Quản lý

Còn hàng trăm loại thùng xe tải không đạt chuẩn

18/06/2014, 09:21

Tình trạng chủ xe cơi nới hoặc nhà sản xuất đôn thùng để chiều "thượng đế" khiến hàng trăm loại xe ô tô tải đang lưu hành vi phạm các quy định, quy chuẩn quốc tế.

Đó là thông tin vừa được Cục Đăng kiểm Việt Nam công bố trong hội thảo trưng cầu ý kiến xây dựng dự thảo Thông tư về kích thước giới hạn thùng chở hàng của xe tải và Thông tư về bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện do Bộ GTVT tổ chức ngày 17/6 tại TPHCM.

Quy định kích cỡ thùng chở hàng, siết quy trình bảo dưỡng

Quy định mới về kích thước thùng chở hàng của ô tô sẽ triệt tiêu xe quá tải từ
Quy định mới về kích thước thùng chở hàng của ô tô sẽ triệt tiêu xe quá tải từ "gốc"

Theo Ban soạn thảo, dự thảo các Thông tư nêu trên, xuất phát từ thực trạng xe chở quá tải tham gia giao thông đã và đang xảy ra ở nhiều loại xe, gây ảnh hưởng lớn và làm hư hại hạ tầng, mất ATGT, bất chấp những quy định và yêu cầu về kỹ thuật, đảm bảo an toàn.

Tệ hại hơn, tình trạng quá tải diễn ra thường xuyên, liên tục và trầm trọng do phương tiện cơ giới đường bộ gây ra… Ngoài các giải pháp về kiểm tra, xử phạt lâu nay đã và đang làm quyết liệt thì rất cần thiết phải có quy định về kích thước giới hạn thùng chở hàng của ô tô, rơ moóc và sơ mi rơ moóc tham gia giao thông đường bộ (dự kiến thay thế Thông tư 32/2012/TT-BGTVT).

Dự thảo quy định này sẽ bổ sung đối tượng áp dụng đối với nhóm xe tải tự đổ, xe xì téc có khối lượng toàn bộ dưới 10 tấn; đồng thời, quy định kích thước chiều dài toàn bộ xe tự đổ; bổ sung quy định kích thước giới hạn thùng chở hàng xe tải, xe xì téc chở khí hóa lỏng và lộ trình áp dụng đối với từng nhóm xe.

Các nội dung của dự thảo Thông tư kích thước giới hạn thùng chở hàng tập trung vào 4 vấn đề chính, đó là: Thực trạng ghi nhận được từ chương trình kiểm soát trọng tải phương tiện; các vấn đề cần xem xét giải quyết; phương pháp luận sử dụng khi giải quyết vấn đề; đề xuất quy định về kích thước thùng chở hàng.

Cùng trong buổi hội thảo, Ban soạn thảo cũng đã thông qua mục đích yêu cầu và nội dung quy định về bảo dưỡng kỹ thuật, sửa chữa phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (dự kiến thay thế Quyết định số 992/2003/QĐ-BGTVT). Theo đó, Thông tư dự kiến thay thế được tập trung vào 3 nội dung chính, gồm: Sự cần thiết bảo dưỡng định kỳ xe cơ giới; thực trạng về bảo dưỡng định kỳ; dề xuất quy định về bảo dưỡng định kỳ.

Xử lý xe nước ngoài có thùng hàng không theo quy chuẩn VN thế nào?

Tham gia ý kiến đóng góp cho dự thảo các Thông tư, PGS.TS Phạm Xuân Mai - Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh đề xuất Ban soạn thảo cần cập nhật thêm nhiều tài liệu mới, bổ sung thêm các tiêu chuẩn. Đồng thời, PGS.TS Phạm Xuân Mai cũng bày tỏ băn khoăn rằng, kích thước của thùng xe là do nhà sản xuất đã áp dụng theo tiêu chuẩn quy định; rồi việc đến năm 2018, Việt Nam sẽ gia nhập khối cộng đồng kinh tế Asean và sẽ có nhiều phương tiện vận tải của các nước tham gia trên tuyến cao tốc xuyên Á, vào lãnh thổ của nhau, liệu có mâu thuẫn và bị cơ quan chức năng Việt Nam xử phạt hay không nếu các phương tiện đó có thùng hàng không theo quy chuẩn của Việt Nam...

Bà Lã Thị Thanh Phương - Phó giám đốc Công ty CP Kỹ thuật và Ô tô Trường Long cho hay, cá nhân bà và DN rất ủng hộ dự thảo Thông tư về kích thước giới hạn thùng chở hàng của xe tải. Bên cạnh đó, bà Phương cũng kiến nghị Bộ cho phép lùi thời gian có hiệu lực của Thông tư mới đến cuối năm 2014 để DN có thời gian giải quyết các hợp đồng tồn đọng và chuẩn bị cho thiết kế và sản xuất theo quy định mới.

Còn ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Tp. Hồ Chí Minh thì cho rằng, quá tải đang diễn ra gần nhưng phổ biến do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc cơ quan Nhà nước kiểm tra không chặt, xử lý chưa nghiêm. “Hiệp hội đồng tình với chủ trương siết chặt thùng chờ hàng; tuy nhiên, vấn đề kiểm soát quá tải phải được làm từ gốc và cần phân định tính đặc thù của ngành cũng như cần điều tiết 3 chủ thể gồm chủ hàng, đối tượng thuê chở hàng và người chở hàng…” – ông Quản nói.

Tại hội thảo, nhiều cá nhân, doanh nghiệp cũng kiến nghị không áp dụng tiêu chuẩn kích thước đối với xe tải dưới 10 tấn vì loại xe này có chở quá tải cũng không ảnh hưởng đến mặt đường (theo tải trọng trục); cho phép tăng tải trọng trục lên 15% đối với những xe có hệ thống treo khí nén; cho phép các phương tiện còn thời hạn đăng kiểm lưu hành…

Giải đáp các vấn đề đại biểu nêu ra tại hội thảo, ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, những sản phẩm nào DN đã thiết kế và đang sản xuất theo Thông tư cũ thì vẫn tiến hành sản xuất cho đến khi Thông tư mới được ban hành. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý đến lộ trình thực hiện của thông tư mới.

Đối với loại xe dưới 10 tấn, ban đầu Cục Đăng kiểm không áp dụng, nhưng vì có quá nhiều xe dưới 10 tấn lợi dụng để chở quá tải gây ra sự bức xúc và cạnh tranh không công bằng giữa các DN nên buộc phải quy định kích thước thùng với loại xe này…

Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, trong thời gian qua Ngành Đăng kiểm đã không chú trọng kiểm soát kích thước thùng chở hàng xe tải. Vì thế đã dẫn đến tình trạng xe cơi nới thùng hoặc nhà sản xuất đôn thùng để chiều “thượng đế”. Trên cả nước hiện nay chỉ có khoảng có 15 loại xe ô tô tải có thùng hàng đáp ứng tiêu chuẩn; còn lại, hàng trăm loại vi phạm các quy định, quy chuẩn quốc tế.

Cũng theo Cục trưởng Trần Kỳ Hình, ngay cả mui xe, nhiều trường hợp đã không chỉ dùng để che mưa che nắng mà còn lợi dụng biến nó thành một phần của thùng xe nhằm chở thêm hàng, thậm chí khung mui cũng biến tướng để phục vụ vào mục đích này.

Các DN kinh doanh vận tải chân chính mong muốn lập lại vấn đề tải trọng, không chỉ vì mối quan tâm đến vấn đề phá đường mà còn vì muốn giá cước vận tải được thiết lập một cách công bằng, lâu dài…

Đại diện Cục Đăng kiểm cho hay, sẽ tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu để hoàn thiện hơn dự thảo các Thông tư.

Mai Văn Huyên

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.