Chính trị

Công nhân phản đối Luật BHXH: Quốc hội cần lắng nghe

12/05/2015, 20:13

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam xảy ra chuyện công nhân phản đối một điều luật cụ thể.

dinh-cong-20150330
Trước sự việc hàng chục nghìn công nhân phản đối Điều 60 của Luật BHXH, Quốc hội cần phải lắng nghe

Chiều nay (12/5), tiếp tục phiên họp thứ 38, các ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội đã dành thời gian xem xét báo cáo của chính phủ về quy định tại Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về nhận tiền bảo hiểm xã hội một lần.

Sự kiện hàng chục nghìn công nhân tụ tập, đình công phản đối Điều 60 của Luật BHXH là nguyên nhân chính khiến các cơ quan chức năng phải xem xét lại về việc sửa đổi này. Điều 60, Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ 1/1/2016) quy định người lao động không được nhận hỗ trợ một lần ngay sau khi nghỉ việc như luật cũ mà phải đợi đến tuổi nghỉ hưu khiến công nhân không đồng tình.

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho rằng sự việc hàng chục nghìn công nhân Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM) đình công phản đối các các quy định tại Điều 60 Luật BHXH là do thực tế đời sống người lao động trong các khu công nghiệp còn khó khăn, tiền lương còn thấp nên người lao động muốn lấy bảo hiểm xã hội một lần để có tiền trang trải cuộc sống trước mắt chứ chưa nghĩ đến cuộc sống sau này.

2
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất giao Chính phủ chuẩn bị báo cáo trình ra Quốc hội về việc này

Trong khi đó, Chủ tịch hội đồng Dân tộc Ksor Phước bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới sự việc này.

Ông Phước nhấn mạnh: “Chuyện đã xảy ra rồi. Nhưng kể từ năm 1946, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội xảy ra chuyện nhiều công nhân phản ứng thẳng vào một điều luật cụ thể, dù luật ấy chưa có hiệu lực thi hành. Vì thế, Quốc hội nhất định phải lắng nghe và thảo luận, sau đó mới kết luận chứ không nên bàn chuyện sửa hay không sửa nữa. Điều đó cũng để thấy rằng, Quốc hội luôn có trách nhiệm và lắng nghe nhân dân cả nước”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cho rằng cần phải có công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đưa vấn đề này lên các diễn đàn thảo luận công khai để những người có kinh nghiệm cho ý kiến…

Nhận định về sự việc các công nhân đình công phản đối Điều 60 Luật BHXH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng nguyên nhân chính là do công tác tổ chức, tuyên truyền, phổ biến pháp luật không tốt nên khi vừa động chạm tới lợi ích trước mắt đã gây ra phản ứng, dù cho luật chưa áp dụng.

“Còn việc làm luật, bổ sung sửa đổi luật, làm luật mới là việc bình thường, nhưng làm luật nào cũng phải có căn cứ, nguyên tắc và có sự cần thiết. Lần này mới chỉ xin chủ trương, chứ chưa có tờ trình cụ thể về sửa luật nên Quốc hội không có căn cứ để quyết định sửa hay không sửa”, ông Hùng khẳng định.

Kết thúc phiên thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội thống nhất giao cho Chính phủ chuẩn bị nội dung báo cáo về việc này trước Quốc hội, sau đó, Quốc hội sẽ đưa ra quyết định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.