Thời sự

Công chứng viên phải "Trung thành với Tổ quốc"

28/05/2014, 19:47

Ngoài các yêu cầu về chuyên môn, trong tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên còn cần có sự ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước, với chế độ.

Ngoài các yêu cầu về chuyên môn, trong tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên còn cần có sự ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước, với chế độ.

Đó là quan điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Dự án luật này được QH thảo luận tại hội trường chiều 28/5.

Trước ý kiến đề nghị không nên quy định “trung thành với Tổ quốc” là một tiêu chuẩn vì như vậy sẽ tạo sự khác biệt với các ngành nghề khác, Ủy ban TVQH nhận thấy, công chứng viên là những người được Nhà nước bổ nhiệm để thực hiện một loại dịch vụ công đặc biệt, thay mặt Nhà nước xác nhận tính hợp pháp của các giao dịch, giấy tờ, đòi hỏi tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Do đó, ngoài các yêu cầu về chuyên môn, trong tiêu chuẩn để bổ nhiệm công chứng viên còn cần có sự ràng buộc về trách nhiệm, nghĩa vụ đối với Nhà nước, với chế độ.

Luật công chứng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp người dân có nhiều lựa chọn khi thực hiện việc công chứng, chứng thực
Luật công chứng (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giúp người dân có nhiều lựa chọn khi thực hiện việc công chứng, chứng thực

“Trung thành với Tổ quốc” cũng là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để xem xét bổ nhiệm đối với nhiều chức danh tư pháp khác như thẩm phán, kiểm sát viên, luật sư… Do vậy, đề nghị QH cho giữ quy định này như đã thể hiện trong dự thảo Luật.

Liên quan đến một quy định khác là tuổi hành nghề công chứng, trước các luồng ý kiến khác nhau, Ủy ban TVQH dự kiến 2 phương án về nội dung này trong dự thảo Luật (tại Điều 35) để đại biểu QH cho ý kiến. Cụ thể:

Phương án 1: Không quy định về giới hạn tuổi hành nghề công chứng. Nội dung này sẽ thực hiện theo quy định của Luật Viên chức, Bộ luật Lao động và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Phương án 2: Công chứng viên được hành nghề đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Công chứng viên của các Phòng công chứng sau khi đã nghỉ hưu theo quy định của Luật Viên chức có thể tiếp tục hành nghề công chứng tại Văn phòng công chứng cho đến khi đủ 65 tuổi.

Trong khi đó, liên quan đến đối tượng miễn đào tạo nghề công chứng (Điều 10), Ủy ban TVQH nhận thấy phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng hiện nay đã là tương đối rộng. Tuy nhiên, đây đều là các đối tượng được ưu tiên, miễn đào tạo, tập sự đối với một số nghề nghiệp, chức danh tư pháp khác.

Trên cơ sở này, Ủy ban TVQH đề nghị QH cho tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định miễn tham gia khóa đào tạo nghề công chứng, miễn tập sự hành nghề cho các đối tượng quy định tại Điều 10 của dự thảo Luật. Để khắc phục các hạn chế hiện nay trong việc bảo đảm chất lượng hành nghề thì tất cả các đối tượng này đều phải tham gia khóa bồi dưỡng 3 tháng về kỹ năng hành nghề công chứng và tiêu chuẩn đạo đức của công chứng viên tại cơ sở đào tạo nghề công chứng trước khi đề nghị bổ nhiệm công chứng viên.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.