Y tế

Còn nhiều rào cản thực hiện bệnh án điện tử

11/03/2019, 08:20

Từ ngày 1/3/2019, các bệnh viện (BV) hạng 1 sẽ áp dụng quy định hồ sơ bệnh án điện tử, để mỗi người bệnh sẽ có một mã số quản lý, lưu trữ...

img
Bệnh viện Y học cổ truyền (Bộ Công an) ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh nhưng chưa sẵn sàng thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử

Chưa sẵn sàng thực hiện bệnh án điện tử

Hầu hết các bệnh viện đều đánh giá bệnh án điện tử sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi thủ tục khám, nhập viện, cấp cứu... Bác sĩ cũng sẽ có đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh, tình trạng bệnh, loại thuốc đã sử dụng... của người bệnh. Bệnh án điện tử lưu trữ được đầy đủ các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh... Điều này giúp dễ dàng cho việc chẩn đoán cũng như cập nhật thông tin khám, điều trị. Bệnh án điện tử cũng công khai, minh bạch về thuốc, vật tư tiêu hao... thuận tiện trong việc quản lý. Tuy nhiên, việc hiện thực hóa bệnh án điện tử vẫn còn nhiều bất cập.

Tại BV Y học cổ truyền, Bộ Công an, trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Lê Thị Thu Hà, cán bộ Phòng Kế hoạch tổng hợp cho biết: “Giữa năm 2018, bệnh viện mới đưa vào thực hiện triển khai dự án hệ thống mạng LAN trong công tác khám chữa bệnh giai đoạn 1. Tuy nhiên, mới chỉ thực hiện quản lý khám chữa bệnh tổng quát, kê đơn và kết nối nội mạng với bên dược để nhận thuốc hay kết nối kế toán để thanh toán... Còn việc triển khai bệnh án điện tử hiện bệnh viện chưa đủ điều kiện để thực hiện vì cần đồng bộ hóa và hoàn thiện hơn nữa”.

Là bệnh viện hạng đặc biệt, tuy vậy BV Bạch Mai cũng đang “rối” với việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Theo TS. Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai), thực hiện bệnh án điện tử không hề đơn giản, còn phải đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin. Như việc lưu hồ sơ bệnh án phải tính đến hệ số an toàn ra sao, nếu mất mạng hay hỏng mất dữ liệu thì phải xử lý như thế nào, đảm bảo bí mật thông tin cho bệnh nhân ra sao...? Chủ trương đưa ra từ ngày 1/3 các bệnh viện hạng I phải thực hiện, nhưng hiện bác sĩ vẫn làm bệnh án giấy, triển khai từng phần một, phải làm từng bước.

Theo Ths. BSCK II. Phí Mạnh Công, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện 19-8, hiện đơn vị này đã triển khai nối mạng máy tính trong việc khám chữa bệnh, kết nối với cổng thanh toán bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, để thực hiện được bệnh án điện tử Bộ Y tế cần phải có quy định rõ ràng hơn. Bên cạnh đó, hiện nay mỗi bệnh viện làm bệnh án điện tử theo một phần mềm riêng. Vì thế, Bộ Y tế cần ban hành chuẩn đầu ra để các bệnh viện xây dựng theo chuẩn nhằm tiến tới việc các bệnh viện toàn quốc có thể liên thông dữ liệu với nhau.

Quy định làm khó bệnh viện

Theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, từ ngày 1/3/2019, các bệnh viện hạng 1 sẽ quản lý hồ sơ bệnh án điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử tại một cơ sở khám, chữa bệnh. Hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng các yêu cầu như: Phải ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin hồ sơ bệnh án giấy, phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử… Đồng thời, phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân theo quy định tại mục 2, chương II, Luật An toàn thông tin mạng.

Theo phân tích của một chuyên gia y tế, Thông tư 46 có một số quy định khiến các bệnh viện khó lòng thực hiện được bệnh án điện tử. Ví như việc quy định người bệnh hoặc đại diện cho người bệnh cũng phải sử dụng chữ ký điện tử hoặc chữ ký số hợp pháp trong hồ sơ bệnh án điện tử. Đây là một quy định bất khả thi.

Hay như việc đưa tiêu chuẩn HL7 (Health Level 7) khi xây dựng bệnh án điện tử nhằm mục đích trao đổi dữ liệu giữa các phân hệ chức năng của hệ thống phần mềm. Ví dụ, bác sĩ gửi y lệnh cho phòng xét nghiệm thì dùng chuẩn HL7 để gửi yêu cầu. Sau khi có kết quả, phòng xét nghiệm dùng HL7 để gửi trả lại bác sĩ. Phương thức này tương tự cách gửi thư bằng điện tín, có nơi gửi, có nơi nhận, có nội dung bên trong... Tuy nhiên, phương thức này phức tạp nên thường chỉ ứng dụng được cho khu vực xét nghiệm. Tại các khu vực khác như: Viện phí, đơn thuốc, phòng mổ hay nhà thuốc, HL7 đều không được sử dụng do nội dung thông tin không thể đọc được bằng mắt thường mà phải qua các bộ chuyển mã, rất phức tạp.

Liên quan đến vấn đề bảo mật thông tin khi thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử, Bộ Y tế cũng yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh phải có biện pháp kiểm soát truy cập của người dùng gồm xác thực người dùng, phân quyền người dùng theo từng vai trò công việc; bảo vệ, ngăn chặn việc truy cập trái phép vào hồ sơ bệnh án điện tử; phương án hoặc quy trình phục hồi dữ liệu trong trường hợp có sự cố; phương án phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ phần mềm độc hại.

Ông Ngô Tuấn Anh, Phó giám đốc phụ trách An ninh mạng, Tập đoàn BKAV chia sẻ: “Thông tin y tế là thông tin cá nhân, cần bảo mật tuyệt đối. Do đó, quy trình bảo mật thông tin cần phải được quan tâm ngay từ khi thiết kế hệ thống hạ tầng mạng, thiết kế phần mềm cho đến các bước triển khai vận hành. Bên cạnh việc trang bị hệ thống, phần mềm an ninh, bảo mật, thì ý thức của đội ngũ y, bác sỹ cũng cần được nâng cao khi sử dụng các hệ thống số hóa, tiện lợi nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro lộ, lọt thông tin cao”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.