Hồ sơ tài liệu

Con đường dẫn nước Mỹ đến "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" tháng 8/1964 (kỳ 2)

05/08/2014, 05:59

4 ngày sau cái chết của Kennedy, Lyndon Johnson nhậm chức tổng thống, Hội đồng An ninh quốc gia công bố Bản ghi nhớ hành động an ninh quốc gia, tái khẳng định tiếp tục các chính sách đề xướng dưới thời Kennedy.

4 ngày sau cái chết của Kennedy, Lyndon Johnson nhậm chức tổng thống, Hội đồng An ninh quốc gia công bố Bản ghi nhớ hành động an ninh quốc gia, tái khẳng định tiếp tục các chính sách đề xướng dưới thời Kennedy.

Bộ trưởng "dọa" Tổng thống

Ngày 20/11/1963, bỏ mặc Sài Gòn đang rối loạn sau vụ đảo chính lật đổ anh em Diệm - Nhu và hai ngày trước vụ ám sát Tổng thống Kennedy, tại Honolulu đã diễn ra cuộc họp quan trọng của các quan chức cao cấp Nhà trắng với các quan chức chính quyền Sài Gòn và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương. Chủ trì cuộc họp là Bộ trưởng Quốc phòng Mc Namara và Giám đốc CIA John Mc Cone.

Nhiệm vụ của họ là đánh giá tình hình Nam Việt Nam sau khi chính quyền Diệm tan rã và đánh giá kết quả chuyển giao các hoạt động bán quân sự ở Việt Nam từ CIA sang Lầu Năm góc. Cuộc họp đã nhất trí đề ra một kế hoạch hỗn hợp nhằm tăng cường hoạt động bí mật để chống phá miền Bắc Việt Nam.

Ngày 26/11, 4 ngày sau cái chết của Kennedy và với việc Lyndon Johnson nhậm chức tổng thống, Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ công bố Bản ghi nhớ hành động an ninh quốc gia 273, tái khẳng định tiếp tục các chính sách của Mỹ được đề xướng dưới thời Kennedy.

Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara
Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng McNamara

Ngày 15/12/1963, một kế hoạch hỗn hợp do CIA đưa ra mang tên 34A-64 được gửi tới Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii. Ngày 19/12, hồ sơ kế hoạch được gửi lên Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Cùng ngày, ngay khi kế hoạch chưa được phê chuẩn, Hải quân Mỹ đã thành lập một toán yểm trợ cơ động ở Đà Nẵng để tăng cường cho các lực lượng của Hải quân, Hải quân đánh bộ và lực lượng hoạt động bí mật trên biển của Mỹ. Nhóm yểm trợ này tổ chức huấn luyện cho binh lính Nam Việt Nam - những người sẽ thực hiện các cuộc đột kích trên biển chống lại Bắc Việt Nam.

Ngày 21/12, sau khi trở về từ chuyến thăm Việt Nam, Mc Namara chính thức thông báo kế hoạch 34A-64 với tổng thống Johnson. Ông ta miêu tả với tổng thống rằng kế hoạch 34A-64 là một cơ chế tuyệt vời để có thể thuyết phục người Bắc Việt Nam "suy nghĩ lại" về hành động "xâm nhập" Nam Việt Nam. Như để "hù dọa" vị tổng thống mới "vào nghề", Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra một dự báo không mấy sáng sủa về tình hình miền Nam Việt Nam, "có thể dẫn tới khả năng hình thành một Nhà nước do phe cộng sản kiểm soát".

Theo dự kiến, các lực lượng tham gia 34A-64 sẽ tiến hành các hoạt động quấy rối với mức độ ngày càng tăng, bao gồm cả các cuộc oanh kích vào các mục tiêu thích hợp ở bên trong miền Bắc Việt Nam. Kế hoạch 34A được chia thành 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn kéo dài trong 4 tháng với sự gia tăng về cường độ, phạm vi, phối hợp các hoạt động bí mật. Mục tiêu của kế hoạch là nhằm tuyên bố chính thức với Hà Nội rằng, họ sẽ phải trả giá đắt nếu không giảm bớt hành động "xâm nhập Nam Việt Nam".

Ngày 16/1/1964, Lầu năm góc chỉ thị cho Bộ Tư lệnh viện trợ quân sự Mỹ ở Sài Gòn (MACV) của tướng Harkins chịu trách nhiệm về các hoạt động bí mật chống phá Bắc Việt Nam.

Ngày 19/1, kế hoạch 34A-64 chính thức được thực hiện thông qua một bức điện chung của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và CIA gửi cho ba thành phần tương ứng thuộc phái bộ Mỹ ở Sài Gòn. Washington cũng yêu cầu giao một số hoạt động bí mật cho chính phủ Việt Nam cộng hòa trong trường hợp những hoạt động đó không còn là bí mật.

Ngày 21/1, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân gửi quy chế chi tiết cho MACV mà cơ quan này phải tuân thủ trong quá trình thực hiện kế hoạch 34A. Cũng trong ngày 21/1, đại sứ Henry Cabot Lodge cuối cùng đã thông báo cho tướng Dương Văn Minh biết về kế hoạch 34A. Vị đại sứ tỏ ý hy vọng lãnh đạo Việt Nam cộng hòa sẽ sớm xem xét, chấp thuận và thực hiện kế hoạch này.

Ba ngày sau, MACV chính thức thành lập tổ chức quân sự để thực thi kế hoạch 34A bằng các lực lượng của nó ở Nam Việt Nam. Tổ chức này có tên Nhóm hoạt động đặc biệt (SOG) và được đặt dưới quyền chỉ huy của đại tá lục quân Clyde Rusell. Nhiệm vụ của nhóm là "thực hiện các hoạt động tăng cường gồm: quấy rối, đánh lạc hướng, gây sức ép về chính trị, bắt giữ tù binh, phá hoại về vật chất, thu thập tin tức tình báo, thực hiện các hoạt động tuyên truyền và phân tán các nguồn lực" nhằm chống lại nước Việt Nam DCCH.

Về cơ cấu, SOG gồm 4 tổ: đổ bộ đường không, yểm trợ bằng không quân, hoạt động bí mật trên biển, và hoạt động tâm lý. Trong đó, tổ đổ bộ đường không có số lượng điệp viên đông nhất; tổ hoạt động trên biển có bình phong bề ngoài là các cố vấn hải quân tại Đà Nẵng.

Để tiến hành hoạt động, SOG được "thừa hưởng" 169 điệp viên bán quân sự người Việt Nam đang đóng tại cơ sở bí mật tại Long Thành. Về phía Nam Việt Nam, những người tham gia kế hoạch được đặt dưới quyền chỉ huy của Bộ chỉ huy các lực lượng đặc biệt đứng đầu là đại tá Lam Sơn.

Còn tiếp...

Nguyên Phong

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.