Hạ tầng

Công trình vốn dư thay đổi bộ mặt giao thông Tây Hà Nội

14/01/2016, 06:39

Hai dự án nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả to lớn trong việc giảm tải...

3

Hầm Trung Hòa đưa vào sử dụng giúp giảm ùn tắc tại nút giao thông Trần Duy Hưng - Đại lộ Thăng Long - Ảnh: Ngô Vinh

Hai dự án nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân vừa đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả to lớn trong việc giảm tải áp lực giao thông phía Tây Thủ đô. Đáng nói, hai công trình này được xây dựng từ nguồn vốn dư của dự án đường Vành đai 3 (đường trên cao) nhờ việc quản lý tốt tiến độ, rút ngắn thời gian thi công và sử dụng nguồn vốn có hiệu quả.

Người dân thở phào khi qua hai nút giao

Sau gần một tuần thông xe nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân, giao thông tại đây đã thông suốt, giảm ùn tắc đáng kể. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, những ngày qua, lượng người tham gia giao thông tăng mạnh, nhưng các phương tiện vẫn lưu thông thông suốt, thay vì phải chôn chân hàng giờ như trước đây.

7h30 sáng 13/1, tại nút giao Thanh Xuân, dòng người và phương tiện từ hướng Hà Đông đổ vào nội đô vẫn rất đông. Tuy nhiên, thay vì phải dừng lại trước đèn đỏ ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến khiến dòng phương tiện ùn ứ lại thành hàng dài như trước đây, các phương tiện được lưu thông xuống hầm chui. Chỉ một nhịp đèn tín hiệu là dòng phương tiện có thể thoát gần hết qua ngã tư.

Hai dự án nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân và trước đó là toàn bộ dự án đường trên cao đã làm thay đổi bộ mặt phía Tây Thủ đô và không lâu nữa lại có thêm một cầu vượt Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám. Những công trình ấy không chỉ làm đẹp thêm “bộ mặt” đô thị Hà Nội mà còn cho thấy sự hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn vốn đầu tư hạ tầng giao thông trong thời gian qua. Đây cũng chính là những công trình ý nghĩa chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.

Anh Nguyễn Xuân Nam, giảng viên Đại học GTVT cho biết: “Trước đây, qua nút giao Khuất Duy Tiến, tôi phải chôn chân hàng chục phút mới thoát được để đi tiếp. Từ khi thông hầm, tôi chưa thấy hôm nào ùn tắc”. Tuy nhiên, anh Nam cũng cho biết, có thể do chưa quen nên nhiều người không lưu thông qua hầm. Vì thế cần có biển báo, hướng dẫn cụ thể để người dân biết.

Tương tự, chị Nguyễn Ngọc Chi, nhân viên bán hàng tại Siêu thị Big C chia sẻ, từ ngày thông xe hầm Trung Hòa, tôi thấy ùn tắc giảm hẳn. Chẳng bù trước đây, mỗi khi vào giờ cao điểm là khu vực nút giao này như một biển người. Nhiều lần đi đến đây, xe phải nhích từng chút một. Từ hôm thông xe hầm Trung Hòa đến nay, tôi có thể căn đúng giờ làm, không phải đi sớm như trước vì sợ tắc đường.

Trao đổi với Báo Giao thông, Thiếu tá Lê Thanh, Đội CSGT số 7 trực chốt tại ngã tư Khuất Duy Tiến, đoạn hầm chui Thanh Xuân cho biết, từ khi hầm được đưa vào sử dụng ùn tắc giao thông giảm đáng kể, lực lượng CSGT đỡ vất vả hơn nhiều, người dân đi lại an toàn, thuận tiện. Phòng Giao thông đô thị thuộc Sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, sắp tới sẽ tổ chức lại giao thông tại đây nhằm hướng dẫn người tham gia giao thông đi lại thuận tiện, an toàn.

Trung tá Đỗ Mạnh Ninh, Đội trưởng Đội CSGT số 7 cho biết, Trung Hòa và Thanh Xuân là hai nút giao quan trọng, thường xuyên xảy ra ùn tắc trên địa bàn TP Hà Nội. Việc các hầm này thông xe đã góp phần quan trọng trong việc giảm xung đột trên các tuyến đường dẫn vào trung tâm thành phố và tuyến đường Vành đai 3. “Từ ngày thông xe giao thông ở đây được thông suốt, không còn những bất cập hay TNGT như trước đây”, Trung tá Ninh nói.

Thành quả từ việc sử dụng nguồn vốn có hiệu quả

Việc thông xe hai nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân một lần nữa cho thấy hiệu quả to lớn mà các công trình giao thông mang lại đối với giao thông nói chung và hệ thống đô thị tại Hà Nội nói riêng. Thế nhưng, ít người biết rằng, cả hai công trình ý nghĩa này lại được đầu tư bằng nguồn vốn dư của dự án đường Vành đai 3 giai đoạn II (đường trên cao).

Còn nhớ, ngày 21/10/2012, toàn tuyến đường trên cao đầu tiên của cả nước xây dựng giữa lòng Thủ đô được thông xe và đưa vào khai thác với tiến độ kỷ lục. Cả ba gói thầu đều vượt xa tiến độ theo kế hoạch từ 5 - 15 tháng trong khi hai năm trước còn là một dự án ì ạch, chậm chạp như rất nhiều công trình giao thông khác được thực hiện thời kỳ đó. Tuy nhiên, sau khi về Bộ GTVT, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã trực tiếp kiểm tra dự án và có những chỉ đạo quyết liệt, thậm chí truy trách nhiệm đến cùng của các bên có liên quan. Dư luận khi đó đã xôn xao với việc Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Thăng Long Phan Quốc Hiếu (nay là Cục phó Cục QLXD&CLCTGT) mang ghế tổng giám đốc của mình ra “đánh cược” nếu dự án không vượt tiến độ 5 tháng.

Chính vì thế, dự án đã băng băng về đích. Dự án có tổng mức đầu tư 5.547 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản đã tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng để giờ đây được sử dụng đầu tư xây dựng hai nút giao quan trọng tại khu vực phía Tây Hà Nội là hầm chui Thanh Xuân và Trung Hòa.

Điều đáng nói, nút giao Trung Hòa có tổng mức đầu tư 1.087 tỷ đồng và nút giao Thanh Xuân hơn 551 tỷ đồng cũng được thi công nhanh, vượt tiến độ và tiếp tục có vốn dư. Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Thanh Bình, Phó tổng giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, nguồn vốn dư này sẽ được dành để tiếp tục đầu tư xây dựng cầu vượt Nguyễn Chánh - Hoàng Minh Giám, ngay sát nút giao Trung Hòa với giá trị trên 100 tỷ đồng nhằm đảm bảo sự đồng bộ, thông suốt trên toàn tuyến Đại lộ Thăng Long - Trần Duy Hưng.

“Có được nguồn vốn dư này là do có sự kiểm soát chặt chẽ các biện pháp thi công, rút ngắn tiến độ. Một yếu tố quan trọng nữa giúp hai dự án nút giao Trung Hòa và Thanh Xuân có được vốn dư là sự ổn định về tỷ giá và công tác đấu thầu dự án đảm bảo sự chặt chẽ, công khai, minh bạch nên đã giảm được chi phí”, ông Bình cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.