Thị trường

Cơn lốc cắt giảm điện mặt trời, điện gió do thừa điện

07/04/2021, 13:34

Tương lai phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đang bị "bóp chẹt" bởi tình trạng cắt giảm công suất do thừa điện ngày càng đáng lo...

img

Điện mặt trời áp mái chưa được đánh giá tác động dù gây áp lực đến việc cắt giảm công suất nguồn điện NLTT.

Sẽ cắt giảm mạnh hơn khi điện gió "chạy đua"

Trong kế hoạch hoạt động năm 2021, EVN ước tính, sẽ cắt giảm khoảng 1,3 tỷ kWh điện năng lượng tái tạo (NLTT) do quá tải đường dây 500kV. Trong đó, có hơn 500 triệu kWh nguồn điện mặt trời.

Thiếu điện là nỗi lo nhưng thừa điện cũng rất nguy hiểm bởi lượng điện dư thừa phát lên hệ thống sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Do vậy, không dưới một lần Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã phải cảnh báo về việc phải cắt giảm thường xuyên các nguồn điện trước mối nguy thừa mứa điện.

Mới đây, EVN một lần nữa đưa ra cảnh báo có thể sẽ cắt giảm mạnh hơn khi các dự án điện gió đang "chạy nước rút" để về đích trước ngày 1/11/2021 nhằm hưởng giá cao.

Theo EVN, đến nay đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió, tổng công suất là 6.038MW.

Trong đó, mới có 12 dự án được đưa vào vận hành thương mại, tổng công suất là 582MW.

Còn dự kiến, có tới 87 dự án, với tổng công suất là 4.432MW sẽ được đưa vào vào vận hành thương mại trước 31/10/2021.

Số các dự án không thể vận hành thương mại trước 31/10/2021 là 14 dự án với tổng công suất là 1.024MW.

Trước thực tế này, EVN cho rằng, từ tháng 10-12/2021, khi các nguồn điện gió vào vận hành đủ, đồng thời với giai đoạn mùa lũ miền Trung - Nam, lượng công suất thừa có thể lớn hơn với thời gian dài hơn.

Chưa kể, trường hợp có thêm nguồn NLTT vào vận hành sớm hơn so với tiến độ dự kiến, hoặc các thủy điện đồng loạt xả, lượng năng lượng tái tạo bị cắt giảm còn có thể cao hơn.

EVN cũng đánh giá, vào thời điểm tháng 7-9/2021 là thời kỳ lũ chính vụ miền Bắc, thực hiện khai thác cao thủy điện và tối thiếu nhiệt điện than theo điều kiện kỹ thuật, hệ thống điện miền Bắc có thể cân đối được nguồn, truyền tải Trung - Bắc duy trì ở mức thấp.

Điều này làm cho nguy cơ thừa nguồn toàn hệ thống trở nên trầm trọng hơn. Mức cắt giảm năng lượng tái tạo có thể lên tới 3.000/6.500MW vào thời điểm thấp điểm trưa của ngày thường hoặc cuối tuần. Sản lượng năng lượng tái tạo cắt dự kiến trong mỗi tháng là hơn 180 triệu kWh.

Tình trạng cắt giảm vẫn kéo dài?

Trong sự bùng nổ điện mặt trời áp mái (ĐMTAM) thời gian qua, gây áp lực đến việc cắt giảm công suất nguồn điện NLTT, Cục Điều tiết Điện lực và Truyền tải điện miền Nam cùng đề nghị "bổ sung đánh giá ảnh hưởng của điện mặt trời áp mái đến dự báo nhu cầu phụ tải" để tìm hướng giải quyết vấn đề trên.

Bộ công thương cho biết: Chưa có số liệu thống kê đầy đủ trong nhiều năm để có thể xây dựng một nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng đến nhu cầu phụ tải ở cấp truyền tải.

Theo Bộ này, nếu tính gộp điện ĐMTAM vào nhu cầu phụ tải dự báo sẽ rất khó dự báo được biểu đồ phụ tải điện trong tương lai.

Bản chất của ĐMTAM cũng giống như nguồn điện mặt trời quy mô lớn, có thể coi là nguồn điện. Hành vi sử dụng điện của phụ tải hay dáng biểu đồ phụ tải (khi chưa có điện mặt trời áp mái) đã được nghiên cứu nhiều năm nay và được sử dụng để dự báo dáng biểu đồ trong tương lai của Quy hoạch điện VIII.

Do vậy, Quy hoạch điện VIII lựa chọn phương pháp dự báo nhu cầu phụ tải gốc, không tính đến ĐMTAM và coi ĐMTAM nằm trong phần nguồn điện.

Báo cáo về tình hình hoạt động quý I/2021 của EVN cho thấy, lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 59,65 tỷ kWh, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó: Thủy điện huy động 13,86 tỷ kWh, tăng 55,4% so với cùng kỳ năm 2020; Nhiệt điện khí 7,44 tỷ kWh, giảm 21,4%; Nhiệt điện than 29,75 tỷ kWh, giảm 12,4 %; Riêng NLTT huy động tăng 180,6%, mức 7,79 tỷ kWh (điện mặt trời huy động 7,13 tỷ kWh).

Theo EVN, thời gian qua, đơn vị gặp một số khó khăn trong huy động nguồn linh hoạt, đó là: Các tổ máy thủy điện phải thay đổi linh hoạt công suất để bù đắp thay đổi NLTT, ảnh hưởng đến an ninh cấp điện cuối mùa khô; Tăng số lần khởi động/thay đổi công suất các tổ máy nhiệt điện than/tuabin khí, làm tăng nguy cơ sự cố tổ máy...

Do đó, việc huy động các nguồn điện hàng ngày cần được tính toán hợp lý, cơ cấu nguồn phải đảm bảo có dự phòng để đáp ứng không những các thay đổi của phụ tải tiêu thụ điện mà còn với các thay đổi bất thường của chính các nguồn NLTT với mức độ thay đổi hàng nghìn MW trong vài giây.

"Việc tiết giảm khả năng phát các nguồn NLTT trong thời gian qua cũng như hiện nay là bắt buộc phải thực hiện để đảm bảo an toàn cung cấp điện", EVN thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.