Thời sự

Con em nông dân mới phải đi nghĩa vụ quân sự?

21/11/2014, 14:34

Sáng nay (21/11), QH thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi) với đa số các ý kiến nhất trí kéo dài thời gian tại ngũ lên 24 tháng, hạn chế đối tượng được miễn, giảm.

Lên đường nhập ngũ là nghĩa vụ thiêng và vẻ vang - ảnh minh họa
Lên đường nhập ngũ là nghĩa vụ thiêng và vẻ vang - ảnh minh họa

Tại phiên thảo luận, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (ĐBQH tỉnh Hải Dương) cho rằng, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành không còn phù hợp, không thu hút được nhân tài cho quân đội. Thực tế, hiện nay chỉ có người thất nghiệp, con em nông dân, con em người dân tộc thiểu số mới đi nghĩa vụ quân sự. Chính điều này tạo ra bức xúc cho xã hội.

“Nhiều công dân tìm cách để trốn tránh nghĩa vụ của mình với Tổ quốc. Nhiều người có quyền tìm mọi cách trốn tránh cho con em đi nghĩa vụ quân sự”, ĐB tỉnh Hải Dương nói và mong muốn lần này sửa luật phải làm sao động viên, thu hút thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự, thực hiện công bằng xã hội. Đặc biệt là các quy định liên quan đến quyền lợi cho thanh niên tham gia nghĩa vụ quân sự.

Cũng nói về sự không công bằng và gây bức xúc cho xã hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Việt Trường (ĐBQH tỉnh An Giang) cung cấp thông tin: hàng năm có 6- 7 triệu công dân đến tuổi nhập ngũ, nhưng nhà nước chỉ gọi khoảng 6%. Trong số đó, có tới 79,4% là con em nông dân. Ngoài ra, chất lượng thành phần nhập ngũ chưa tương xứng khi chỉ có khoảng 0,64% có trình độ CĐ, ĐH; 39% trình độ THCS và trình độ tiểu học cũng được gọi nhập ngũ để có nguồn đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số.

“Tuy nhiên, Dự thảo chỉ có 3 nội dung mới là thu hẹp đối tượng hoãn nhập ngũ, nâng thời hạn phục vụ tại ngũ và nâng độ tuổi gọi nhập ngũ. Những nội dung còn lại có sửa đổi, nhưng không làm thay đổi được những bất cập hiện nay, chưa đảm bảo công bằng xã hội trong nghĩa vụ quân sự”, ông Trường nói.

Một vấn đề cũng được ĐB tỉnh An Giang đề cập đó là việc xử lý hành vi vi phạm trong thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa thật nghiêm minh. “Theo giám sát của Ủy ban Quốc phòng – An ninh, trong khoảng thời gian từ 2005 – 2011, có 49.572 trường hợp trốn khám tuyển nghĩa vụ quân sự, nhưng chỉ xử lý hành chính. Trong khi, 4.612 người trốn, chống lệnh gọi nhập ngũ nhưng chỉ xử lý hình sự 4 người vào năm 2011, còn trước đó không có trường hợp nào”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cho hay.

Cũng đề cập đến thực tế phần lớn thanh niên nhập ngũ là con em nông dân, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng, điều này vừa tạo ra bất công bằng trong xã hội, vừa giảm giảm chất lượng quân đội, khi không tuyển chọn được được những người có trình độ, năng lực.

ĐB Nguyễn Xuân Tỷ (Bến Tre) thậm chí đưa ra đề xuất, cần có quy định cụ thể tỷ lệ người tốt nghiệp ĐH tham gia nghĩa vụ quân sự để giải quyết vấn đề chất lượng của người tham gia nghĩa vụ quân sự. Làm như vậy, sẽ tránh được tình trạng người có trình độ, con em gia đình khá giả trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Cùng chủ đề này, ĐB Trần Hữu Tuất (Nghệ An) đề nghị, Luật Nghĩa vụ quân sự phải quy định cụ thể những ưu tiên về việc làm của thanh niên sau khi tham gia nghĩa vụ quân sự. Bởi hiện nay, những người nhập ngũ là con em nông dân, sau khi xuất ngũ không có việc làm chiếm tỷ lệ cao.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.