Doanh nghiệp

Công khai 675 điều kiện kinh doanh cắt giảm để giám sát

25/09/2017, 07:30

Doanh nghiệp (DN) kỳ vọng đề xuất cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương tạo làn sóng lan rộng...

10

Cắt bỏ 675 điều kiện kinh doanh được kỳ vọng giúp tăng khả năng cạnh tranh và phát triển của các doanh nghiệp - Ảnh: Tạ Tôn

Chỉ cần 3 tháng nếu thực sự muốn làm

Chủ một DN kinh doanh thực phẩm ở Hưng Yên khá hồ hởi khi biết Bộ Công thương đang đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh trong ngành. Ông này cho biết, hiện nay, có những quy định can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của DN, như quy định chi tiết về bao bì, quy định thiết bị dụng cụ sản xuất thực phẩm được chế tạo bằng vật liệu không độc, ít bị mài mòn, không bị hoen gỉ, không thôi nhiễm các chất độc hại, không gây mùi lạ hay làm biến đổi thực phẩm. Bên cạnh đó, là những quy định “râu ria” không liên quan tới chuyên môn có thể khiến DN bị hành như quy định… số bồn rửa tay cho người lao động. “Có nhiều quy định về chất lượng đã được quản lý bởi cư quan an toàn vệ sinh thực phẩm. Nên nếu Bộ Công thương bỏ bớt được thì sẽ không chồng chéo và không mất thời gian, tiền bạc của DN”, chủ DN nhận định.

Vì vậy, công bố cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương được dư luận hoan nghênh. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp  Việt Nam (VCCI) nhận xét: Đề xuất của Bộ Công thương là một tín hiệu tích cực bởi số lượng điều kiện cắt giảm tương đối “mạnh tay”. Trên cơ sở đó, người dân, DN có điều kiện để giám sát quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng cho biết, đây mới chỉ là đề xuất cắt giảm chứ chưa phải quyết định. Bởi, điều kiện kinh doanh nằm nhiều ở nghị định, thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Bộ Công thương chỉ đề xuất trình Chính phủ để sửa đổi, bổ sung mà thôi. Và lộ trình đi đến sửa đổi và cắt giảm cần phải có thời gian. “Quan trọng nhất là Bộ Công thương phải bảo vệ được tiến trình này”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Lộ trình này, theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Nguyễn Đình Cung khoảng 3 tháng. “Đề xuất này là bước cực kỳ quan trọng bởi những bước sau chỉ là thủ tục thôi bởi ta có thể ban hành Nghị định bổ sung, sửa đổi các Nghị định liên quan. Việc soạn thảo Nghị định mang tính kỹ thuật nhưng hoàn toàn có thể thực hiện bằng hình thức rút gọn, chỉ cần 3 tháng là có thể thông qua. Nếu thực sự làm được thì đến cuối năm là có hiệu lực”, ông Cung nói.

Tránh tình trạng “cắt” chỗ này “mọc” chỗ kia

Lâu nay, các DN trong ngành logistics được coi là đi chậm hơn khu vực hay nhường sân nhà cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Trong số 18 điều kiện kinh doanh của ngành, 5 điều kiện đang được đề nghị cắt giảm nhằm tạo điều kiện cho các DN. Tuy nhiên, nếu xét kỹ, các điều kiện cắt giảm phần nhiều mang tính đương nhiên như quy định “DN có đăng ký kinh doanh hợp pháp theo pháp luật Việt Nam”. Chuyên gia về logistics Nguyễn Tương cho biết, trong số đó, vẫn “vớt” lại được một điều kiện: “Có đủ phương tiện, thiết bị, công cụ đảm bảo tiêu chuẩn an toàn, kỹ thuật và có đội ngũ nhân viên đáp ứng yêu cầu” là có ý nghĩa thực tiễn nhất. Bởi lẽ, nó phù hợp với xu thế chung của việc phát triển logistics hiện nay là tăng cường thuê ngoài mà hiện ở nước ta mới đạt khoảng 35%, mục tiêu tới năm 2025 là 50-60%. “Bỏ điều kiện này, sẽ giảm gánh nặng về đầu tư cho các DN logistics nước ta khi phần lớn là công ty vừa và nhỏ, năng lực tài chính khó khăn”, ông Tương nhận xét. 5 điều kiện kinh doanh này đã được đề nghị loại bỏ trong quá trình xây dựng nghị định sửa đổi Nghị định 140/2007.

"Câu chuyện Bộ Công thương đề xuất bãi bỏ gần 700 điều kiện kinh doanh là tín hiệu rất mới, có thể nói là chưa từng có. Đây là điều đáng mừng. Đối với công cuộc cải cách bây giờ, các Bộ trưởng cũng đã nhận thức được rằng, đó là áp lực nội tại tạo thuận lợi để huy động nguồn lực, là cách tốt nhất huy động nguồn lực xã hội, khơi dậy sức sản xuất của doanh nghiệp. Đây là tấm gương cho ai đó muốn làm, áp lực cho ai đó còn chần chừ. Không có lý gì bộ này làm được mà bộ kia chưa làm được”.

Ông Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Từ câu chuyện trên, ông Lê Xuân Hiền, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch & Đầu tư Hải Dương, thành viên Tổ thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cho rằng, việc cắt giảm các điều kiện cần đi vào thực tế. “Phương pháp thống kê của Việt Nam rất “tai quái”. Nếu bây giờ xác định một thủ tục trong một quy trình thì gồm các khâu: Nhân viên nhận hồ sơ trình trưởng phòng, trưởng phòng duyệt đưa nhân viên, nhân viên thực hiện rồi đưa lại trưởng phòng, trưởng phòng duyệt. Nếu cắt giảm được 1 khâu cũng là cắt được 1/4 rồi”, ông Hiền nói. Bên cạnh đó, cắt giảm còn phải tránh tình trạng cắt chỗ này mọc chỗ kia. Do đó, việc DN còn hồ nghi, ông Hiền cho là đúng vì điều kiện kinh doanh có thể “bị nhét” vào chỗ nào đó do lợi ích của những người có liên quan. Hay nếu muốn thì dễ “đóng kịch” vì một điều kiện có thể cắt đầu thủ tục nhưng biến thành gạch đầu dòng chỗ nào đó, không phải dạng quyết định nhưng lại ở dạng công văn. Dù đầu thủ tục cắt đi nhưng nội dung vẫn như cũ. DN lo ngại là đúng bởi thông tư thì công khai nhưng tự các địa phương ban hành những cung cách chấp thuận dưới hình thức ý kiến, thông báo.

“Để giải quyết triệt để, tôi nghĩ một trong những giải pháp là bỏ hết bộ thủ tục hành chính địa phương để tránh mất thời gian, hạn chế nhũng nhiễu. Chỉ cần có một bộ thủ tục của Chính phủ, DN có thể đăng ký thành lập tại TP.HCM hay Hà Nội là như nhau, tránh được lãng phí và bất cập”, ông Hiền nói.

Còn ông Nguyễn Đình Cung đề nghị chuyển tiền kiểm sang hậu kiểm (trừ một số ngành dịch vụ như y tế, giáo dục) để hạn chế sự tiếp xúc DN - cán bộ công chức. Điều này nằm ở tư duy và cách thức quản lý mới mà ông Cung nghĩ các bộ cần phải thay đổi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.