Thời sự

Cõng đá làm đường lên núi Bà Đen

25/09/2014, 18:06

Hàng ngày, ông Phết và những anh em trong đội bốc vác đã cõng từng bao xi măng, từng thanh sắt, từng viên đá lên Núi Bà Đen (cao gần 1.000 m so với mặt nước biển) để xây đường đá hoa cương.

Người khuân vác ở núi Bà Đen
Người khuân vác ở núi Bà Đen


Biến đường núi thành đường đá hoa cương 


Ông Hà Văn Phết ngụ ở ấp Ninh Nghĩa, xã Ninh Thạnh, TP Tây Ninh (Tây Ninh) cho biết, ông làm nghề “khuân vác nơi cửa thiền” tại núi Bà Đen gần 20 năm. Nay đã 60 tuổi nhưng ông vẫn tráng kiện, sức khỏe khó ai sánh bằng. Gần 20 năm qua, ông Phết đã chứng kiến nhiều cảnh đời, nhiều số phận trong dòng người đến chùa Bà tìm niềm tin ở cõi tĩnh lặng, tâm linh... Nhờ họ mà ông có nghề khuân vác để sinh nhai. Dẫu vất vả, nhưng ông thấy hạnh phúc vì kiếm được đồng tiền đúng sức lao động của mình.
 

Hai người con của ông Phết đều nối nghiệp cha làm nghề khuân vác tại chân núi Bà Đen. Đó là anh Nguyễn Văn Hải, con rể út và anh con trai Hà Văn Nhu. Với con đường mới, thuận lợi, mỗi ngày với sức vóc thanh niên, trai trẻ, mỗi anh có thể cõng lên núi 5 chuyến hàng. Bình quân thu nhập khoảng 300 nghìn đồng/ngày, đủ trang trải cuộc sống.

“Có Bà độ trì nên gần 20 năm qua, tui rất ít bị ốm đau. Bởi thế chừng tuổi này nhưng mỗi ngày tui vẫn khuân vác khoảng 4 - 5 chuyến hàng từ chân núi lên. Mỗi chuyến tui mang khoảng 50 ký hàng hóa (thường là gạo và những nhu yếu phẩm khác - NV) và được trả công 60 nghìn đồng/chuyến”, ông Phết nói. 

Con đường từ chân núi lên chùa Bà cao 1.000 m, có tới 1.580 bậc thang bằng đá hoa cương. Để làm được con đường này, nhiều năm trước, ông và những anh em trong đội bốc vác phải cõng từng bao xi măng, từng thanh sắt, từng viên đá từ dưới chân núi lên để nhà chùa và địa phương xây đường. Con đường gồ ghề, trơn trượt khó đi ngày nào giờ thành  đường đá hoa cương đẹp đẽ, đi lại dễ dàng. 


Ông Phết nhớ lại: “Hơn 5 năm trước, đường lên núi  Bà Đen dốc thẳng đứng, đất đá lồi lõm. Du khách thập phương về viếng Bà đi lại vất vả. Nhiều người bị ngã do đường khó đi và gặp phải trời mưa trơn trượt. Chứng kiến cảnh này, nhà chùa và chính quyền địa phương đã phát động phong trào đóng góp làm đường từ chân núi lên. Ai có tiền góp tiền, ai không có ủng hộ bằng công sức lao động và chỉ trong một thời gian ngắn, con đường đã hoàn thành”.
 

img

Phật ở trong tâm mỗi người


Việc làm có ý nghĩa này được nhiều người ủng hộ, trong đó có cả những người hành nghề khuân vác như ông Phết. Chi phí xây dựng con đường hết hơn 150 triệu đồng, nhưng công sức đóng góp của bà con dưới chân núi và những người khuân vác mới thật lớn lao, khó có thể tính bằng tiền.


Ông Phết khoe: “Những ngày đầu làm đường, bà con vui mừng khôn xiết bởi ai cũng ý thức được ý nghĩa của việc xây đường cho các thế hệ sau. Những người khuân vác như tụi tôi không có tiền nên nguyện góp sức bằng cách vận chuyển xi măng, gùi từng tảng đá xanh, từng thanh sắt lên núi để các anh trong đội thi công xây dựng”. 


Đội khuân vác như ông Phết tại chân núi Bà Đen có hơn 20 người. Cả đội ai cũng nhiệt tình tham gia đóng góp công sức xây dựng con đường. Sau nhiều tháng miệt mài khuân vác vật liệu, ngày đêm thi công, con đường từ chân núi Bà Đen được hoàn thành trong niềm vui khôn tả. Đường rộng 8 m với hàng nghìn bậc đá xanh nối dài nhìn xa như dải lụa mềm vắt từ chân lên đỉnh núi. Giờ đây, du khách thập phương mỗi khi đến viếng núi Bà Đen không còn cảnh lo nơm nớp vì con đường lầy lội và mất an toàn.


Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa, Viện Chủ các chùa núi Bà Đen cho biết: Nhà chùa rất cảm kích trước tấm lòng hảo tâm của chư vị gần xa đã quyên góp tiền của, công sức xây đường lên núi, nhất là những người khuân vác, ngày ngày cõng từng bao xi măng, phiến đá. Nhờ có họ mà con đường lên núi được khang trang, sạch đẹp, an toàn như ngày hôm nay. Mỗi mét đường, bậc đá thấm đẫm mồ hôi, công sức nhiều tháng của những người “phu khuân vác”. Điều đó càng minh chứng cho tấm lòng và tâm Phật luôn ngự trị ở mỗi người.

Mạnh Hùng
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.