Bất động sản

Công nhân lẫn người nghèo không được mua nhà ở xã hội

02/03/2023, 10:46

Do vướng mắc quy định của Luật Nhà ở 2014, nhiều công nhân và người nghèo không mua được nhà ở xã hội.

Công nhân và người nghèo không thuộc đối tượng mua nhà ở xã hội
Chị Nguyễn Thanh Khuyên (Yên Bái) đang làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, chị làm việc tại khu công nghiệp hơn 5 năm; còn chồng làm nghề điện nước tự do.

Công việc bận rộn, xa nhà, anh chị phải gửi con nhờ ông bà nội ở quê (Yên Bái) chăm sóc. Con cái mỗi ngày một lớn, đòi hỏi quản lý, giáo dục sát sao hơn, thế nên vợ chồng chị quyết định đăng ký mua nhà ở xã hội ưu đãi dành cho công nhân để yên bề gia thất.

img

Khu nhà ở xã hội TP Bắc Ninh

Thế nhưng, hồ sơ đăng ký mua nhà của chị bị từ chối, lý do là mức thu nhập của chị phải nộp thuế thu nhập cá nhân, không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội.

Theo thống kê, toàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 51 dự án nhà ở xã hội đã và đang được triển khai với 46.290 căn hộ, tổng diện tích sàn khoảng 3.931.992m2, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho khoảng 189.459 người.

Trong đó, 22 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân với 30.652 căn hộ, đáp ứng nhu cầu ở cho khoảng 114.085 công nhân. Số dự án nhà ở xã hội dành cho các đối tượng khác là 29 dự án với khoảng 15.638 căn hộ, đáp ứng nhu cầu chỗ ở cho khoảng 75.374 người.

Chị Khuyên giãi bày, để có thêm thu nhập cho gia đình, chị thường xuyên đăng ký làm thêm, tăng ca ngoài giờ, thậm chí làm cả ngày nghỉ lễ. Chính vì thế, giấy tờ thu nhập của chị khoảng hơn 20 triệu đồng/tháng, phải đóng thuế thu nhập cá nhân.

Tính thu nhập vậy, nhưng thực tế số tiền trên phải "chia năm, xẻ bảy". Chồng thu nhập bấp bênh, "bữa đực, bữa cái", tiền nhà trọ, điện nước, ăn uống, xăng xe đều trông chờ vào khoản thu nhập của chị. Trung bình mỗi tháng, hai vợ chồng chi tiêu hết khoảng 8-9 triệu đồng.

Chị gửi về quê số tiền tương đương để lo đóng học, ăn uống 2 con và bố mẹ chồng bởi ở quê không có thu nhập gì thêm. Chi tiêu dè sẻn, anh chị chỉ để dành được 2-3 triệu đồng/tháng.

Vì thế chị tính toán, nếu mua nhà, chị sẽ gộp tiền trọ và tiền dư giả để trả hàng tháng. Thế nhưng, mọi tính toán của chị đã không được như ý.

Cũng giống hoàn cảnh của chị Khuyên, cả gia đình anh Nguyễn Bình (Hải Dương) có 4 người, hai vợ chồng và hai đứa con học tiểu học sống eo hẹp trong căn nhà trọ lụp xụp hơn chục mét vuông. Căn hộ thuê 700 nghìn đồng/ tháng với 1 nhà vệ sinh đã không còn cố nán lại được nữa.

Chính vì thế, anh làm hồ sơ mua căn nhà ở xã hội hơn 40m2 với hy vọng "an cư, lạc nghiệp". Thế nhưng ước mơ đó chưa trở thành hiện thực bởi gia đình anh là hộ nghèo, nhưng "hộ nghèo nông thôn" lại không thuộc đối tượng được hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

Phát triển nhà ở xã hội cần chính sách phù hợp với từng đối tượng

Trên chỉ là hai trong số nhiều công nhân các khu công nghiệp muốn mua nhà ở xã hội, ổn định đời sống nhưng gặp vướng mắc từ chính sách về nhà ở.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Sở Xây dựng Bắc Ninh cho biết, trên địa bàn có gần 150 nghìn công nhân đang lưu trú. Trong đó, 73,8% công nhân ở trọ tại các khu nhà do người dân tự xây dựng; chỉ 26,2% công nhân đang ở tại các khu nhà ở công nhân tập trung theo dự án.

Số lượng người lao động có thu nhập thấp và các nhóm đối tượng có nhu cầu về nhà ở xã hội trên toàn tỉnh hiện nay đã hơn 230 nghìn người.

Tuy nhiên, hiện nay, việc nhà ở cho công nhân chưa đáp ứng được với nhu cầu. Ngoài các nguyên nhân liên quan đến nguồn cung căn hộ thiếu, thì cũng có nhiều vướng mắc về chính sách khiến công nhân, người lao động khó tiếp cận với nhà ở xã hội.

Vị đại diện dẫn chứng, theo quy định (tại Điều 49, 50, 51 Luật Nhà ở 2014), nhóm đối tượng: “Hộ gia đình có thu nhập thấp, hộ nghèo và cận nghèo tại khu vực nông thôn” chỉ được hỗ trợ theo các chương trình mục tiêu về nhà ở mà không được mua/thuê/thuê mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện nay, các nhóm đối tượng này có nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, nhưng không được mua/thuê/thuê mua. Trong khi cùng là đối tượng thu nhập thấp nhưng ở khu vực đô thị lại được mua nhà ở xã hội. Đây là một trong những bất cập về chính sách mà địa phương không thể tự tháo gỡ.

Cũng quy định tại Luật Nhà ở 2014, đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Hiện nay, công nhân thường làm tăng ca, làm thêm giờ…, nhằm tăng nguồn thu. Do đó, nguồn thu về phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Như vậy, không thoả mãn với điều kiện được hỗ trợ mua nhà ở xã hội.

"Thực chất thu nhập cao hơn bình thường, nhưng phần lớn thu nhập sau khi nộp thuế đều gửi về gia đình, chỉ giữ lại một phần nhỏ để chi trả cho cuộc sống hàng ngày, cuộc sống hết sức khó khăn nhưng vẫn không đủ điều kiện để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội", vị đại diện bày tỏ.

Vị đại diện cho biết, trước những vướng mắc từ chính sách, vượt thẩm quyền giải quyết của địa phương, Sở Xây dựng tỉnh Bắc Ninh đã có kiến nghị với Bộ Xây dựng, bổ sung nhóm đối tượng là người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực nông thôn được mua/thuê/thuê mua nhà ở xã hội.

Đối với một số công nhân có mức lương thuộc diện phải nộp thuế thu nhập cá nhân do làm tăng ca và làm thêm giờ, đề nghị nghiên cứu hoàn thiện chính sách để phù hợp với tình hình thực tế...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.