Xã hội

Công trình “sai lầm thế kỷ” xả đúng quy trình,dân vẫn “khát”?

31/05/2016, 15:11

Thủy điện An Khê - Kanak xả nước đúng quy trình, song lãnh đạo địa phương phản ứng...

dòng sông Ba trở thành dòng sông chết

Công trình thủy điện An Khê - Ka Nak sau khi đi vào hoạt động đã biến sông Ba thành dòng sông chết

Xả nước đúng quy trình?

Ngày 28/5, trong buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cùng đoàn công tác tại tỉnh Gia Lai, ông Võ Ngọc Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai kiến nghị Chính phủ cần có giải pháp giúp địa phương điều phối nguồn nước Thủy điện An Khê - Ka Nak.

Ông Thành cho biết, từ khi Thủy điện An Khê - Ka Nak đi vào hoạt động đã gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng đối với hạ lưu sông Ba, khiến 450 nghìn dân tại 7 huyện chịu ảnh hưởng. Riêng đối với sản xuất vụ Đông Xuân năm 2016, đã có trên 6.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt; gần 7.000 ha cây trồng bị hạn, gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Ngoài ra, ông Thành cũng đề xuất giải pháp dừng phát điện một tổ máy 80MW để chia nước sang dòng sông Ba.

Dẫn chứng số liệu quan trắc nguồn nước trước và sau khi Thủy điện An Khê - Kanak hoạt động, ông Thành cũng cho biết, khi nhà máy thủy điện chưa hoạt động, lưu lượng dòng chảy là 10,7m3/s. Khi nhà máy hoạt động, lưu lượng dòng chảy ở mùa kiệt là 4m3/s. Việc xả nước này không phù hợp và ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân lưu vực sông Ba.

Tuy nhiên, tại cuộc họp nói trên, ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, bộ đã thành lập đoàn kiểm tra vận hành Thủy điện An Khê - Kanak. Về cơ bản, BQL thủy điện "vận hành đúng quy trình" và sẽ phối hợp với Bộ Công thương để rà soát quy trình vận hành hợp lý hơn.

Địa phương phản ứng

Sau khi Báo Giao thông đăng bài: “Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo trả nước về sông Ba”, ngày 28/5, trao đổi với PV, ông Võ Ngọc Thành cho rằng, qua thực tế cho thấy quy trình xả nước của thủy điện đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân tại vùng hạ du. "Chúng tôi đã đề nghị Bộ TN&MT và nhiều ngành khác kiểm tra, rà soát lại quy trình vận hành này để xả nước hợp lý hơn”, ông Thành cho biết.

Trao đổi với Báo Giao thông, bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Bí thư Thị ủy An Khê cũng cho biết: “Bộ TN&MT cho là “đúng quy trình”, song chúng tôi cho rằng phải xem xét lại quá trình đánh giá tác động môi trường khi xây dựng thủy điện này. Quy trình do ai đặt ra, có đảm bảo tính khoa học hay không, đúng đắn hay không? Cần phải xem xét lại rồi hãy bàn đến việc thực hiện đúng quy trình. Thủy điện hiện đang xả nước với “quy trình” mà chỉ có BQL dự án giám sát. Số liệu hoàn toàn do họ cung cấp chứ không có cơ quan nào biết, kể cả địa phương”.

Công trình “sai lầm thế kỷ”

Phát biểu trên diễn đàn Quốc hội mới đây, ông Huỳnh Thành, nguyên ĐBQH tỉnh Gia Lai cho rằng, Thủy điện An Khê - Kanak là “công trình sai lầm thế kỷ”, vì dự án này đã bức tử hẳn một vùng hạ du của hàng triệu người ở hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên.

“Không năm nào Thủy điện An Khê - Kanak vận hành mà không có dân khiếu kiện, không bị hạn hán hay lũ lụt, hàng triệu người ở hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên bị ảnh hưởng. Sau hơn 10 năm vận hành, những hệ lụy nó mang lại với người dân vùng hạ lưu thì khó mà nói hết được”, ông Thành cho biết.

Bà Lịch cho hay, trong đợt hạn hán kỷ lục năm nay, khi người dân TX An Khê và 6 huyện khác gửi văn bản đề nghị thủy điện xả nước cứu cây cối, hoa màu, BQL dự án trả lời hết nước (?). “Không tin vào việc trả lời của họ, chúng tôi đến hồ K’bang kiểm tra và phát hiện mực nước rất lớn, sau đó báo cáo đề nghị UBND tỉnh ra công văn yêu cầu xả nước. Tuy nhiên, một tháng sau họ mới thực hiện. Nước về được cây cối cũng đã chết rồi”, bà Lịch bức xúc và thông tin, ngoài việc thiếu hụt nguồn nước hàng năm cung cấp cho dòng sông, trong đợt lũ 11/2012, thủy điện này đã bất ngờ xả nước trên 2.000 m3/s, làm dân bàng hoàng không biết chạy đi đâu.

Trong năm 2015 - 2016, dòng sông Ba qua TX An Khê chỉ còn là một dòng nước nhỏ. Với việc xả thải của nhiều nhà máy trên địa bàn An Khê, một lần nữa dòng sông này lại ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân khi lượng nước bẩn tù đọng ô nhiễm nặng nề. “Chúng tôi chia sẻ việc nhà đầu tư bỏ cả nghìn tỷ đồng xây dựng thủy điện, nhưng lợi ích của hàng vạn dân sau chân đập Thủy điện An Khê - Ka Nak mới thực sự là điều quan trọng”, bà Lịch nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.