Xã hội

Công chức, viên chức khốn khổ thế nào vì bằng cấp, chứng chỉ?

28/11/2020, 10:34

Hàng loạt các loại văn bằng chứng chỉ với công chức, viên chức hiện nay đang được cho là mang nặng tính hình thức.

img
Nhiều văn bằng chứng chỉ đang làm “khổ” cán bộ, công chức, viên chức (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, có những văn bằng, chứng chỉ không thực sự cần thiết cho công việc, thậm chí làm nảy sinh những tiêu cực.

Vô lý và lãng phí

Hiện nay, theo các quy định, viên chức, công chức phải có đủ bằng cấp chuyên ngành (đại học, cao đẳng, trung cấp…); có bằng tiếng Anh, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp.

Với các cán bộ khi bổ nhiệm thì có thêm chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với lãnh đạo, quản lý cấp phòng, cấp vụ; chứng chỉ an ninh quốc phòng; bằng lý luận chính trị, tổng cộng tất cả 7 loại.

Thực tế, quy định về điều kiện thi công chức, viên chức mỗi ngành nghề không giống nhau. Chẳng hạn như để đủ điều kiện thi viên chức cho vị trí văn thư, lưu trữ, người lao động phải học chứng chỉ tin học với lệ phí 1.500.000 đồng; chứng chỉ tiếng Anh A2 lệ phí 4.000.000 đồng; Lớp học và thi cấp chứng chỉ văn thư lưu trữ lệ phí 2.500.000 đồng. Nhẩm sơ, 3 loại chứng chỉ bắt buộc này có phần lệ phí cứng 7 triệu đồng.

“Nếu thi công chức thì còn học lớp học và ôn thi cấp chứng chỉ quản lý nhà nước ngạch chuyên viên lệ phí 2.900.000 đồng… Nếu thi chuyên viên chính thì phải học thêm lớp quản lý nhà nước ngạch chuyên chính viên lệ phí 3.600.000 đồng. Đây là phần lệ phí cứng, còn quá trình học, người học còn phải bổ sung các chi phí như quỹ lớp, in tài liệu”, chị A., công tác tại bộ phận văn thư, lưu trữ, Bộ Xây dựng cho hay.

Với chứng chỉ nghề nghiệp, mức chi phí khá khác nhau, như với các giáo viên, nơi rẻ nhất gần 3 triệu đồng, nơi đắt lên đến 10 triệu đồng, chưa kể tiền đi lại, tiền ăn ở cho những giáo viên ở xa. Với các phóng viên, biên tập viên, mức học phí khoảng 6-8 triệu đồng, lãnh đạo cấp phòng thêm chứng chỉ quản lý cấp phòng, lệ phí 4 triệu đồng …

Mấy tháng nay, anh N.G.H, một viên chức đang công tác tại Hà Nội lo lắng khi cơ quan thông báo, để xét tuyển viên chức, anh cần bằng tiếng Anh A2 chuẩn của Bộ GD&ĐT cho đủ hồ sơ.

Do vị trí công việc không yêu cầu đến tiếng Anh, nên nhiều năm qua, vốn tiếng Anh của tôi “rơi rụng” rất nhiều. “Giờ mà đi học lại tiếng Anh thì rất mất thời gian và tốn kém, trong khi công việc không đòi hỏi”, anh H. nói.

Nhà có hai vợ chồng cùng giáo viên, chị V.A (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) khốn khổ vì tiền vay học chứng chỉ ngoại ngữ, tin học còn chưa trả xong, nay lo tiếp tiền học chứng chỉ nghề nghiệp.

“Không học thì bị chuyển ngạch xuống ăn lương hệ trung cấp. Giáo viên cần phải học để nâng cao trình độ mới có thể dạy tốt, nhưng học mấy cái chứng chỉ như yêu cầu thì không có tác dụng”, chị A. than thở.

Tương tự, nhiều biên tập viên, phóng viên làm việc 20-30 năm tại nhiều cơ quan báo chí giờ đang phải quay lại học để có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh Biên tập viên hạng III, Phóng viên hạng III. Các lớp học này phải mất 4-5 tuần theo học, kinh phí và quỹ lớp lên đến 7-8 triệu đồng/người.

“Chúng tôi làm báo đến nay đã hơn 20 năm, đã từng được mời đi thỉnh giảng dạy, nay lại học những kiến thức như vừa mới ra trường”, anh H.V.V, biên tập viên của một báo điện tử thở dài.

Cần sớm xem xét, tháo gỡ

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam năm 2016. Trong đó, mục tiêu đầu tiên là: “Phân loại, chuẩn hóa năng lực, khối lượng học tập tối thiểu và văn bằng, chứng chỉ phù hợp với các trình độ thuộc giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học của Việt Nam, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực”.

Trao đổi với PV Báo Giao thông về quy định chứng chỉ, bằng cấp trong xét tuyển công chức, viên chức, ông Trương Hải Long, Vụ trưởng Vụ Công chức - Viên chức, Bộ Nội vụ cho biết, sắp tới Bộ Nội vụ sẽ tổ chức họp báo để thông tin trả lời những thắc mắc của cơ quan báo chí về nội dung này.

“Vậy, bây giờ cần thêm chứng chỉ làm gì?”, ông Vinh đặt vấn đề và cho rằng, đây là cách làm quan liêu. Trong văn bằng đã yêu cầu trình độ về tiếng Anh hay tin học và các trường đại học phải làm được điều này.

“Ngoại ngữ có phải là nhu cầu thực sự cho công việc hàng ngày của đội ngũ viên chức hay không? Cơ quan sử dụng lao động nếu có yêu cầu như vậy thì phải có cách kiểm tra. Có những người có bằng nhưng ngoại ngữ lại kém hơn những người đã làm thực tế, làm hiệu quả nhưng lại không có bằng”, ông Vinh nhận định.

ĐBQH Phạm Văn Hòa (tỉnh Đồng Tháp) nêu quan điểm: “Việc quy định văn bằng, chứng chỉ cụ thể và chi tiết trong thi và xét tuyển cán bộ, công chức, viên chức là cần thiết, nhưng các loại văn bằng, chứng chỉ đó phải phù hợp, có ích cho công việc của người học. Tuy nhiên, không ít người phản ánh, hiện nay đang “đẻ” thêm những chứng chỉ “trên trời” khác, chỉ làm khổ công chức, viên chức”.

“Bộ Nội vụ - đơn vị soạn thảo ra những quy định về văn bằng, chứng chỉ này cần phải xem những quy định đó còn phù hợp, có cần thiết hay không? Nếu chỉ giống như những “giấy phép con” thì phải xem xét, loại bỏ”, ông Hòa nói.

Ông Thang Văn Phúc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho rằng, việc đánh giá, sử dụng cán bộ cần dựa vào thực lực chứ không nên lấy chuyện bằng cấp để sắp xếp các vị trí đưa vào nguồn. Cần đánh giá năng lực công chức, viên chức, cán bộ theo kết quả mức độ hoàn thành công việc, như vậy mới thực chất.

Ngày 9/11/2020, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ Nội vụ đang phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi các tiêu chí về chuyển ngạch của công chức và hạng viên chức. Theo đó, sẽ không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học nữa mà chỉ quy định về năng lực sử dụng ngoại ngữ và tin học, thể hiện trong các kỳ thi kiểm tra trên máy vi tính và không yêu cầu phải cung cấp văn bằng, chứng chỉ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.