Bài 1: Dùng điện hoang phí, người khác không có điện
LTS: Sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả (TK&HQ) là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua trong việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế, sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, trước bối cảnh nguồn điện mới chậm đưa vào hoạt động đe dọa an ninh năng lượng giai đoạn 2025-2030, càng làm nổi bật hơn tầm quan trọng của việc tuyên truyền sử dụng năng lượng TK&HQ trong thời gian tới.
Loạt bài "Cơn khát điện chưa chấm dứt" của Báo Giao thông sẽ phân tích đầy đủ khía cạnh về sự cần thiết phải tiết kiệm điện, cũng như nêu bật những giải pháp đã và đang được triển khai rộng khắp. Đồng thời, khắc họa những nỗ lực tiết kiệm điện từ phía người dân, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như những giải pháp của Chính phủ, Bộ Công thương trong việc ban hành chính sách thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ.
Tổng công suất liên tục tăng, nguồn điện mới chậm tiến độ
Theo báo cáo từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính đến cuối năm 2023, tổng công suất nguồn điện toàn hệ thống khoảng 80.555MW, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT - điện gió, điện mặt trời) là 21.664MW và chiếm tỷ trọng 26,9%, nhiệt điện than là 26.757MW, chiếm tỷ trọng 33,2%; thủy điện là 22.872 MW, chiếm tỷ trọng 28,4%, các nhà máy nhiệt điện khí chiếm 8,9%, nhiệt điện dầu và nguồn khác chiếm 1,4%, công suất nguồn điện nhập khẩu khoảng 1%.
Tổng công suất lắp đặt nguồn điện toàn hệ thống khá cao so với nhu cầu công suất phụ tải cực đại (Pmax năm 2023 là 45.531 MW, năm 2024 là 49.533 MW). Mặc dù vậy, phân bố nguồn điện và dự phòng nguồn điện giữa các miền không đồng đều, trong đó, khu vực miền Bắc không có dự phòng về nguồn điện do tổng công suất đặt của hệ thống là 28.614 MW, trong khi nhu cầu công suất lớn nhất (Pmax) là 23.568 MW.
Còn hệ thống điện miền Trung và miền Nam có dự phòng nguồn điện khá lớn, với tổng công suất nguồn điện tương ứng là 16.802 MW và 35.140MW, trong khi nhu cầu công suất lớn nhất tương ứng 4.939MW và 19.702MW.
Theo nhận định của EVN, với tiến độ triển khai các dự án nguồn điện được phê duyệt trong Quy hoạch điện VIII hiện nay, việc cung ứng điện trong các năm tới còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo đó, các nguồn thủy điện lớn cơ bản đã được xây dựng và đưa vào vận hành, chỉ còn một số dự án thủy điện với quy mô công suất nhỏ. Trong khi nhiệt điện than sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc thu xếp nguồn vốn tín dụng và việc triển khai các dự án cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sau khi Việt Nam đã đưa ra cam kết mạnh mẽ cùng cộng đồng quốc tế về mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (Net Zero) vào năm 2050 tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP 26).
Nhiệt điện khí, ngoại trừ dự án Nhà máy điện (NMĐ) Nhơn Trạch 3&4 và Hiệp Phước 1 với tổng công suất khoảng 2.824 MW có thể hoàn thành trước năm 2030, các dự án LNG còn lại khó đáp ứng tiến độ hoàn thành trước năm 2030.
Còn các nguồn điện gió ngoài khơi (ĐGNK), mục tiêu đặt ra 6.000 MW vào năm 2030, thời gian thực hiện một dự án cần tới 6-8 năm, song hiện cơ chế phát triển ĐGNK đang được Bộ Công thương xây dựng Đề án thí điểm phát triển kèm theo các cơ chế, chính sách đồng bộ để trình Chính phủ.
Các nguồn NLTT mới được bổ sung trong Quy hoạch điện VIII hiện nay vẫn đang cần các cơ chế chính sách từ các cấp có thẩm quyền để triển khai theo quy hoạch…
Từ các phân tích trên cho thấy, việc phát triển các nguồn điện đáp ứng tiến độ và quy mô công suất theo định hướng, mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII khó khả thi, việc đảm bảo cung ứng điện cho nhu cầu phụ tải tăng thêm trong các năm tới sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng – cần thiết và quan trọng!
Bộ Công thương dự báo, giai đoạn 2025-2030 tình trạng thiếu nguồn điện có thể rất nghiêm trọng nếu không có thêm nguồn điện mới. Vì vậy, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết và quan trọng. Đây cũng chính là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua.
Ngay từ năm 2010, chúng ta đã có Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm & hiệu quả (Luật 50) và trước đó nữa là chương trình mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bắt đầu từ năm 2006 (VNEEP 1, giai đoạn 2006-2010; VNEEP 2, giai đoạn 2011-2015; VNEEP 3, giai đoạn 2019-2030).
Việt Nam cũng có nhiều các chương trình/dự án được các tổ chức quốc tế hỗ trợ, như Chương trình Năng lượng Phát thải Thấp Việt Nam (V-LEEP I được thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 và V-LEEP 2 cho giai đoạn 2020-2025… do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thực hiện chuyển đổi năng lượng sang xanh hơn, sạch hơn…
Đặc biệt, năm 2020, và năm 2023, Thủ tướng đã có 2 Chỉ thị 20 về tăng cường tiết kiệm điện cho giai đoạn 2020-2025 và các năm tiếp theo…
Ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương) cho hay, Đảng và nhà nước rất quan tâm quan tâm đến sử dụng năng lượng TK&HQ. Chúng ta là một trong những nước đầu tiên có Luật Sử dụng năng lượng TK&HQ và có hệ thống văn bản pháp luật tương đối đầy đủ và đồng bộ trong các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế để thúc đẩy sử dụng năng lượng TK&HQ.
Nhờ đó, tổng 2 giai đoạn của chương trình VNEEP, tiết kiệm năng lượng tương ứng 16.200 triệu tấn dầu quy đổi. "Tiềm năng TKNL còn rất lớn, do đó trong Chương trình VNEEP3, Chính phủ đặt ra mục tiêu tiết kiệm từ 8-10% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc trong giai đoạn từ 2019 đến năm 2030", ông Vũ nói.
Cuối 2025 sẽ sơ kết Chương trình VNEEP3, mục tiêu giai đoạn đầu phải đạt mức tiết kiệm năng lượng 5-7% tổng tiêu thụ năng lượng toàn quốc. Hiện tại, chưa có số liệu chính xác để đánh giá, tuy nhiên, với nhiều nhiệm vụ được triển khai, ông Vũ nhận định, công tác sử dụng năng lượng TK&HQ đã được đẩy mạnh tốt hơn giai đoạn trước đấy.
"Tôi đánh giá, khi có Luật, thông tư, quyết định của Thủ tướng thì nhiều địa phương đã coi lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ như tự nguyện, tự giác. Như hiện nay, chúng ta đã có sự thay đổi về tư duy, tức là sử dụng năng lượng TK&HQ dần đi vào nền nếp. Tôi thấy các địa phương đã quan tâm hơn vào công tác thực thi sử dụng năng lượng TK&HQ", theo ông Trịnh Quốc Vũ.
Hiện đã có 60/63 tỉnh, thành ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình của địa phương giai đoạn 2020-2025 và giai đoạn đến năm 2030. 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã xây dựng và ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 20 của Thủ tướng về tiết kiệm điện hoặc ban hành chỉ thị của Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, Chương trình tiết kiệm điện đã đạt kết quả tỷ lệ tiết kiệm điện toàn quốc cao hơn 2% hàng năm trong giai đoạn 2020-2023.
Nhiều quyết định, thông tư, hướng dẫn kỹ thuật, các hội thảo đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, cuộc thi, giải thưởng... thuộc lĩnh vực sử dụng năng lượng TK&HQ cũng đã được Bộ Công thương triển khai và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nhằm tăng cường tiết kiệm điện trong giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo, ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 20 nêu rõ mục tiêu: Trong cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện (dưới 6% vào năm 2025);
Giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500MW vào năm 2025;
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu;
Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận