Hạ tầng

Con đường có một không hai xóa ốc đảo ở Đồng Mậm

24/06/2016, 06:33

Tháng 6, con đường xóa thế ốc đảo của thôn Đồng Mậm (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) được bàn giao.

18

Từ ngày có đường, nhiều hộ dân Đồng Mậm mua xe máy

Tháng 6, con đường xóa thế ốc đảo của thôn Đồng Mậm (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang) được bàn giao. Với người dân, đó là con đường mơ ước, là con đường có một không hai được làm nên bằng "từng giờ máy xúc" do những nhà báo và những tấm lòng thiện nguyện chung tay góp sức. 

Góp giờ máy xúc làm đường

Chúng tôi tới huyện Lục Ngạn, Bắc Giang vào một sớm cuối tháng 5 đúng lúc gặp cơn mưa lớn, nước dâng ngập các đập tràn từ thị trấn Chũ vào trung tâm xã Sơn Hải, nên tận đầu giờ chiều, nước rút, chúng tôi mới vào được UBND xã.

Sơn Hải là xã nghèo nằm heo hút phía cuối huyện Lục Ngạn, Đồng Mậm lại là thôn nghèo nhất của xã này. Đây được mệnh danh là ốc đảo “nguyên thủy” nghèo nhất Việt Nam, nằm giữa rừng phòng hộ Cấm Sơn, xung quanh toàn núi và nước. 101 hộ dân nơi đây với gần 400 nhân khẩu đã nhiều đời phải phải sống trong cảnh “nhiều không”: Không điện, không đường, không hệ thống thông tin liên lạc, không trạm y tế...

Con đường xóa thế ốc đảo cho Đồng Mậm đã được chính quyền thống nhất đặt tên là Đoàn Kết, nhưng người dân nơi đây vẫn quen gọi cái tên “con đường của các nhà báo”. Bởi đơn giản, đây chính là con đường được các nhà báo đóng góp, kêu gọi xây dựng trong nhiều năm liền.

Nhà báo Phạm Hà (báo Nhân dân), được coi là người “đứng mũi chịu sào” trong nhóm nhà báo quyên góp mở con đường Đồng Mậm nhớ lại, cuối năm 2013, nhà báo Hải Đăng (VTC16) có đăng một bài viết về trẻ em nghèo Đồng Mậm hàng ngày phải chèo đò mấy giờ trên hồ nước sâu 80m đến trường. “Báo trả cho Hải Đăng 1 triệu đồng nhuận bút bài báo ấy, Đăng nói để dành cho Đồng Mậm, chỗ này được hai giờ máy xúc”, chị Hà kể.

“Tôi ngạc nhiên hỏi “sao lại giờ máy xúc”, Đăng tâm sự, dân khao khát đường quá, nên bắt đầu thuê xe ủi, nhưng không có tiền. Tôi thấy vậy bắt đầu kêu gọi. Đợt đầu là tháng 2/2014, tôi và Đăng lên Đồng Mậm, cá nhân tôi ủng hộ 100 giờ máy xúc”, chị Hà nói.

Đến tháng 5/2014, nhờ sự sẻ chia của các nhà báo, có thêm nhiều tấm lòng đóng góp cho Đồng Mậm. “Tết năm 2015, họa sĩ Bùi Hoài Mai, bạn của tôi bảo cho Hà 1 tranh và mấy thùng đồ gốm, bán đi mà làm từ thiện. Cùng lúc đó, nhà báo, nhà văn Đoàn Ngọc Thu ra mắt tập thơ Vé một lượt, chúng tôi biến buổi ra mắt thành buổi bán đấu giá, bạn bè góp cho thêm nhiều thứ tranh, sách, rượu… Tổng cộng cả đợt đấu giá ấy gần 200 triệu đồng, tranh của anh Mai bán được 5000 USD. Tổng công ty phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam VIDIFI hỗ trợ 100 triệu đồng. Lại có một bạn trên facebook tên Hồng Trâm, đã huy động cả nhà, từ bố mẹ, chồng, chị em bạn bè giúp Đồng Mậm được gần 100 triệu đồng. Không thể nhớ hết bao nhiêu người, góp từ nửa giờ máy xúc góp đi…”, chị Hà kể.

Tính đến ngày 16/12/2014, con đường xóa thế ốc đảo Đồng Mậm đã mở sơ khai được khoảng 16km và đã vét rãnh được khoảng 8km. Chị Hà lại nhận được thư của cô giáo Thạo: “Nguyện vọng của bà con thôn Đồng Mậm muốn mở thêm khoảng gần 2km đường xuống bến sông, để học sinh đi học sẽ đi một đoạn trên hồ khoảng 100m bằng thuyền có dây cáp để kéo... Các em sẽ không phải chèo thuyền đoạn đường dài hơn 1 giờ như trước kia nữa, nguy hiểm sẽ giảm đi rất nhiều...”. Sau bức thư ấy, các nhà báo lại tiếp tục kêu gọi, xin từng giờ máy xúc để đưa lên Đồng Mậm thêm gần 300 triệu đồng nữa. Đến tháng 5/2016, con đường chính thức được bàn giao cho chính quyền nơi đây.

Điều kỳ diệu

Chỉ tay vào con đường mới mở, ông Giáp Văn Phụ, Bí thư thôn Đồng Mậm nhắc đi nhắc lại: “Đó là một điều kỳ diệu. Điều mà người dân Đồng Mậm ao ước bao đời nay đã thành hiện thực, con đường sẽ mở ra nhiều cơ hội thoát nghèo của một trong 36 thôn nghèo nhất toàn quốc này”. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.