Xã hội

Công khai để kiểm soát chặt biến động thu nhập, tài sản

08/11/2017, 06:22

Đó là một trong những giải pháp căn cơ được Chính phủ đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu phòng ngừa tham nhũng...

6

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại Quốc hội

Công khai tài sản quan chức dân mới giám sát được

Sáng 7/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

ĐB Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) bày tỏ tin tưởng vào “cuộc chiến không có vùng cấm” khi nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn được đưa ra xét xử. Tuy nhiên, ĐB Hạ cảnh báo nạn tham nhũng vặt đã và đang diễn ra hàng ngày, len lỏi vào mọi ngõ ngách, địa phương, lĩnh vực với nhiều hình thức đa dạng, gây nhiều bức xúc, làm mất dần niềm tin trong nhân dân. Ngoài những giải pháp được Chính phủ đưa ra, ĐB cho rằng cần tạo môi trường công khai, minh bạch bằng hệ thống pháp luật, xóa bỏ thủ tục hành chính không cần thiết. Đặc biệt, tạo ra môi trường mà ở đó không ai dám tham nhũng, không thể tham nhũng, kiên quyết đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém, tham nhũng, sách nhiễu.

Thiếu tướng Sùng Thìn Cò (Phó tư lệnh Quân khu 2, ĐBQH tỉnh Hà Giang) cho rằng, trong việc chống tham nhũng, việc kê khai tài sản ít nhất “phải khai báo 3 đời, công khai treo ở những nơi công chúng có thể nhìn thấy”. Theo tướng Cò, có như thế dân mới giám sát được: “Người ta có biết ông có cái gì đâu, con cái ông có cái gì, làm sao họ biết nếu ông không công khai. Nên chúng ta phải công khai, nhất là các đợt chuẩn bị bầu cử, chuẩn bị đại hội”.

Loại khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất

Báo cáo thêm trước Quốc hội về kết quả phòng, chống tham nhũng năm 2017, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định, thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc và công tác phòng, chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế của xã hội, nhiều nhiều vụ án tham nhũng lớn, xử lý kỷ luật nhiều cán bộ, công chức nhà nước vi phạm, có cả cán bộ cấp cao.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, phòng chống tham nhũng là lĩnh vực rất khó khăn, phức tạp, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, công tác phòng chống tham nhũng thời gian qua đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế. Trong đó, có hạn chế về ý thức, đạo đức công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, dẫn đến nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong thực thi công vụ. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, thiếu kiểm tra. Việc công khai, minh bạch chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc xác minh để bảo đảm tính trung thực của việc kê khai tài sản còn hạn chế…

Trước thực trạng đó, Phó Thủ tướng cho biết, tới đây Chính phủ sẽ thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính phục vụ, nhất là công khai, minh bạch trong đấu thầu; Sửa đổi quy định về tặng quà và nhận quà, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, khắc phục những hạn chế của việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng; Hoàn thiện quy định về minh bạch tài sản, thu nhập nhằm kiểm soát chặt chẽ thu nhập và biến động tài sản.

Đặc biệt, khẩn trương bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu; Thực hiện việc đổi mới phương thức tuyển chọn cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là trong đánh giá, bổ nhiệm người đứng đầu đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, có cơ chế hữu hiệu để loại trừ khỏi bộ máy Nhà nước những cán bộ công chức, viên chức thoái hóa biến chất, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng bổ nhiệm người nhà, người thân theo phe nhóm, theo dòng tộc.

Bộ trưởng Công an:
Không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm

Giải trình thêm về những vụ việc liên quan đến việc truy sát nạn nhân, hành hung các bác sỹ, cán bộ y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, trong năm 2017 có 84 vụ xảy ra tại 37 địa phương, trong đó hành hung bác sỹ, nhân viên y tế 25 vụ, 37 đối tượng, đã truy tố 10 vụ, 10 đối tượng, xử lý hành chính 11 vụ, 19 đối tượng. Trong đó có 1 vụ, 1 đối tượng là quân nhân đã chuyển cho lực lượng quân đội xử lý cho xuất ngũ. Hiện nay, đang điều tra 4 vụ, 4 đối tượng.

Về tình hình xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em gây ảnh hưởng đến giá trị đạo đức xã hội, Bộ trưởng cho hay, năm 2017 đã xảy ra 446 vụ hiếp dâm trẻ em, tăng 5,19% so với năm 2016, 572 vụ giao cấu với trẻ em tăng 12,82% so với số vụ năm 2016. Trước tình hình trên, Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo công an các địa phương và đơn vị thực hiện nhiều giải pháp, trong đó đã đề xuất xây dựng cơ chế đặc biệt để điều tra, có kết luận đối với các loại hành vi, tội phạm này.

Xung quanh một số ý kiến cho rằng, có hay không việc hành chính hóa các quan hệ hình sự hoặc ngược lại, Bộ trưởng Công an khẳng định lực lượng điều tra tuân thủ nguyên tắc không được làm oan người vô tội và không được bỏ lọt tội phạm. Hai hành vi trên đều vi phạm nguyên tắc này. Nếu hình sự hóa các quan hệ hành chính dân sự thì tức là làm oan người ngay và dân sự hóa các quan hệ hình sự, tức là bỏ lọt tội phạm. Những điều đó đều bị ngăn cấm và không có chủ trương để thực hiện những việc này.

Viện trưởng VKSND Tối cao:
“Nếu sợ oan thì không dám làm”

Giải trình về các vấn đề liên quan đến công tác kiểm sát, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí đề cập đến các vụ án xâm phạm tình dục trẻ em và cho rằng, tội phạm này có điều đặc biệt là thực hiện ở những nơi ít trường hợp có người thấy. Chứng cứ, vật chất thường rất yếu, xét về tâm lý bình thường sợ oan sai là không dám khởi tố vụ án, bị can bị bắt giam, thậm chí có những vụ việc trực tiếp Viện trưởng nghe báo cáo và phê chuẩn mới dám khởi tố.

Đối với vấn đề oan sai và lọt tội phạm, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng, nếu sợ oan sai là không dám làm, còn nếu nhẹ tay, điều tra không ra thì lại bỏ lọt tội phạm. Theo ông, các cơ quan tư pháp làm càng nhiều thì những oan sai khó mà tránh hết được. Nhưng cái chính phải thấy sai phải dũng cảm sửa, xử lý khắc phục không để oan sai nữa, không được bảo thủ.

Ông Trí chia sẻ sự bức xúc của người dân, của cử tri, của ĐBQH khi có nhiều việc giữa chứng cứ buộc tội và gỡ tội 50/50 rất khó quyết. “Có khi nghi ngờ như thế thôi nhưng chứng cứ không tới cũng không kết luận được, bởi vì suy đoán là vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ mà hồ sơ thì chỉ có như vậy mà muốn xử thì rất khó”, ông Trí nói.

Hoài Vũ

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.