Hạ tầng

Công ty Anh muốn “đặc trị” tắc nghẽn Tân Sơn Nhất

06/05/2017, 11:12

Một công ty nước ngoài "chào hàng" gói giải pháp đặc trị tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất.

XXX_8302

Một công ty nước ngoài "chào hàng" gói giải pháp đặc trị tắc nghẽn tại sân bay Tân Sơn Nhất

Bên lề Hội nghị Tổ chức các Nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (CANSO) khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang diễn ra tại Hà Nội, PV Báo Giao thông đã  trao đổi với ông Niall Greenwood, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của NATS (National Air Traffic Solutions), Công ty chuyên cung cấp các giải pháp hàng không có trụ sở tại Vương quốc Anh.

Ông đánh giá như thế nào về thị trường hàng không VN?

NATS (National Air Traffic Solutions) là công ty chuyên cung cấp các giải pháp hàng không có trụ sở tại Vương quốc Anh. Hiện nay, các văn phòng của NATS tại Châu Á đang được đặt tại Singapore, Hong Kong và Bangkok. NATS đang có kế hoạch mở rộng thị trường tại các nước khác, bao gồm Việt Nam.

Theo dự báo của Hiệp hội Hàng không Quốc tế, thị trường hàng không tại Việt Nam sẽ tăng gấp đôi lượng khách vào năm 2020. Việt Nam sẽ đứng thứ năm thế giới về tốc độ tăng trưởng vào năm 2035. Số lượt hành khách tại Việt Nam cũng được dự báo sẽ tăng thêm 112 triệu trong thời gian tới.

Các hãng hàng không Việt Nam đang đưa về rất nhiều máy bay mới. Do đó, ngành hàng không Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, quản lý không lưu...  Chúng tôi cũng đã gặp và làm việc với Tổng Công ty Quản lý Bay Việt Nam (VATM) và thảo luận về tiềm năng và cơ hội hợp tác trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, cảng hàng không Tân Sơn Nhất đang là điểm nghẽn, NATS có khả năng giải bài toán quá tải tại các sân bay hay không?

Chúng tôi đang tiếp cận thị trường Việt Nam và đang ở giai đoạn tham khảo các số liệu nên chưa thể đưa ra một con số nào cụ thể.

Tuy nhiên, nhanh nhất 8 năm nữa sân bay Long Thành mới có thể hoàn thành và đưa vào khai thác trong khi đó các vấn đề với sân bay Tân Sơn Nhất vốn đã nghiêm trọng, nếu không xử lý kịp thời, trong vòng 8 năm tới, sẽ ngày càng tệ đi – nhiều chuyến bay bị trễ, hủy. Các vấn đề về an ninh, bảo mật cũng sẽ xảy ra thường xuyên hơn.

Tình trạng này chúng tôi đã từng xử lý ở sân bay Gatwick (London, Anh).

Năm 1982, sân bay này được xây dựng với công suất phục vụ tối đa 300 lượt cất, hạ cánh mỗi ngày nhưng hiện nay chúng tôi đã có cách tăng công suất gấp 3 lần với sự kết hợp nhiều công nghệ của NATS. Các giải pháp đưa ra cho vấn đề này khá đang dạng, từ tối ưu hóa nhà ga, đường băng, không phận cho đến điều khiển không lưu...

unspecified

Ông Niall Greenwood, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của NATS (National Air Traffic Solutions), Công ty chuyên cung cấp các giải pháp hàng không có trụ sở tại Vương quốc Anh

Theo ông  giải pháp nào có thể triển khai ở Việt Nam?

Hiện NATS đang cung cấp khoảng 100 giải pháp công nghệ khác nhau, như quản lý cất-hạ cánh, quản lý máy bay tại sân bay, phát hiện các điểm tắc nghẽn, giải quyết các vấn đề chậm chuyến-hủy chuyến, cân đối công suất sân bay, điều hành sân bay, giải pháp quản lý các chuyến bay về cả thời gian và khoảng cách.

Chúng tôi cho rằng, giải pháp đầu tiên cần đến là quản lý công suất (capacity management) nhằm phân tích các sân bay và đường băng, đưa ra giải pháp cất/hạ cánh trên từng đường bay thế nào để đạt hiệu quả cao nhất. Sau đó, quản lý viêc đợi cất-hạ cánh cũng là một bước quan trọng. Ví dụ, tại sân bay Heathrow, các máy bay cất-hạ cánh chỉ cách nhau khoảng 1 phút. Giải pháp/công cụ này đi sâu nghiên cứu về nhiều yếu tố khác nhau về khí động học máy bay, kích thước, quy mô, tải trọng... để đưa ra khoảng cách về thời gian tối ưu giữa hai lượt cất-hạ cánh.

NATS cũng có một giải pháp khác, dùng để phân tích thời gian chiếm dụng đường băng và đưa ra phương án khắc phục. Thời gian chiếm dụng đường băng của mỗi máy bay càng cao, càng nhiều máy bay khác sẽ phải xếp hàng chờ lâu hơn.

Ngoài ra, một giải pháp khác rất hữu dụng đó là thiết kế, quản lý lại không phận (airspace). Chúng ta thường chỉ nhìn vào những yếu tố như nhà ga hay đường băng vốn cần rất nhiều tiền để xây dựng, tuy nhiên, việc quản lý, thiết kế không phận hiệu quả có thể giúp quản lý lưu lượng chuyến bay tốt  hơn rất nhiều.

Hiệu quả về mặt đầu tư của các giải pháp này thế nào, thưa ông?

Tại sân bay Heathrow, NATS đưa ra giải pháp Time-Based Separation (Phân chia theo thời gian) (khi cất-hạ cánh, máy bay có thể giãn cách nhau về mặt khoảng cách hoặc thời gian). Khung thời gian được chia thành 4-5 khoảng nhỏ (slot). Trong mỗi slot có thể phân chia khoảng cách hoạt động của máy bay theo thời gian. Một slot thời gian như vậy có giá trị lên đến hàng triệu bảng Anh. Các giải pháp này có thời gian hồi vốn chỉ tính bằng tuần, lâu hơn là vài tháng.

Sáng tạo mới nhất của chúng tôi gần đây là Tháp đều khiển không lưu số hóa. Trước đây các tháp điều khiển không lưu đều được xây dựng trên cao với chi phí đắt. Với giải pháp Tháp đều khiển không lưu số hóa, thay vào tháp không lưu, các camera hoặc/và cảm biến được đưa vào sử dụng trong các ngôi nhà bình thường được bảo vệ; và có thể điều hành ngay lập tức, tiết kiệm được chi phí xây dựng tháp và hoạt động của sân bay cũng sẽ hiệu quả hơn.

Nếu áp dụng các giải pháp như ông nói ở trên vào Việt Nam, thời gian triển khai sẽ mất bao lâu?

Thời gian triển khai phụ thuộc vào từng giải pháp cũng như yêu cầu điều tra, khảo sát, phân tích hiện trạng. Có những giải pháp cần tính toán kết hợp với cơ sở hạ tầng hiện hữu.

Ở thị trường Việt Nam, chúng tôi quan tâm tới dự án cảng hàng không Long Thành. Đây là một dự án lớn và là một cơ hội để NATS có thể giới thiệu và cung cấp các giải pháp tối ưu quản lý không lưu của mình.

Xin cảm ơn ông. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.