Hồ sơ tài liệu

Con đường dẫn nước Mỹ đến "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" tháng 8/1964 (kỳ 1)

04/08/2014, 17:54

Đêm 14/1/1962, một chiếc thuyền đánh cá không biển hiệu lẹ làng đi vào lãnh hải Việt Nam thuộc Vịnh Bắc Bộ và tiến về phía đất liền. Đây là chiếc thuyền chở nhóm biệt kích Mỹ với mật danh Nautilius 1 (N1)...

Đêm 14/1/1962, một chiếc thuyền đánh cá không biển hiệu lẹ làng đi vào lãnh hải Việt Nam thuộc Vịnh Bắc Bộ và tiến về phía đất liền. Đây là chiếc thuyền chở nhóm biệt kích Mỹ với mật danh Nautilius 1 (N1)...

Chiến dịch Switchback: Chỉ mang lại niềm vui cho đối phương

Ngày 20/4/1961, một ngày sau thất bại trong vụ đổ bộ vào Cuba, tổng thống Mỹ John Kennedy triệu tập một nhóm nghiên cứu đặc biệt đứng đầu là đại tướng Maxwell Taylor. Nhiệm vụ của nhóm là đánh giá "thảm họa vịnh Con lợn", đưa ra kiến nghị về những biện pháp tiếp theo nhằm làm "giảm sự gặm nhấm của chủ nghĩa cộng sản" mà một trong những địa danh được tổng thống ngụ ý nhiều nhất là Việt Nam. Giải pháp đưa ra là chuyển những hoạt động bán quân sự từ CIA sang chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ngày 13/6/1961, nhóm Taylor đệ trình lên tổng thống những lập luận của họ. Nhóm cho rằng, Mỹ có thể đang thua trong một cuộc chiến sống còn ở Việt Nam và sẽ thua trừ phi thay đổi phương pháp và tập trung các nguồn lực với cường độ mà chỉ đặc trưng cho thời chiến. Nhóm kiến nghị mọi hoạt động bán quân sự ở Việt Nam phải được đẩy mạnh, nhưng phải do chính Trung ương phối hợp, hiệp đồng. Ngày 28/6, Kennedy phê duyệt Chương trình hành động của nhóm Taylor, và đây chính là tiền đề cho Kế hoạch 34A mà đỉnh cao là Sự kiện Vịnh Bắc Bộ.

Tướng Maxwell Taylor (trái), Bộ trưởng Quốc Phòng Robert MacNamara (giữa) và Tổng thống Kennedy (phải)
Tướng Maxwell Taylor (trái), Bộ trưởng Quốc Phòng Robert Mac Namara (giữa) và Tổng thống Kennedy (phải).

Còn trước mắt, trong tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara triệu tập một cuộc họp gồm các quan chức Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và CIA để thảo luận việc chuyển giao quyền kiểm soát các hoạt động bán quân sự ở Việt Nam từ CIA sang Bộ Quốc phòng trong một chương trình kéo dài một năm mang tên Chiến dịch Switcback.

Đêm 14/1/1962, một chiếc thuyền đánh cá không biển hiệu lẹ làng đi vào lãnh hải Việt Nam thuộc Vịnh Bắc Bộ và tiến về phía đất liền. Đây là chiếc thuyền chở nhóm biệt kích Mỹ với mật danh Nautilius 1 (N1) làm nhiệm vụ liên hệ với một điệp viên được Washington và Sài Gòn đặt tên là Ares. Tuy nhiên, nhóm N1 ngay lập tức bị bắt, bị đưa ra Tòa án quân sự và bị kết án các hạn tù khác nhau.

Ngày 28/6, nhóm Nautilius (N2) rời Đà Nẵng tiến hành một cuộc tiến công chớp nhoáng vào các tàu tuần tiễu Bắc Việt đang neo đậu tại cửa sông Gianh. Thật không may, một thiết bị đã phát nổ sớm làm chết một người nhái. An ninh địa phương bắt đầu truy kích con tàu của N2 và đánh chìm tàu này. Hai người nhái sống sót bị bắt, một tên duy nhất may mắn được lực lượng cứu hộ tới từ Đà Nẵng cứu thoát.

Tháng 12, nhóm Lyre nhảy dù xuống Hà Tĩnh làm nhiệm vụ trinh sát trạm radar tại Đèo Ngang và sẵn sàng phá hủy nó cùng với các kho lương thực nằm khu vực xung quanh. Trong khi đang "chờ lệnh mới", Lyre bị khóa chặt bởi đơn vị an ninh địa phương, hai thành viên của nhóm bị giết chết, số còn lại bị bắt khi đang tìm cách lẩn trốn xuống phía Nam.

Tháng 7/1963, nhóm Dragon do Mộ A Tài chỉ huy đổ bộ thực hiện "một nhiệm vụ vô thời hạn" tại khu vực Móng Cái, gần biên giới Trung Quốc. Nhiệm vụ của họ là tiến công một trạm radar ngoài khơi của Bắc Việt và tìm cách liên lạc với những điệp viên do đại tá Voòng A Sáng để lại năm 1954, khi ông ta rút sư đoàn người Nùng của mình vào miền Nam. Rất tiếc, một cậu bé đã chứng kiến cảnh toán gián điệp đổ bộ, các ngư dân báo cáo với lực lượng an ninh địa phương và cuộc bổ vây đã bắt gọn những kẻ xâm nhập.

Cuối năm 1962, hồ sơ của Hà Nội ghi nhận những hoạt động phản gián thành công của họ gồm K26 (Mộc Châu), K36 (Sơn La), K33 (Hòa Bình), K37 (Hà Bắc), K34 (Quảng Bình), K32 (Điện Biên), K35 (Yên Bái)... Và đến cuối năm 1963, các nhà vạch kế hoạch thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Quốc phòng và CIA đều thừa nhận, các toán biệt kích người Việt Nam của họ phần lớn chỉ mang lại niềm vui cho Hà Nội. Còn đối với Washington, câu trả lời sẽ tìm thấy trong Kế hoạch 34A.

Còn tiếp...

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.