Thị trường

Con đường xóa nghèo trên vùng “đất thép"

18/02/2015, 13:45

Có đường mới bà con sẽ không còn lo tư thương ép giá nông sản, cơ hội xoá nghèo đã ngay trước mắt.

261

Có đường mới, những người dân sống trên vùng đất thép có cơ hội đổi đời

Ba năm trở về trước, hàng vạn dân nghèo nơi vùng cao Vĩnh Hà, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị vẫn mơ ước về một con đường ra đường nối về trung tâm huyện để bớt cảnh khó khăn đi lại. Giờ đây, giấc mơ ấy chỉ còn cách hiện thực một thời gian ngắn khi mà nhà thầu Thành An đang khẩn trương đưa công trình về đích, mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân Vĩnh Hà, Vĩnh Khê cùng 6 xã, nơi con đường đi qua.

Có đường, dân không lo bị tư thương ép giá

Những ngày cuối năm 2014, chúng tôi trở lại “đất thép” Vĩnh Linh, một huyện nghèo của tỉnh Quảng Trị, nơi gắn với những địa danh nổi tiếng như Cửa Tùng, địa đạo Vĩnh Mốc, một thời là đầu giới tuyến chia cắt hai miền Nam - Bắc.

Nơi đây, từ việc xác định mạng lưới giao thông là yếu tố chủ đạo cho phát triển kinh tế, đến nay Vĩnh Linh đã nâng cấp, làm mới gần 150 km đường giao thông trên địa bàn huyện với số vốn huy động là hơn 595,8 tỷ đồng. Đáng lưu ý là năm 2013, nhờ nguồn vốn tài trợ của Quỹ Phát triển Ả rập Xê út, huyện Vĩnh Linh đã triển khai Dự án Xây dựng đường giao thông Thạch Kim - Hiền Hòa, với giá trị 420 tỷ đồng. Đây được cho là tuyến hành lang kinh tế Đông Tây thứ hai ở Vĩnh Linh.

Ông Lê Anh Minh, Giám đốc BQL Dự án Đầu tư & Xây dựng huyện Vĩnh Linh cho biết, con đường này có chiều dài cả tuyến gần 64 km với quy mô thiết kế đường loại A đồng bằng, mặt đường làm bằng bê tông nhựa, bê tông xi măng, nơi rộng nhất 5,5 m, hẹp nhất 3,5 m, có hệ thống cầu, cống đầu tư vĩnh cửu. Đường Hiền Hoà - Thạch Kim do hai đơn vị là Công ty Cổ phần Thành An và Công ty Vạn Cường thi công. Đến nay, sau 15 tháng thi công, các nhà thầu đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc. Dự kiến tháng 6/2015, tuyến đường sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần xóa đói giảm nghèo cho các xã miền núi và thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội các xã nơi dự án đi qua.

Tại làng Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến, cũng là đoạn tuyến đầu tiên trong dự án đã hoàn thành việc thảm nhựa. Thời điểm này, cũng là lúc người dân trong làng bước vào vụ thu hoạch sắn, loại cây không có giá trị kinh tế cao nhưng lại là sản vật phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu vùng đất này. Không chỉ thời tiết thuận lợi, sắn được mùa mà còn được giá bởi, có đường, xe của thương lái đã có thể tiếp cận tận đầu bờ ruộng.

Anh Nguyễn Quang Tuyến, người dân Đức Xá cho biết: “Trước đây, đường đất, mùa mưa đi bình thường đã khó nói chi đến việc vận chuyển hàng hóa. Đến vụ Sắn, phải dùng xe trâu kéo 3 km ra đường cái mới có người mua. Giờ có đường, họ đánh ô tô vào tận nơi thu đến đâu bán hết đến đấy, dân vừa khỏe lại vừa không lo bị ép giá”.

Chị Chu Thị Thương, người xã Vĩnh Thuỷ cũng cho biết: “Ở vụ ni, 8 sào sắn thu được 12 tấn, giá bán hiện tại thu về trên 20 triệu đồng. Nếu trước đây trời mưa, đường lầy, sắn thu hoạch xong không bán được để đống cả tuần, chảy nhựa bán chả được bao tiền. Bữa ni, cứ thu rồi đưa lên mặt đường, tư thương họ đến được giá thì bán”.

Ngoài chuyện thu 50 triệu đồng từ 2 ha sắn, gia đình anh Tuyến đang tính đến chuyển sang trồng cây có kinh tế cao như cao su, hồ tiêu vì hiện giao thông đã thuận tiện hơn.

Câu chuyện của chị Thương, anh Tuyến chỉ là một trong số hàng vạn dân tại mấy chục ngôi làng sinh sống hai bên đường kéo dài từ Đông đến Tây huyện Vĩnh Linh, từ xã Vĩnh Hòa qua Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Vĩnh Tân, thị trấn Cửa Tùng, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, Vĩnh Hà, Vĩnh Khê... tới đây khi tuyến đường hoàn thành.

262
Người dân xã nghèo Vĩnh Hà sẽ không còn phải đi thuyền khi cầu La Ngà đưa vào sử dụng tháng 3/2015

Sớm đưa công trình cán đích

Đó là quyết tâm được những người thợ của Công ty Cổ phần Thành An đặt ra tại công trình này. Có mặt tại công trường thi công cầu La Ngà bắc qua tràn La Ngà địa phận giáp ranh giữa xã Vĩnh Thủy và Vĩnh Hà, phía Tây huyện Vĩnh Linh, PV chứng kiến đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân của Công ty Cổ phần Thành An đang khẩn trương thi công những hạng mục cuối cùng trụ cầu T2 và mố M2 để hoàn thành dứt điểm phần hạ bộ cầu trong mùa mưa.

Kỹ sư Lê Đức Hoàng, cán bộ giám sát dự án cho biết: Trước đây người dân Vĩnh Thủy muốn sang Vĩnh Hà hoặc lên đường Hồ Chí Minh nếu không muốn đi đường vòng 15km theo Tỉnh lộ 571 thì chỉ còn cách men theo đập La Ngà. Vào mùa mưa lũ nước lên cao, đập xả lũ, tuyến đường bị chia cắt việc giao thương của người dân gặp rất nhiều khó khăn, đi lại cực nguy hiểm.

Với cầu mới vĩnh cửu, sắp tới người dân hai xã nghèo Vĩnh Thủy, Vĩnh Hà sẽ không còn chịu cảnh chia cắt. Điều quan trọng hơn là tới đây, khi toàn tuyến đường hoàn thành, đưa vào khai thác ngoài chuyện tạo kết nối giữa các xã miền núi với các xã ven biển thì còn góp phần thúc đẩy việc giao thương các sản vật vùng miền để người dân hưởng lợi.

Còn ông Võ Văn Sanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hà chia sẻ: Trước đây, đời sống của nhân dân xã Vĩnh Hà, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều gặp rất nhiều khó khăn do xa các đầu mối giao thông, chợ. Tỷ lệ hộ nghèo của xã vì thế có lúc lên đến 49%. Nhưng nay, nhờ có đường, việc đi lại, giao thương của bà con trở nên thuận lợi hơn. Công tác xóa đói giảm nghèo nhờ đó được đẩy mạnh. Số hộ nghèo trong xã hiện còn 89 hộ, chiếm tỷ lệ 18,08%.

Giám đốc Công ty Cổ phần Thành An, ông Trần Đình Hiệp cho biết: Trước tính cấp thiết của dự án, Công ty Thành An ngoài việc chỉ đạo đơn vị thi công ưu tiên đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành phần hạ bộ cầu trước khi lũ về. Hiện nhà thầu cũng đã chủ động phương tiện và con người triển khai thi công với hai mũi độc lập từ hai đầu để đẩy nhanh tiến độ.

Anh Nguyễn Hữu Tịch, Chỉ huy trưởng công trường cho biết: Đến nay, sau 7 tháng thi công, vượt lên những khó khăn bất lợi về thời tiết, địa hình đồi dốc hiểm trở, thiếu điện thiếu nước, chúng tôi đã chia ca làm việc vừa thi công cọc khoan nhồi, mố trụ, vừa tập kết vật liệu đúc dầm ngay tại công trường, với tiến độ hiện tại, dự kiến đến tháng 3/2015, bà con trong vùng sẽ được đi trên cầu mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.