Âm nhạc

Công nghiệp âm nhạc thiệt hại tỷ USD, nhạc sĩ đi làm tài xế

20/10/2020, 06:00

Tờ The Guardian đánh giá rằng ngành âm nhạc đang khủng hoảng trầm trọng. Thu nhập của nghệ sĩ gần như bằng 0...

img
Nữ nghệ sĩ Fion Brice thiệt hại hàng chục nghìn bảng Anh vì bị hủy hàng loạt buổi diễn. Ảnh: Getty Images

Suốt từ khi dịch Covid-19 bùng phát, ngành công nghiệp âm nhạc đã gần như bị tê liệt vì chịu ảnh hưởng nặng nề khi hàng loạt dự án âm nhạc đều phải hủy bỏ. Hàng trăm nhạc sĩ chuyên nghiệp cân nhắc việc bỏ nghề, tìm việc khác.

Hàng trăm nhạc sĩ cân nhắc từ bỏ sự nghiệp

Gần một năm kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, những người làm trong ngành âm nhạc đang phải đối diện với một nỗi thê thảm. Theo Music Week, các địa điểm tổ chức sự kiện ca nhạc tại châu Âu sụt giảm 70% số buổi biểu diễn.

Ước tính, sẽ chỉ có 17 triệu lượt khán giả đến với 30% những buổi hòa nhạc còn lại (thay vì 70 triệu lượt theo kế hoạch cho năm 2020). Điều này dẫn đến tổn thất ước tính 1,2 tỷ Euro cho ngành công nghiệp âm nhạc thị trường châu Âu.

The Musicians’ Union - một tổ chức đại diện cho hơn 30.000 nhạc sĩ làm việc trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh âm nhạc của Anh mới đây đã công bố khảo sát trên 2.000 thành viên của tổ chức, cho thấy 1/3 các nhạc sĩ chuyên nghiệp đang cân nhắc từ bỏ sự nghiệp vì khó khăn tài chính. Gần một nửa đã tìm được công việc ngoài ngành.

Tờ The Guardian đánh giá rằng ngành âm nhạc đang khủng hoảng trầm trọng. Nghệ sĩ không có hợp đồng biểu diễn nào kể từ tháng 3 khi ở Anh có lệnh giãn cách xã hội. Thu nhập của nghệ sĩ gần như bằng 0, khoảng 50% lực lượng lao động đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp.

“Nhiều nhạc sĩ đang làm việc trong các siêu thị, làm tài xế… Họ làm những công việc lao động khác và làm bất cứ thứ gì, ngoài âm nhạc”, Horace Trubridge - Tổng thư ký The Musicians’ Union nói trên Guardian. Đây là điều thê thảm với một ngành công nghiệp từng mang về 5,2 tỷ bảng cho Vương quốc Anh.

Craig Hassall, Giám đốc điều hành của Royal Albert Hall - nhà hát lớn nhất nước Anh cho biết, 6 tháng kể từ khi đóng cửa, nhà hát đã mất khoảng 18 triệu bảng Anh doanh thu. Nữ nghệ sĩ Fiona Brice chia sẻ trên NME, tính từ tháng 3 tới nay, cô đã mất thu nhập hàng chục nghìn bảng Anh. Nhiều chương trình đã được lên lịch diễn nhưng đều không thể thực hiện nên ê-kíp tính chuyển hẳn sang năm sau.

“Tôi khá may mắn vì còn có nhiều công việc, nhưng tôi biết nhiều nhạc sĩ được đào tạo chuyên nghiệp nhưng không có thu nhập nào suốt hơn 6 tháng qua”, cô chia sẻ.

Thị trường âm nhạc lớn khác là Mỹ cũng không khá khẩm hơn. Theo đánh giá của Weforum, hai nguồn thu nhập chính là bán vé các buổi biểu diễn trực tiếp và tiền thu tác quyền âm nhạc từ các nguồn đều bị ảnh hưởng.

Doanh số bán đĩa nhạc (chiếm 1/4 doanh thu của ngành) đã giảm khoảng 11%. Nghệ sĩ hầu hết hoãn phát hành sản phẩm âm nhạc vì không thể tổ chức các chuyến lưu diễn quảng bá album và sản phẩm.

Trong đó, doanh thu biểu diễn âm nhạc trực tiếp bị thiệt hại nặng nề nhất, gần như bằng 0. Việc các concert ngừng hoạt động trong 6 tháng ước tính đã làm thiệt hại hơn 10 tỷ USD.

Chưa kể, một khảo sát cho thấy, chưa đến một nửa số người Mỹ cho biết nếu chưa có vắc-xin, họ không dự định đi xem hòa nhạc dù có được hoạt động trở lại. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến các nghệ sĩ bởi 75% thu nhập của họ tới từ các buổi tổ chức concert.

“Phải đến khi những chuyện như thế này xảy ra, bạn mới nhận ra cuộc sống của mình bấp bênh như thế nào”, nhà văn kiêm DJ người Anh Bill Brewster tâm sự trên Esquire.

Muôn cách vượt khó

img
Ngành công nghiệp âm nhạc Mỹ ước tính thiệt hại 10 tỷ USD

Tờ Music Week thông tin, Chính phủ Anh đã công bố quỹ cứu trợ nghệ thuật trị giá 1,57 tỷ bảng Anh. Tuy nhiên, chỉ những người có đủ điều kiện làm việc trong các nhà hát thuộc Nhà nước mới nhận được khoản tiền cứu trợ.

Ngoài ra, số tiền ấy được phân phối cho các tổ chức nghệ thuật như bảo tàng và địa điểm, chứ không phải cá nhân. Điều này khiến không ít người trong giới bất bình. Ông Trubridge cho rằng, chính phủ không được bỏ rơi các nhạc sĩ tự do vào lúc này. Nếu âm nhạc biểu diễn trở lại và chỉ bán được khoảng 30% số vé, Nhà nước có thể hỗ trợ nâng lên 60% cũng là một cứu cánh.

Nói như ông Deborah Annetts, Giám đốc điều hành Hiệp hội Nhạc sĩ Incorporated, sự hạn chế về đối tượng được nhận quỹ hỗ trợ khiến những người làm nghề tự do rơi vào tình thế thảm hại, bởi họ đã không thể kiếm sống bằng việc biểu diễn.

Bởi thế, hiện tại có khoảng 120 tổ chức trong lĩnh vực âm nhạc đã có văn bản gửi lên Thủ tướng Anh, kêu gọi mở rộng quỹ hỗ trợ tài chính cho các nghệ sĩ tự do.

Có thể nói, chưa bao giờ sự mong manh của âm nhạc lại rõ ràng hơn lúc này. Niko Seizov - quản lý nghệ sĩ nhận định trên Esquire, nếu để các nghệ sĩ đi làm việc khác để kiếm tiền sẽ khiến họ không thể dành đủ thời gian cho sáng tạo. Điều này sẽ gây hại cho ngành công nghiệp âm nhạc vì sự tiến bộ luôn bắt đầu từ sáng tạo.

Những thách thức tạo ra từ đại dịch buộc những người sáng tạo trong ngành âm nhạc phải tìm cách mới để sinh tồn. Biểu diễn trực tuyến trở thành một kênh để các nghệ sĩ giao lưu với người hâm mộ. Các nền tảng phát trực tuyến cũng kích hoạt phương thức kiếm tiền cho nghệ sĩ như khán giả phải có tư cách thành viên để truy cập, phải trả phí…

Số liệu phân tích từ Weforum cho thấy, ước tính doanh thu trực tuyến đã tăng từ 9% lên 47% tổng doanh thu toàn ngành ở nhiều thị trường. Tại thị trường Trung Quốc, Tsai Chun Pan - Phó chủ tịch của Tencent Music Entertainment công bố hơn 80% nghệ sĩ tham gia nền tảng diễn trực tuyến đều thừa nhận thu nhập được tăng khoảng 50%.

Hơn 40% nghệ sĩ cho biết thu nhập tăng 100%. Số lượng người dùng trả phí nghe nhạc trực tuyến đạt 42,7 triệu người, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, các nghệ sĩ cũng tích cực xem xét lại về các hợp đồng ghi âm với những đơn vị phát nhạc trực tuyến như Spotify, Apple...

Theo Esquire, nhiều năm qua vấn đề này đã bị bỏ lại bởi thu nhập của nghệ sĩ khi hợp tác với các đơn vị nhạc trực tuyến không nhiều. Các hợp đồng thu âm truyền thống chỉ trả cho nghệ sĩ trên cơ sở tiền bản quyền khoảng 15 - 20%, phần còn lại thuộc về đơn vị để trang trải những thứ như quảng bá, chi phí sản xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.