Xã hội

Công chức Đà Nẵng "bí mật" chấm điểm cấp trên: Không lo trù dập

24/04/2014, 16:03

Đà Nẵng mới tái lập vị trí số 1 trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nhưng lãnh đạo TP chưa hài lòng, cho rằng "kết quả vẫn phập phù" nên đã chỉ đạo quyết liệt...

Trao đổi với PV Báo Giao thông về việc cho công chức "bí mật" chấm điểm cấp trên, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến cho biết: Đánh giá người đứng đầu (thông qua chấm điểm) góp phần giúp công chức lãnh đạo tự soi lại cách thức điều hành, quản lý của mình để qua đó ngày càng nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ. Đây là một công cụ quan trọng giúp TP quản lý người đứng đầu các cấp, ban, ngành trên địa bàn.

Bí mật nên không lo trù dập

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến
Ông Văn Hữu Chiến 
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng
Thưa ông, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên cho cấp dưới chấm điểm cấp trên, nên có ý kiến nghi ngờ tính khả thi của cách làm này, chẳng hạn tâm lý sợ bị trù dập khi đánh giá lãnh đạo?


Thực ra khi Sở Nội vụ TP đưa ra đề án công chức cấp dưới chấm điểm cấp trên, lãnh đạo của mình thì đã tính đến chuyện làm sao để lãnh đạo, cấp trên không biết ai đã chấm cho mình bao nhiêu điểm. Việc đánh giá hoàn toàn bí mật bằng phần mềm qua hệ thống máy tính do Sở Nội vụ quản lý. Tất cả “địa chỉ’ đánh giá được kết nối với cấp dưới và “mật hóa” hoàn toàn. Mặt khác, kết quả điểm của cấp trên là điểm tổng hợp của rất nhiều công chức cấp dưới chấm, với nhiều tiêu chí khác nhau. Như thế cấp dưới khi chấm điểm cấp trên của mình hoàn toàn yên tâm bởi không ai có thể trù dập được mình cả.


Tất nhiên, sẽ phải có một người quản trị mô hình qua mạng mới biết cụ thể công chức cấp dưới đã chấm ai, chấm điểm cấp trên như thế nào, ở tiêu chí nào. Nhưng người này lại không nằm trong diện bị chấm điểm nên rất khách quan, giữ bí mật tuyệt đối. Đà Nẵng thực hiện được việc này, thực tế đã làm từ đầu tháng 7/2013. 

Theo thang điểm do Sở Nội vụ TP công bố, người đứng đầu cấp sở, ngành và UBND quận, huyện bị chấm dưới 60 điểm được coi là chưa hoàn thành nhiệm vụ, tức là yếu, đây có được xem là người chưa đạt yêu cầu cần thay thế, thưa ông? 
 

Mỗi thang điểm sẽ có các tiêu chí nhỏ cụ thể và tổng số điểm cao nhất là 100. Trên cơ sở đó chia 4 loại đánh giá: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (trên 90 điểm); hoàn thành tốt nhiệm vụ (80-90 điểm); hoàn thành khá tốt (70-80 điểm); hoàn thành khá (60-70 điểm) và chưa hoàn thành nhiệm vụ (dưới 60 điểm). 

Người nào bị “rơi” vào thang điểm thấp, lãnh đạo TP sẽ lấy đó làm mấu chốt truy ra đâu là nguyên nhân dẫn đến sự yếu kém, trì trệ, do khách quan hay chủ quan để rút kinh nghiệm và qua đó có hướng đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng điều hành. Nhưng nếu yếu kém cứ kéo dài năm này qua năm khác, không có sự cầu thị, tiến bộ thì TP cũng sẽ có hướng xử lý, luân chuyển công tác và thậm chí cân nhắc vị trí. Anh không điều hành được, không có năng lực lãnh đạo thì để người khác lên thay. 

Sự khắt khe trong việc chấm điểm, theo tôi, là động lực giúp mỗi cán bộ, công chức tự hoàn thiện mình qua đó thúc đẩy công việc ngày một tốt hơn.
 

Sở GTVT Đà Nẵng triển khai tốt việc công chức chấm điểm lãnh đạo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công
Sở GTVT Đà Nẵng triển khai tốt việc công chức chấm điểm lãnh đạo nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công

Không có chuyện "có ít xít ra nhiều"


Thưa ông, một số ý kiến cho rằng mô hình chấm điểm của Đà Nẵng còn thiếu tính công bằng nên có thể chưa đánh giá hết năng lực thực sự của lãnh đạo các cấp?


Việc này phải làm thật công bằng. Bởi nếu không công bằng thì sẽ dẫn đến những mặt tiêu cực. Chẳng hạn như nếu vì thù ghét, muốn trù dập người khác mà chấm điểm quá thấp sẽ khiến công chức bi quan, chán nản, không có động lực phát triển. Nhưng nếu chấm điểm quá cao kiểu như “có ít xít ra nhiều” thì sẽ làm cho người ta tự đắc, không chịu học hỏi thêm, điều đó sẽ dẫn đến nguy cơ trì trệ cao. TP đã đưa ra việc chấm điểm theo từng tháng, không có chuyện quy chụp hay cào bằng. Nếu tháng này làm tốt được cộng điểm thì tháng sau không được cộng dồn điểm vào nữa. Đó là “đáp án” buộc công chức không ngừng nỗ lực phấn đấu cho từng tháng, từng năm.
 

"Theo trình tự, cá nhân chủ tịch UBND quận, huyện, giám đốc các sở, ban ngành tự đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của mình; sau đó, phó chủ tịch UBND quận, huyện, phó giám đốc sở và trưởng các phòng chuyên môn, chủ tịch UBND các phường sẽ "chấm điểm" cấp trên. Cuối cùng chủ tịch, phó chủ tịch UBND TP đánh giá về chủ tịch UBND quận, huyện, giám đốc các sở ngành. Theo kết quả khảo sát năm đầu tiên với mô hình mới này, số lãnh đạo bị xếp loại yếu kém đã là 3% thay vì 0,01% như trước đây". 

 

Ông Đặng Công Ngữ
Giám đốc Sở Nội vụ TP Đà Nẵng

Bên cạnh đó, để tạo sự công bằng, khách quan trong mô hình này còn có một hội đồng chấm điểm đưa ra kết quả cuối cùng. Hội đồng sẽ xem xét các công chức tự cho điểm mình có đúng thực tế không, chấm điểm đồng nghiệp, cấp trên có khách quan không.

Lãnh đạo TP có khảo sát thực tế việc đánh giá qua "phần mềm" có sát thực không, thưa ông?


Để có sự đánh giá thực tế sâu sát hơn, chúng tôi đã đến kiểm chứng tại Sở GTVT Đà Nẵng. Đối với Giám đốc Sở được đánh giá trên 3 tiêu chí: Các nhiệm vụ đạt được, năng lực, kỹ năng lãnh đạo và điều hành (chiếm 70% số điểm); chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước (10% số điểm); tinh thần trách nhiệm, thái độ với công việc, tổ chức và công dân (20%). Đối với cấp phó giám đốc và các trưởng, phó phòng cũng dựa trên 3 tiêu chí: Kết quả thực hiện công việc (60% số điểm); chấp hành nội quy, quy chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước (10%); thái độ, trách nhiệm đối với công việc, tổ chức, công dân, đồng nghiệp và cơ quan, đơn vị (30%).


Qua kiểm chứng cho thấy, Sở GTVT TP được đánh giá cao về chất lượng đội ngũ lãnh đạo trên nhiều phương diện.

Cảm ơn ông!

Dương Hằng Nga

(Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.