Xã hội

“Con đường” trên biển ở Bạch Long Vĩ

20/03/2023, 06:32

Ký ức về những ngày không điện, thiếu nước sinh hoạt hay vài tháng mới được ăn ngọn rau xanh đã lùi xa ở đảo Bạch Long Vĩ.

30 năm trước, các chuyến tàu chở thanh niên xung phong ra xây dựng đảo Bạch Long Vĩ đánh dấu sự kiện hòn đảo này ngoài lực lượng quân đội đã có dân cư sinh sống. Một số cư dân đầu tiên xung phong ra đảo ngày ấy, giờ đã thành cán bộ.

Những chuyến tàu vẽ nên con đường trên biển

img

Bạch Long Vĩ là một trong 8 ngư trường lớn của vịnh Bắc bộ

Một ngày đầu tháng 3/2023, từ một bến cảng ở Hải Phòng, tàu Hoa Phượng Đỏ kéo còi rời bến thực hiện hành trình ra đảo tiền tiêu Bạch Long Vĩ.

Bạch Long Vĩ là đảo xa bờ nhất của Việt Nam ở vịnh Bắc bộ nằm sát đường phân định Việt Nam - Trung Quốc. Cách đất liền khoảng 140km, đảo Bạch Long Vĩ nhìn từ trên cao có hình dạng giống đuôi của một con rồng. Đảo có diện tích khoảng 2,5km2 khi thủy triều lên và 4km2 khi thủy triều xuống, là 1 trong 8 ngư trường lớn của cả nước, có nguồn tài nguyên sinh vật biển phong phú. Do đó, mặc dù có diện tích hẹp nhưng đảo có vị trí chiến lược, tầm quan trọng đặc biệt về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển.


Trên chuyến tàu này, có nhiều gương mặt mới nhưng cũng có những người đã đi - về trên tuyến hàng hải này tới hàng trăm lần. Chị Nguyễn Thị Bích, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Bạch Long Vĩ là người như vậy. 30 năm trước, chị là một trong 62 thanh niên xung phong thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Hải Phòng xuống tàu vượt qua những cơn sóng cuồn cuộn suốt hơn 10 giờ để tới đảo Bạch Long Vĩ.

“Ngày đó, lần đầu đặt chân tới đảo, chúng tôi - những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi hừng hực khát vọng tuổi trẻ. Sóng gió khắc nghiệt, thiếu thốn đủ bề không làm chúng tôi nản chí”, chị Bích bồi hồi nhớ lại.

Trước năm 1993, trên đảo Bạch Long Vĩ chỉ có các đơn vị quân đội đóng quân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền. Với vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế biển, ngày 9/12/1992, Chính phủ Ban hành Nghị định số 15, chính thức thành lập huyện Bạch Long Vĩ, trực thuộc TP Hải Phòng.

Ngày 25/3/1993 đội ngũ cán bộ lâm thời huyện Bạch Long Vĩ cùng 62 TNXP đầu tiên đi tàu “há mồm” mang số hiệu HQ 675 của Vùng 1 Hải quân ra đảo làm nhiệm vụ.

Từ chuyến tàu đầu tiên đó, Bạch Long Vĩ trở thành một đơn vị hành chính cấp huyện. Trên đảo, ngoài những đơn vị quân đội, biên phòng còn có các cơ quan hành chính: Huyện ủy, UBND huyện, trường học, bệnh viện, cơ quan công an… Trên đảo còn có cả toà án, viện kiểm sát (dù các cơ quan này rất… ít việc để làm).

Ông Trần Quang Tường, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ cho hay: “Từ ngày ấy đến nay, một “con đường trên biển” đã hình thành và duy trì suốt 30 năm qua. “Con đường” thân thương ấy là những chuyến tàu nối đảo tiền tiêu với đất liền. Cách đất liền 140km, chỉ những con tàu tải trọng lớn hoặc tàu cá vươn khơi mới có thể tới được đảo”.

Suốt những năm qua, quân, dân từ đất liền ra đảo hoặc từ đảo vào bờ chủ yếu đi bằng tàu Bạch Long của Tổng đội TNXP, tàu An Bang của Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc và các tàu của lực lượng quân đội.

Giờ đây, để tới đảo Bạch Long Vĩ, chúng tôi được đi trên con tàu lớn mang tên Hoa Phượng đỏ, hoạt động từ tháng 7/2020. Tàu có trọng tải 220 tấn, chiều dài hơn 52m, có thể chở trên 200 người và 50 tấn hàng hóa. Trong điều kiện thời tiết tốt, thời gian hành trình từ Hải Phòng ra đảo Bạch Long Vĩ và ngược lại chỉ khoảng 7 tiếng.

Đô thị giữa biển khơi

img

Lớp học trên đảo Bạch Long Vĩ

Ký ức về những ngày không điện, thiếu nước sinh hoạt hay vài tháng mới được ăn ngọn rau xanh đã lùi xa ở đảo Bạch Long Vĩ. Giờ đây đảo không khác gì một thị trấn ven biển ở trong đất liền.

Tới nay trên đảo có khoảng gần 1.000 nhân khẩu. Những cư dân trên đảo đến từ nhiều địa phương, có hoàn cảnh khác nhau nhưng đã quyết định dừng chân gắn bó với hòn đảo này.

Là một trung tâm hậu cần nghề cá ở khu vực nên dù cư dân cố định trên đảo không nhiều nhưng lại là nơi tàu cá từ khu vực miền Trung trở ra Bắc thường xuyên cập âu tàu Bạch Long Vỹ để tiếp tế dầu, nước, tránh trú bão hoặc đơn giản chỉ là ghé vào đảo nghỉ ngơi sau nhiều tháng lênh đênh trên biển.

Nhiều năm qua, cư dân trên đảo chủ yếu sống bằng nghề dịch vụ, cung cấp nhu yếu phẩm cho các tàu cá cập cảng, chế biến hải sản.

Chị Lèo Thị Duyên quê ở xã Tiên Thắng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) ra đảo năm 2012 làm nghề buôn bán. Tại đây chị gặp một anh thợ xây, nên duyên rồi gắn bó với đảo từ đó đến nay. “Lúc tôi ra đây, điện, nước vô cùng khó khăn. Điện chạy máy phát, 1 ngày chỉ giới hạn có vài tiếng, nước phải tự cung tự cấp, phải chờ nước mưa”, chị nhớ lại.

Năm 2014, chị Nguyễn Hà Giang đang sinh sống tại huyện Kiến An (Hải Phòng) đã cùng chồng đến định cư trên đảo. Khi đó quyết định của hai vợ chồng có thể coi là liều lĩnh, nhưng sau gần chục năm gắn bó, chính chị cũng bất ngờ khi chứng kiến sự “thay da đổi thịt” của Bạch Long Vĩ. Từ một hòn đảo chỉ có xương rồng, cát trắng... đến nay Bạch Long Vĩ đã mang dáng dấp của một đô thị giữa biển khơi.

Đảo tiền tiêu - Đảo thanh niên

img

Thế hệ thứ 3, những đứa trẻ sinh ra, lớn lên ở Bạch Long Vĩ

Cuối tháng 3/2023, tròn 30 năm ngày những cán bộ, thanh niên xung phong tới đây xây dựng đảo, trên đảo đã hiện hữu những công trình đồ sộ. Những bãi cát xưa khô cằn, sỏi đá, giờ mọc lên nhiều công trình như trường học, bệnh xá quân dân y, nhà khách, trạm kiểm ngư, cảnh sát biển…

Những cột tiếp sóng cao vút phủ sóng liên lạc một vùng biển, đảo rộng lớn, cạnh đó là ngọn hải đăng miệt mài chiếu sáng dẫn đường cho tàu bè qua lại…

Theo ông Nguyễn Công Diễn, Phó chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ, từ năm 2020, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã triển khai dự án điện gió kết hợp với điện mặt trời trên đảo. Đây là trạm điện gió công suất lớn (800kW) đầu tiên ở Việt Nam, trị giá gần 1 triệu USD, đủ cung cấp điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất trên huyện đảo.

Để giải “cơn khát” nước sạch, một hồ chứa nước ngọt lớn được xây dựng trên đảo với lượng tích trữ hơn 45.000m3. Nước sạch được đưa đến từng nhà, từng cơ quan, đơn vị. “Cơn khát” kéo dài bao năm trên đảo xa bờ nhất vịnh Bắc bộ đã được chấm dứt.

Đứng trên âu tàu Bạch Long Vĩ, chị Vũ Thị Ngân, một trong những thanh niên xung phong đầu tiên ra đảo không giấu nổi xúc động: “30 năm gắn bó với Bạch Long Vĩ, chúng tôi tự hào về sự đổi thay của đảo. Nhìn thế hệ thứ 2 rồi thứ 3 sinh ra, lớn lên tại đảo chúng tôi thêm tự hào về đảo quê hương, nơi chúng tôi gắn bó cả tuổi thanh xuân tươi đẹp”.

Tháng 3 được coi là “tháng thanh niên” và đảo Bạch Long Vĩ cũng được Trung ương Đoàn đặt tên là “đảo thanh niên” bởi 30 năm trước chính những thanh niên xung phong là nòng cốt xây dựng đảo.

Bộ máy lãnh đạo huyện tại đảo Bạch Long Vĩ hiện tại đều là những người trưởng thành từ tổ chức Đoàn: Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Trần Quang Tường nguyên là Bí thư Thành đoàn Hải Phòng. Chị Nguyễn Thị Bích, Phó bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện là TNXP đầu tiên ra đảo; Phó chủ tịch Nguyễn Công Diễn, nguyên là Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Hải Phòng…

Những cán bộ đoàn thanh niên ngày nào giờ đây vẫn mang trong mình ngọn lửa nhiệt huyết của tuổi trẻ đang ngày đêm bám biển, giữ vững và xây dựng hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc.

Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bạch Long Vĩ Trần Quang Tường thông tin, UBND TP Hải Phòng đã đề xuất và được Bộ GTVT đồng ý bổ sung cảng Bạch Long Vĩ vào Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Bắc. Hiện, Bộ GTVT đang chỉ đạo Cục Hàng hải VN, Cục Đường thuỷ nội địa VN hướng dẫn để huyện hoàn thiện quy trình thành lập cảng Bạch Long Vĩ thuộc địa phận xã Hoa Động, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng).

“Đây là niềm vui lớn với quân, dân huyện đảo bởi suốt 30 năm qua các chuyến tàu đi và đến đảo Bạch Long Vĩ không có cảng của riêng mình. Với việc hoàn thiện cảng Bạch Long Vĩ, “con đường trên biển” sẽ hiện đại, thuận tiện hơn, khiến đảo nối gần với đất liền hơn”, ông Tường nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.