Quản lý

Công khai thông tin để tường minh về BOT Cai Lậy

27/02/2019, 07:27

Trong các kết luận thanh tra, kiểm toán, các cơ quan có thẩm quyền đều đánh giá dự án BOT Cai Lậy triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục...

img
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật phát biểu tại cuộc họp báo hôm 25.2 tại Tiền Giang

Trong 2 ngày (25 - 26/2), tại Tiền Giang và Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã cung cấp thông tin và trao đổi với các cơ quan báo chí toàn bộ những vấn đề liên quan đến dự án đầu tư xây dựng QL1 qua TX Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang), cũng như việc chuẩn bị thu phí trở lại để hoàn vốn cho công trình này.

Đã thanh tra, kiểm toán toàn diện, tuân thủ đúng pháp luật

Sáng 26/2, thông tin tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết: “Phương án đầu tư ban đầu của dự án BOT Cai Lậy sau khi được thanh tra, kiểm toán không thay đổi và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật”.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, dự án đầu tư xây dựng QL1 qua TX Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã được Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ KH&ĐT, Thanh tra Bộ GTVT, đặc biệt là Kiểm toán Nhà nước vào cuộc thanh tra, kiểm toán toàn diện.

“Trong các kết luận thanh tra, kiểm toán, các cơ quan có thẩm quyền đều đánh giá dự án BOT Cai Lậy triển khai thực hiện đúng trình tự, thủ tục, tuân thủ quy định của pháp luật. Dự án đầu tư bằng hình thức BOT là cần thiết và phù hợp với quy định hiện hành, công trình mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng nói và cho biết, chi phí đầu tư của dự án sau thanh tra, kiểm toán là 1.398 tỷ đồng, công trình dài 38,5km, trong đó hợp phần cải tạo, tăng cường QL1 dài 26,4km và hợp phần xây dựng tuyến tránh Cai Lậy dài 12,1km.

“Phương án đầu tư ban đầu của dự án không thay đổi và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, trạm thu phí của dự án đặt vị trí hiện nay nằm trong phạm vi đầu tư của dự án và đã được sự chấp thuận của các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai đầu tư”, Thứ trưởng Nhật nói.

Giải thích rõ hơn về tính pháp lý của dự án, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, BOT Cai Lậy là một trong những dự án được phê duyệt quyết định đầu tư vào năm 2013, trước thời điểm Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437 ngày 21/10/2017 và Chính phủ ban hành Nghị định 15/2015, Nghị định 30/2015 về đầu tư và lựa chọn nhà thầu theo hình thức đối tác công - tư (PPP).

Khi thực hiện dự án chưa có Luật về PPP cũng như các nghị định hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về đầu tư theo hợp đồng BOT. Trước đây, các dự án BOT giao thông được triển khai chủ yếu căn cứ vào các luật liên quan như: Luật Xây dựng, Luật Đầu tư… Tuy nhiên, trong các luật lại có những quy định không đồng bộ, thậm chí chồng chéo nhau, không rõ ràng về đầu tư BOT, dẫn tới những cách hiểu khác nhau trong quá trình triển khai.

“Đầu tư bằng hình thức BOT vừa qua là một hình thức mới, giống như dò đá qua sông, chúng ta vừa làm vừa học, vừa làm vừa hoàn thiện cơ sở pháp lý”, Thứ trưởng chia sẻ và cho biết, sau khi tiến hành rà soát, tổng kết, đánh giá và nhận thức một số vấn đề còn bất cập, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437/2017 về BOT giao thông, Bộ GTVT đã dừng triển khai 16 dự án BOT trên đường hiện hữu.

“Hiện, Bộ GTVT đang triển khai 8 dự án BOT quy mô lớn trên tuyến cao tốc Bắc - Nam. Các dự án này sẽ được rút kinh nghiệm từ những dự án BOT đã triển khai trong thời gian qua để làm một cách tốt nhất, chuẩn nhất và minh bạch nhất”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói.

img
Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang)

Thủ tướng yêu cầu giữ nguyên trạm, giảm giá vé tối đa

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, khi dự án BOT Cai Lậy hoàn thành, nhà đầu tư đã tổ chức thu phí để hoàn vốn từ ngày 1/8/2017. Tuy nhiên, do có những diễn biến phức tạp, mất ANTT, ATGT, đến ngày 14/8/2017, dự án đã tạm dừng thu phí. Sau đó, Bộ GTVT đã làm việc trực tiếp với UBND tỉnh Tiền Giang và thống nhất phương án xử lý miễn giảm giá vé (giảm 30% cho toàn bộ phương tiện và miễn 50-100% cho 4 xã lân cận), tuyên truyền cho nhân dân và xây dựng kế hoạch tổ chức thu giá dịch vụ trở lại. Đến ngày 30/11/2017, Trạm thu phí Cai Lậy hoạt động trở lại, nhưng tình hình tiếp tục diễn biến rất phức tạp, mất ANTT. Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 4/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo tạm dừng thu phí để nghiên cứu phương án xử lý.

Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tiến hành khảo sát lưu lượng giao thông thực tế trên tuyến trong 4 ngày liên tục (24/24h) tại 3 địa điểm trên tuyến tránh và QL1. Kết quả, lưu lượng phương tiện trung bình qua dự án khoảng 26.214 lượt/ngày đêm, gồm 16.779 lượt/ngày đêm trên tuyến QL1 và 9.435 lượt/ngày đêm trên tuyến tránh. Đồng thời, Bộ GTVT đã rà soát, tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư dự án, đàm phán sơ bộ với nhà đầu tư và lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ 5 phương án xử lý đối với dự án BOT Cai Lậy.

Đến ngày 23/4/2018, tại cuộc họp thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết luận: “Thường trực Chính phủ nhất trí với báo cáo của Bộ GTVT. Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan: Công an, KH&ĐT, Tài chính, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư quyết định phương án tối ưu”.

Triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ GTVT đã nghiên cứu và chuẩn bị đầy đủ tài liệu, phân tích ưu, nhược điểm các phương án để làm việc với địa phương và các bộ, ngành liên quan. Các phương án đưa ra thảo luận, xin ý kiến là phương án ưu tiên 1 (giữ nguyên Trạm thu phí Cai Lậy, thực hiện giảm giá cho các phương tiện và mở rộng phạm vi giảm giá cho nhân dân khu vực lân cận trạm) và phương án ưu tiên 2 (xây dựng thêm một trạm trên tuyến tránh, thu trên cả 2 trạm, phương tiện đi trên tuyến nào, doanh thu sẽ hoàn vốn cho tuyến đó, mở rộng tối đa phạm vi miễn giảm giá vé cho người dân khu vực lân cận trạm thu phí).

Tiếp đó, ngày 1/6/2018, Bộ GTVT đã họp và báo cáo đánh giá ưu, nhược điểm các phương án với Thường vụ Tỉnh uỷ, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH và các sở, ban, ngành, huyện, thị xã có liên quan của tỉnh Tiền Giang. Đồng thời, ngày 27/8/2018, Bộ GTVT đã làm việc với các Bộ: Công an, KH&ĐT, Tài chính, TT&TT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư.

“Đại diện các Bộ đều có ý kiến phương án 1 là lựa chọn hợp lý, có nhiều ưu điểm hơn. Đến ngày 8/11/2018, Thường trực Chính phủ tổ chức họp xử lý vướng mắc các dự án BOT giao thông”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói và thông tin, tại cuộc họp, ý kiến của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đều cho rằng, phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn và cần thiết sớm triển khai thu phí trở lại tại trạm Cai Lậy để không ảnh hưởng lan truyền đến các dự án tương tự có đầu tư tuyến tránh. Sau đó, ngày 20/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành văn bản và có ý kiến chỉ đạo Bộ GTVT triển khai theo phương án giữ nguyên trạm Cai Lậy như hiện nay và thực hiện miễn giảm giá vé cho các phương tiện.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Nhật, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhà đầu tư sẽ triển khai thu phí dự án BOT Cai Lậy theo phương án 1. Trong đó, mức giá tại dự án sẽ được giảm tối đa cho tất cả phương tiện qua trạm (xe nhóm 1 từ 35.000 đồng/lượt xuống 15.000 đồng/lượt, tương ứng giảm 57%...) và mở rộng phạm vi miễn giảm giá vé vùng lân cận lên đến khoảng 10km. Trạm thu phí sẽ được giữ nguyên ở vị trí hiện tại và tổ chức thu tiền dịch vụ với công nghệ thu tự động không dừng và một dừng, đồng thời tiến hành phân luồng giao thông, các phương tiện xe tải, xe khách không đi vào trung tâm TX Cai Lậy...

“Thực hiện phương án này có nhiều ưu điểm hơn các phương án còn lại như hạn chế tối đa ảnh hưởng đến các dự án tương tự có đầu tư tuyến tránh, đảm bảo mục tiêu đầu tư dự án, tránh ùn tắc, TNGT, ô nhiễm môi trường trung tâm TX Cai Lậy. Đồng thời, dự án không phải bổ sung chi phí xây dựng trạm thu phí, chi phí tổ chức thu tiền dịch vụ...”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật chia sẻ.

Đề nghị các cơ quan báo chí thông tin đúng bản chất

Tại cuộc họp giao ban báo chí sáng 26/2, ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, các thông tin liên quan đến BOT giao thông nói chung và dự án BOT Cai Lậy nói riêng nhận được sự quan tâm lớn của dư luận xã hội trong thời gian qua.

“Huy động vốn xã hội để đầu tư giao thông là chủ trương đúng của Đảng và Nhà nước, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số bất cập, không chỉ riêng nhà đầu tư, mà nó bất cập ngay từ những chính sách, pháp luật của chúng ta chưa đồng bộ. Do vậy, công tác tổ chức thực hiện chưa đến nơi, đến chốn”, ông Bảo nói và cho biết, tiếp thu phản ánh của người dân, thông qua công luận, Chính phủ đã dành nhiều thời gian họp bàn và đưa ra phương án xử lý tối ưu nhất đối với các dự án BOT giao thông.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích tình hình thực tế và căn cứ vào các báo cáo kiểm toán, thanh tra, Chính phủ đã giao Bộ GTVT làm việc với các bộ, ngành và UBND tỉnh Tiền Giang thống nhất phương án xử lý phù hợp với dự án BOT Cai Lậy.

“Đến thời điểm này, phương án đưa ra được đánh giá là tối ưu, đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền theo hướng đồng thuận với giải pháp của Chính phủ, Bộ GTVT”, ông Bảo chỉ đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.