Thời sự Quốc tế

Công ty chủ quản Nord Stream 2 có động thái mới

27/01/2022, 06:48

Công ty vận hành đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đã đăng ký thành lập công ty con trên lãnh thổ Đức.

Thủ tục này là một phần quy trình được thực hiện theo yêu cầu của Cơ quan mạng lưới liên bang Đức (BNetzA) nhằm giúp dự án đường ống sớm đi vào vận hành.

Theo hãng tin Reuters, công ty con có tên Gas for Europe (khí đốt cho châu Âu) đặt trụ sở tại thành phố Schwerin, bang Mecklenburg-Vorpommern thuộc miền Bắc nước Đức.

Công ty này chịu trách nhiệm sở hữu và vận hành đoạn đường ống dài 54 km của Nord Stream 2 trên lãnh thổ Đức và trạm tiếp nhiên liệu Lubmin thuộc bang Mecklenburg-Vorpommern. Gas for Europe sẽ là nhà vận hành truyền tải độc lập, tuân thủ quy định của Đức.

img

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 bắt đầu được xây dựng từ năm 2018, với vốn đầu tư đến nay là 10 tỷ euro, dự kiến cung cấp khí đốt 55 tỷ m3, cho 26 triệu hộ dân

Dự án đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 đã hoàn tất xây dựng từ tháng 9 nhưng vẫn chờ hoàn thiện thủ tục theo quy định của Đức và Liên minh châu Âu.

Tháng 11 năm ngoái, Cơ quan Mạng lưới Liên bang, chuyên quản lý ngành đường sắt, bưu điện, viễn thông, khí đốt, điện năng của Đức vào tháng 11 đã thông báo đình chỉ phê chuẩn đường ống, yêu cầu công ty Nord Stream 2 cần phải đăng ký một thực thể hợp pháp tại Đức.

Với động thái mới nhất từ Nord Stream 2, Cơ quan này cho biết, họ sẽ tiếp tục hoãn phê chuẩn cho đến khi công ty Nga có trụ sở tại Thuỵ Sĩ chuyển giao tài sản chính và nhân sự cho công ty con.

Cơ quan này sẽ tiếp tục đối chiếu, kiểm tra giấy tờ, văn bản của công ty để hoàn tất quy trình.

“Chúng tôi không thể dự đoán khi nào sẽ hoàn thành xong thủ tục”, cơ quan quản lý của Đức cho biết.

Uniper, một trong những đơn vị hỗ trợ tài chính của Nord Stream 2, dự đoán đường ống có thể bắt đầu vận hành chuyển khí đốt từ đầu mùa Đông tới (ước tính khoản tháng 10).

Nga khẳng định, Nord Stream 2 với công suất khoảng 55 tỷ m3 có thể giải quyết khủng hoảng khí đốt tại châu Âu trong đó giá khí đốt đã leo thang lên mức cao chưa từng có khi nguồn cung hạn chế còn nền kinh tế khôi phục bất ngờ sau đại dịch.

Một số chính trị gia, chuyên gia trong ngành công nghiệp tại châu Âu cáo buộc Nga cố tình hạn chế khí đốt của phương Tây làm đòn bẩy cho dự án Nord Stream 2.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.