Bóng đá

Còn nghi ngại V-League sử dụng công nghệ VAR

18/04/2019, 09:59

Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang triển khai kế hoạch áp dụng công nghệ VAR (hỗ trợ trọng tài bằng video)...

img
Trọng tài V-League tồn tại nhiều vấn đề trong công tác điều hành các trận đấu

Công ty CP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đang triển khai kế hoạch áp dụng công nghệ VAR (hỗ trợ trọng tài bằng video) từ giai đoạn lượt về V-League 2019, trong một số trận đấu tâm điểm. Nhưng VAR có thể giúp cải thiện công tác trọng tài tại giải đấu cao nhất Việt Nam hay không vẫn là dấu hỏi.

Những câu hỏi cho VAR tại V-League

Mới đây, ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc VPF thông tin, công ty này đang gấp rút triển khai kế hoạch áp dụng công nghệ VAR ở giai đoạn lượt về V-League 2019. Theo đó, VPF sẽ mua một xe ô tô lưu động, trên xe có đầy đủ thiết bị để khi kết hợp với các đài truyền hình sẽ áp dụng được VAR. Phương án này giúp VPF tiết kiệm chi phí đáng kể bởi không phải triển khai thiết bị ở nhiều sân bóng. Nhưng hạn chế sẽ là không thể thực hiện VAR ở nhiều trận đấu bởi xe chuyên dụng chỉ có 1 và mất thời gian di chuyển giữa các địa phương. Dẫu vậy, VAR vẫn là tín hiệu lạc quan với công tác trọng tài V-League vốn có nhiều lỗ hổng.

Thực tế cho thấy, nhiều năm trở lại đây, trọng tài V-League thường để lại nhiều tai tiếng, với những quyết định khó hiểu. Nổi cộm có thể kể tới pha công nhận bàn thắng “ma” của trọng tài Phùng Anh Chiến ở mùa giải 2016, trong trận đấu giữa SLNA và Thanh Hóa; hay trọng tài Nguyễn Trọng Thư thổi bùng lên một trận cầu hài hước khi TP HCM đối đầu Long An ở mùa giải 2017. Mùa giải 2018, trọng tài Trần Văn Lập “quên” rút thẻ đỏ với Hồ Tấn Tài trong trận B.Bình Dương gặp Than Quảng Ninh. Sau đó, Tấn Tài ghi bàn cho đội bóng đất Thủ và không được công nhận. Mới nhất, ở mùa giải 2019, trọng tài Nguyễn Trọng Thư công nhận bàn thắng cho B.Bình Dương ở trận gặp Viettel (vòng 4) dù Wander Luiz đã cố tình dùng tay khống chế bóng trước khi dứt điểm tung lưới Viettel.

Một thực tế khác, trước mỗi mùa giải V-League, đội ngũ trọng tài đều được tập huấn, sát hạch. Nhưng không vì vậy mà chất lượng cầm còi chuyển biến một cách tích cực, nhiều vị vua áo đen còn mắc những sai lầm ngớ ngẩn, ảnh hưởng tới cục diện trận đấu. Hệ quả, mùa nào VPF cũng phải thuê trọng tài ngoại điều khiển những trận đấu then chốt ở giai đoạn nước rút nhằm tránh rắc rối không đáng có. Trong bối cảnh như vậy, VAR được kỳ vọng sẽ giúp công tác trọng tài V-League khởi sắc hơn. Tuy nhiên, xung quanh câu chuyện này vẫn còn nhiều nghi ngại.

Thứ nhất, mỗi vòng đấu, VAR chỉ có thể thực hiện được từ 2-3 trận. Vậy 3-4 trận còn lại sẽ ra sao? Không ai đảm bảo những trận không có VAR, trọng tài không sai sót hoặc phát sinh những tình huống khó. Thứ hai, bản thân VAR cũng đang gây ra nhiều tranh cãi ở những giải đấu hàng đầu thế giới như Champions League, Ngoại hạng Anh. Thứ ba, VAR chỉ là công nghệ video hỗ trợ trọng tài và quyết định cuối cùng vẫn thuộc về trọng tài chính, đội ngũ trọng tài ở V-League có đủ sức đáp ứng yêu cầu của VAR hay không?

Quan trọng vẫn là con người

Theo cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng, người từng nhiều năm làm việc tại V-League, ông rất hoan nghênh việc V-League sử dụng công nghệ VAR bởi nếu tận dụng được thì sẽ góp phần minh bạch công tác trọng tài, lấy lại niềm tin cho trọng tài V-League. “Bỏ qua những sai lầm, nhiều tình huống trọng tài đúng nhưng vẫn bị lên án, bị các CLB quy kết, đổ thừa khi nhận kết quả bất lợi. Nếu áp dụng VAR, trọng tài đương nhiên không còn trở thành những “tấm bia” đỡ đạn từ dư luận”.

Đồng quan điểm, bình luận viên Vũ Quang Huy nhận định: “Công tác trọng tài của bóng đá Việt Nam hay có những tình huống một mất mười ngờ, dậu đổ bìm leo, trọng tài trở thành quân bài để đội bóng lấp liếm đi sai lầm. VAR giúp phân tách được những tình huống cụ thể, tránh nhập nhèm”.

Tuy nhiên, cựu còi vàng Dương Mạnh Hùng cũng cho rằng, sử dụng VAR hay không, yếu tố con người vẫn phải đặt lên hàng đầu. “Trọng tài trước hết phải trang bị trình độ chuyên môn vững vàng mới có thể phát huy hiệu quả của VAR. Trọng tài kém về luật, yếu bản lĩnh thì VAR sẽ phản tác dụng. Ngoài ra, đội ngũ trọng tài làm việc phải có văn hóa, ý thức được trách nhiệm thì VAR sẽ phát huy hiệu quả, bằng không có thể dẫn tới nhiều tình huống dở khóc dở cười”, ông Hùng chia sẻ.

Tổng kết ý kiến của mình, ông Hùng cho rằng VAR áp dụng tại V-League chưa hẳn sẽ mang lại hiệu quả tốt. “Bóng đá Việt Nam tính chuyên nghiệp chưa cao trong khi VAR lại đòi hỏi sự chuyên nghiệp cực cao, như vậy là khập khiễng khi đưa vào sử dụng. Thứ nữa, đội ngũ trọng tài thiếu ổn định nên rất dễ khiến VAR phản tác dụng. Tôi lấy ví dụ cụ thể là trước đây khi chưa có bộ đàm, trọng tài Việt Nam làm việc trên sân 4 người như một. Nhưng khi có bộ đàm, trọng tài liên lạc với nhau dễ hơn nhưng lại xảy ra nhiều sai sót hơn, nhiều tình huống nhạy cảm. Chẳng ai biết họ trao đổi gì với nhau trên sân bởi chức năng ghi âm của bộ đàm đã bị tắt. Tại sao lại phải tắt nếu không có những nhập nhèm. VAR cũng vậy thôi, nếu bị lạm dụng có thể đem đến sự biến tướng”, cựu còi vàng nêu quan điểm.

Ngược lại, bình luận viên Vũ Quang Huy đặt niềm tin công nghệ VAR sẽ được áp dụng tốt tại V-League và đem đến làn gió mới. “Theo tôi, VAR phụ thuộc rất lớn vào công nghệ của các đài truyền hình trong khi những năm gần đây, các đài truyền hình lớn ở Việt Nam đã có trang thiết bị rất hiện đại, đủ sức đáp ứng yêu cầu của VAR. Còn về đội ngũ trọng tài, đa phần họ còn trẻ, tiếp xúc với khoa học kỹ thuật thường xuyên nên tôi nghĩ không quá khó để họ tiếp cận được VAR sau tập huấn. VAR được sử dụng chắc chắn là một điểm nhấn đáng chờ đợi tại V-League, giúp trọng tài giải quết những tình huống 50-50 hoặc sự cố khó”, ông Huy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.