay, Chính phủ cần tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong việc kiểm soát dịch bệnh. “Vấn đề chuẩn bị tâm lý tốt và nâng cao ý thức tự phòng ngừa cho người dân, mới chính là giải pháp hiệu quả và bền vững nhất trong việc phòng ngừa dịch bệnh mà vẫn duy trì hoạt động kinh tế”, ông Minh nói.

Bàn về chính sách hỗ trợ, ông Minh cho rằng, trong bối cảnh ngân sách khó khăn, cần tránh tình trạng gói hỗ trợ ban hành chậm thực hiện hoặc bị “treo” do năng lực thực thi của bộ máy hành chính rất thấp.

Thay vì đưa ra những gói cứu trợ, Chính phủ có thể cân nhắc cải cách toàn diện chính sách thuế theo hướng giảm mạnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, nâng mức khởi điểm chịu thuế thu nhập cá nhân và bù đắp hụt thu từ các sắc thuế trên bằng việc tăng thuế giá trị gia tăng.

Tương tự, chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực kiến nghị Chính phủ cần đề xuất với Quốc hội để kéo dài thời gian, mở rộng đối tượng được giãn hoặc hoãn thuế; tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp siêu nhỏ vượt qua khó khăn. “Hiện, chúng ta có chính sách nhưng chưa linh hoạt.

Cụ thể, quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện có hơn 2.000 tỉ đồng nhưng giải ngân chậm. Trong khi đó, kinh nghiệm Chính phủ nhiều nước thế giới đang đi theo hướng bơm vốn, tăng hiệu quả của các quỹ bảo lãnh để hỗ trợ cho doanh nghiệp”, ông Lực nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.