Doanh nghiệp

Công thức bí mật trong thành công của Vinamilk

05/09/2016, 10:29
image

Điều gì đã đưa Vinamilk vào danh sách công ty niêm yết tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương?

1

Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, người đã đồng hành cùng công ty trong hành trình 40 năm đưa thương hiệu này vươn ra ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Tạp chí Forbes vừa công bố 50 công ty niêm yết tốt nhất châu Á - Thái Bình Dương (Fab 50). Đây là năm đầu tiên Việt Nam có đại diện trong danh sách này, đó là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk).

Nói về VinamilkForbes cho biết: "Công thức bí mật của công ty này, là chỉ cần hỏi bất kỳ trẻ em nào thì sẽ biết". Gắn liền với thành công của doanh nghiệp là vai trò quan trọng của bà Mai Kiều Liên.

Sau nhiều năm được đào tạo về quy trình sản xuất bơ sữa tại Liên bang Xô Viết (cũ), năm 1976, bà Mai Kiều Liên về nước và bắt đầu làm việc cho một công ty sữa Nhà nước. Chỉ trong một năm, người phụ nữ sinh năm 1953 được bổ nhiệm vào vị trí quản lý và sau 5 năm, bà trở thành Phó giám đốc nhà máy. Từ năm 1993, bà giữ vị trí Tổng giám đốc tại đơn vị nay là Công ty cổ phần Sữa Việt Nam.

Nữ lãnh đạo đưa Vinamilk lên sàn chứng khoán vào năm 2003, trở thành công ty sữa lớn nhất và là doanh nghiệp niêm yết lớn thứ 5 trên sàn chứng khoán TP HCM thời điểm ấy.

Từ một công ty chỉ sản xuất sữa đặc với 2 nhà máy, nay Vinamilk là doanh nghiệp với vốn hóa thị trường lên tới 10 tỷ USD, doanh thu 8 tháng đầu năm 2016 đạt 1,8 tỷ USD và xếp thứ 24 trong danh sách FAB 50 năm 2016 của Forbes. Sự kiện này đánh dấu lần đầu tiên một công ty Việt Nam lọt top FAB 50, danh sách xếp hạng 50 công ty niêm yết hàng đầu của các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Vị "nữ tướng" đã áp dụng phong cách quản lý học hỏi từ quốc tế và đẩy nhanh tốc độ hoạt động của công ty. Để đáp ứng các nhà đầu tư đang muốn đóng góp vốn vào doanh nghiệp, Vinamilk đã trở thành công ty niêm yết lớn đầu tiên tại Việt Nam nâng phần vốn sở hữu khối ngoại lên tới 100%. Động thái này giúp cổ phiếu hãng tăng giá 20% trong giai đoạn từ đầu tháng 7 tới 19/8.

2

Ngoài việc chú trọng giữ vững thị trường nội địa, Vinamilk vẫn luôn tìm kiếm thêm các cơ hội mở rộng đầu tư và xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài.

"Là một lãnh đạo, bạn phải có trách nhiệm trước hoạt động và quyết định của công ty. Người lãnh đạo cũng phải tiên phong hoặc trở thành người dẫn đầu thị trường", bà Liên trả lời Forbes.

Nữ CEO lấy ví dụ, năm 1983, Vinamilk ra mắt sản phẩm sữa chua dù vấp phải hoài nghi về khả năng thành công. Nhiều người còn cho rằng công ty nên tránh cạnh tranh với các gia đình làm sữa chua tại gia, một hoạt động thường thấy ở Việt Nam khi đó.

"Mối quan tâm của tôi là hàm lượng dinh dưỡng tốt cho cơ thể trong sản phẩm. Thực tế sữa chua Vinamilk lúc đó trở thành một cú hích cho thị trường và bán hết veo. Đó là câu chuyện về trách nhiệm và trở thành người tiên phong", bà chia sẻ.

Nhờ tư duy này của người đứng đầu, công ty vẫn giữ được thế mạnh của mình trong cuộc cạnh tranh ngày càng tăng với các thương hiệu quốc tế du nhập vào Việt Nam kể từ thập niên 90 của thế kỷ XX. Đội ngũ bán hàng của hãng cũng cung cấp trực tiếp sản phẩm tới các siêu thị và cửa hàng, bỏ đơn vị trung gian, giúp tiết kiệm chi phí. Vinamilk hiện cung ứng sản phẩm cho khoảng 230.000 nhà bán lẻ, nhà hàng và tự vận hành 100 cửa hàng chính hãng.

Theo báo cáo của hãng nghiên cứu Euro Monitor về các công ty sữa trên toàn thế giới, Vinamilk xếp thứ 49 toàn cầu về doanh thu sản phẩm sữa trong năm 2015, cao hơn 18% mức trung bình của công ty sữa ở châu Á. Đơn vị còn được đánh giá là công ty đứng đầu về tính thanh khoản ở các khu vực.

“Vinamilk đang sở hữu một hệ thống phân phối sản phẩm đáng mơ ước mà các công ty khác nếu muốn có sẽ phải đầu tư trong 10 năm để phát triển”, Giám đốc điều hành SSI Fiachara Mac Cana nhận xét.

Nhằm chiếm lĩnh thị trường 92 triệu dân Việt Nam, Vinamilk không ngừng đẩy sớm chiến lược marketing. Công ty cũng nhìn ra quốc tế và tìm kiếm các thương vụ mua lại bên ngoài.

Năm 2014, công ty mua 70% cổ phần công ty sữa Driftwood (Mỹ), đơn vị cung cấp sữa và nước trái cây cho các trường học tại miền Nam California và mới mua nốt 30% vào tháng 7/2016, nâng tỷ lệ sở hữu Driftwood lên 100%. Thương vụ giúp Vinamilk tiếp cận nhiều công nghệ hiện đại và tiêu chuẩn chất lượng cao hơn. Cũng trong 2016, công ty đã mở một nhà máy liên doanh tại Campuchia.

3

Sản phẩm sữa đặc và creamer đặc Driftwood do Vinamilk sản xuất bày bán tại các siêu thị Mỹ.

Nữ doanh nhân cho hay, bà điều hành công ty với những tiêu chuẩn quản lý của các tập đoàn quốc tế. Cùng với đó, quyết định niêm yết trên sàn chứng khoán giúp công ty hoạt động hiệu quả hơn.

"Khi được hỏi tại sao lại IPO, chúng tôi đang là công ty hoạt động hiệu quả. Nếu không cổ phần hóa, mỗi quyết định thay đổi của Vinamilk có thể mất thời gian dài để được duyệt vì là doanh nghiệp quốc hữu, tăng rủi ro mất thị phần trước các đối thủ đang lên nhanh chóng", bà chia sẻ.

Để công ty giữ vững khả năng cạnh tranh, không chỉ lãnh đạo mà các nhân viên đều phải không ngừng học hỏi. Toàn bộ 6.600 nhân sự đều phải báo cáo mọi vấn đề mình không thể giải quyết tới người quản lý hoặc tìm kiếm giúp đỡ trong vòng 24 giờ.

Trong 5-10 năm tới, Vinamilk đặt mục tiêu giữ 80% thị phần sữa Việt Nam với các sản phẩm cốt lõi, nâng đàn bò từ 14.000 con hiện nay lên 40.000 con. "Chúng tôi cho rằng khi các quỹ nước ngoài đặt chân vào Việt Nam, Vinamilk sẽ là lựa chọn đầu tiên họ nghĩ tới", báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhấn mạnh.

Hiện nay, ngoài 10 trang trại và 13 nhà máy trong nước, Vinamilk còn có 3 nhà máy tại Mỹ, New Zealand, Campuchia, một công ty con tại Ba Lan và đang xúc tiến xuất khẩu ở các thị trường mới như Thái Lan, Myanmar và châu Phi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.