Đường bộ

Con đường thời thương khó: Những mảnh giấy báo vò nhàu…

15/01/2022, 08:00

Ở một cung chặng tít tắp tại một tuyến đường trên nước bạn Lào, nhiều chị em đã phải dùng giấy báo thay cho vải màn vệ sinh.

Kỳ cuối: Những mảnh giấy báo vò nhàu…

Một lúc lâu sau, anh nào anh nấy mới lẩy bẩy men ra phía miệng vực thử ngó xuống. Một màu đen xanh hun hút, tối om om...

img

Những kỹ sư, công nhân Tổng công ty 8 đã thi công nhiều công trình giao thông quan trọng tại Lào (Ảnh tư liệu)

Những cái chết bi thương…

Chiếc U Oát của chúng tôi như thất thần bò mãi mới tới được một đơn vị của Công ty 572. Chiều đó, cả bọn lại nghe thêm chi tiết này nữa: “Anh em trong đội làm đường đã nhao xuống cái vực ấy.

Nhưng vực sâu quá, thêm nữa một khối lượng đất đá vụn khổng lồ do nổ mìn và san gạt xuống đọng ở đáy vực đã nuốt trôi chiếc máy gạt.

Cho tới mấy ngày sau, rồi nghe nói mấy năm sau nữa, và cho tới tận bây giờ, người ta vẫn chưa tìm thấy anh công nhân Phạm Đây và chiếc máy gạt ĐT-75 nọ!”.

LTS: Dưới bàn chân ta là những con đường, ngày ngày ta đi đó nhưng ít người biết con đường đang thổn thức. Để đánh thức, làm sống dậy những con đường, từ tháng 1/2022, Báo Giao thông phát động Cuộc thi viết “Ký ức về những con đường”.

Đây là dịp để những người trong cuộc khắc họa lại chuyện hậu trường từ khi hình thành dự án, giai đoạn thi công - xây dựng, cho đến lúc hoàn thành đưa các tuyến đường vào khai thác, sử dụng; cùng đó, khắc họa chân dung đội ngũ những người làm đường cần mẫn, dũng cảm, tài hoa...

Sau khi kết thúc cuộc thi viết năm 2022, Báo Giao thông sẽ tập hợp và in thành cuốn sách: “Ký ức về những con đường” để lưu giữ lại như một món quà nhỏ để tôn vinh và tri ân những người làm nên những con đường trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Rồi cái buổi trưa 30/4/1983 ấy... Một ngày ở rừng Lào thật lạ. Buổi sáng lành lạnh se se.

Non trưa sang chiều bỗng bừng, hộc lên một thứ nắng chói chang gay gắt, cây cối chỗ thoáng không bị cớm lá cứ oặt như té nước sôi.

Còn đêm thì suốt tứ mùa, dứt khoát phải có chăn bông thì mới chịu được... Mùa Đông xuống tới 0 độ, nước đóng băng là thường.

Viết tới đây, tôi lại sực nhớ một đoạn trong báo cáo: “Phần lớn hiện nay không có chăn bông, áo bông hoặc áo ấm vì chế độ trang cấp không có. Trong đó, xí nghiệp 674; 572 và 675 có tới gần một nửa công nhân không có áo bông, chăn bông hoặc áo ấm”.

Tôi đang nói dở cái buổi trưa 30/4/1983 ở Nậm Nơn, nơi Công ty 572 đóng quân... Đang cố quên đi cái nóng hanh hao khó chịu, nhưng không thể đổ mồ hôi đuợc thì hết thảy đều giật nảy cả mình lên vì một tiếng nổ đanh như bộc phá...

Mà bộc phá thật. Tất cả nhao ra phía suối nơi phát ra tiếng nổ. Một cảnh hãi hùng: “Hai hình nhân giãy giụa co quắp... Thịt và máu be bét. Một chết tại chỗ. Một bị thương nặng...”.

Hai cậu công nhân trộm được ít thuốc nổ nhồi vào lon sữa hộp tra kíp vào định làm một mẻ cá ra trò ở khúc suối sâu này để cải thiện mừng ngày nghỉ lễ.

Chắc chưa có kinh nghiệm, bởi dây cháy chậm mà cháy trong nắng là rất khó nhìn thấy, lửa lan tới ống bơ lèn chặt thuốc mà họ không phát hiện ra chứ nói gì đến việc kịp ném...

Thương thay, cái chết do khối nổ bùng lên chỉ trong chớp mắt. Đêm xuống, cái lán đối diện phía nhà ngủ của chúng tôi cứ một chặp lại vang lên tiếng khóc tất tưởi, tấm tức của mấy chị cùng làng với một anh bị tai nạn: “Em ơi, dễ đến hai năm sang đây mà em chưa được bữa cá nào”.

Cảnh tượng bi hài giữa trưa nắng ở rừng Lào

Sau cái trưa bi thảm ấy hai hôm, tôi đang lơ mơ nửa thức nửa ngủ thì có tiếng la hét huyên náo ở ngoài sân bóng chuyền của xí nghiệp. Tiếng con gái lúc lanh lảnh, lúc the thé.

Cả bọn vùng dậy. Trời đất ơi, gì thế kia? Cô T. quê ở Đông Anh đã đứng tuổi, sang Lào được 5 năm, tóc tai rũ rượi. Cô đang vừa cười vừa khóc la hét lanh lảnh đuổi theo Bùi Văn Khải, một thành viên trong tổ công tác của chúng tôi.

Khải hồi đó mới ở Liên Xô về. To con, đẹp trai, trắng trẻo. Khải đang công tác tại Ban Thanh niên ngoài nước của cơ quan T.Ư Đoàn.

Khải tới các đơn vị của Liên hiệp 8 nói chuyện thời sự khá hay, lại có duyên nữa, anh chị em bên này đương đói tình hình nên rất mê các buổi nói chuyện của Khải...

Lúc này Khải mặt mày tái mét, to con vậm vạp là thế mà không bứt nổi những bước đuổi gấp gáp của T. vốn mảnh mai.

Hai người cứ vòng vèo quanh sân bóng như thế không biết bao nhiêu lượt... Anh Bỉnh, Giám đốc công ty đang ngủ trưa, nghe huyên náo cũng vùng dậy...

Vừa thoáng thấy cảnh ấy, anh Bỉnh giậm chân thở dài mà như rên: “Khổ con bé... éch-tơri mất rồi’’ (sau này tôi được biết không riêng ở Xí nghiệp 572, có rất nhiều cô sang Lào làm việc do khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tình cảm, hoặc do dồn nén ức chế nên thi thoảng lại bột phát những thể tâm thần nhẹ mà như anh Bỉnh gọi là “éch-tơri’’.

Cất được cơn “éch-tơri” này người chóng chỉ vài phút hoặc mươi lăm hai mươi phút, người lâu có đến vài tiếng... Chứng bệnh này nghe nói thường phát vào mùa mưa, nhất là những buổi trưa ong ong, oi oi nắng.

Mà cắt được cơn cho họ bằng cách nào? Đơn giản thôi, người thể nhẹ thì chỉ một cốc nước thật lạnh, nặng hơn thì mấy viên thuốc ngủ hoặc an thần.

Nhưng nặng hơn? Có lẽ để tôi kể tiếp.

Anh Lê Đức Thắng, thường vụ Đoàn của Liên hiệp 8 cùng tham gia tổ công tác chừng như không lạ tình cảnh của chị em mình bên Lào, tuy vùng ra chậm nhất nhưng đã hét to: “Khải... Khải... Mày nghe tao bảo... Dừng lại đi. Mày đứng lại rồi nhẹ nhàng ôm lấy nó, nhớ là ôm nhẹ thôi đấy... Rồi mày vuốt tóc nó và lẩm bẩm câu gì cũng đuợc. Khải, làm ngay đi nhanh lên, không con bé phát điên thật đấy”.

Khải ta vừa thở vừa oai oái: “Trời ơi, mày nói có thật không, tao mệt đứt cả hơi đây”.

Kể thì lâu nhưng làm thì chóng. Một cảnh tượng khá bi hài diễn ra giữa trưa nắng ở rừng Lào. Không có ai dám cười, đúng hơn không nỡ mà cười được…

Chỉ vài động thái vuốt ve, vài câu lẩm bẩm như an ủi, Khải đã đưa được bệnh nhân T. trở lại trạng thái bình thường!

Chiều xẩm, dù sắc diện chưa trở lại như cũ, nhưng khi chúng tôi tới thăm, T. đã cười nói bình thường, đã ăn được cơm, đặc biệt cô không có nhớ tẹo nào cái màn kịch mà buổi trưa Khải diễn ở sân bóng chuyền cả!

“Thương chúng nó lắm nhưng chả biết làm sao...”

Bữa cơm tối, mặc dù có món thịt vịt cạn, một đặc sản của vùng Nậm Nơn, nhưng bữa ăn cũng chả rôm rả hơn... Giám đốc Bỉnh chép miệng mãi không thôi về những chế độ chính sách đối với nữ công nhân đang làm việc bên Lào, rằng “kiến nghị đề đạt dễ đến hàng trăm lần, hết báo cáo mồm, báo cáo giấy mà chả ăn thua...”.

“Có cảm tưởng như các cơ quan có trách nhiệm bên nhà đã quên mất chúng tôi rồi thì phải... Thương chúng nó lắm nhưng chả biết làm sao...”.

Hôm sau ghé qua đội làm đá 12, vòng ra phía sau lán, ở một góc khuất, tôi kinh hãi ngó lướt những vuông giấy báo xếp thành hình - bây giờ là hình gì nhỉ, à, sôptina như quảng cáo trên tivi về cái băng vệ sinh ấy mà.

Chao ơi, kể lại những chuyện buồn, những chi tiết nhọc nhằn năm xa ấy có lẽ trong số các em gái có ai phiền lòng không?

Nhưng có một năm như thế, nhiều năm như thế, lứa con gái trật tuổi như các em đang mơn mởn giăng giăng khắp trong những đô thị thời đổi mới này, ở một cung chặng tít tắp tại một tuyến đường trên nước bạn Lào đã phải dùng giấy báo thay cho vải màn vệ sinh!

Có lẽ lại phải nhắc thêm một đoạn cuối trong tập báo cáo đã ngả màu vàng xuộm nọ.

Tình hình nữ thanh niên rất đáng lo ngại, hầu hết đều ở độ tuổi 18 - 20, chị em hết thảy đều lo lắng tới tương lai hạnh phúc của mình.

Điều kiện làm việc vất vả, quần áo, các nhu cầu vệ sinh không đủ. 12 chị em mới có một cái chậu. Hai năm rưỡi mới mua được một mét vải màn. Nhiều chị em phải ngủ chung để dành màn làm vải vệ sinh.

Tại nhiều đội, chị em phải dùng giấy báo vò nát thay cho vải màn dùng khi kinh nguyệt. (Trích trang 7, 8 trong báo cáo).

“Đất có tuần, nhân có vận”. Ta đổi mới bạn cũng đổi mới... Câu khẩu hiệu tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt Việt - Lào đã được nâng lên một chất lượng mới, tầm cấp mới. Có lẽ đã vĩnh viễn qua rồi cái thời dằng dặc những năm mà tuổi thanh xuân của bao chàng trai, cô gái Việt chìm lút đi trong những cánh rừng Lào miên man bất tận.

Bao năm qua, cái tình hữu nghị sâu đậm cùng mối quan hệ đặc biệt Việt - Lào luôn biểu hiện sống động qua vô vàn những việc cụ thể. Như những con đường thời thương khó ấy…

Kỳ I: Cơm muối, mắm tôm làm đường huyền thoại

May mắn sau chuyến rong ruổi nhọc nhằn ấy, nhiều năm sau, tôi đã trở lại con đường 6 huyền thoại được chứng kiến đúng thời điểm đường đang được “chuốt” lại. Chuốt là cái cách gọi con đường được nâng cấp bằng vốn vay và viện trợ của các tổ chức quốc tế cho nước bạn Lào.

Bạn đã tổ chức đấu thầu cũng theo phương thức quốc tế. Con đường được nâng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế dựa trên cái nền đường rộng 3,5m mà công sức mồ hôi xương máu và cả tuổi trẻ nữa của hàng ngàn lượt người trong đội hình chuyên làm đường giúp bạn Lào của Ban 64, Liên hiệp 8 tiền thân của Cienco 8.

Còn hơn cả việc “chọn mặt gửi vàng”, và có tí na ná “luật’’ nhân quả (?) nữa, trong số hơn chục đơn vị dự thầu quốc tế gồm nhiều nước (có sự tham gia của Lào, Việt Nam) một đơn vị của Cienco 8, Công ty 838 vốn là “em út’’ bởi sinh sau đẻ muộn so với các đàn anh đã thắng thầu phần việc trị giá hơn 12 triệu USD này!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.