Trụ sở Công ty |
Vượt qua để chiến thắng
Thời điểm này, đoạn đường sắt Sài Gòn - Mương Mán dài 180km bị tàn phá nặng nề do chiến tranh: Hơn 30km đường ray bị bóc dỡ, 20% số cầu cống hư hỏng nặng; Gần 2/3 chiều dài đường sắt đi qua rừng rậm âm u còn nhiễm chất độc hóa học của Mỹ để lại và 42 điểm cầu tạm nguy hiểm… Nhưng với quyết tâm cao, hơn 2.450 cán bộ công nhân, không quản khó khăn, nguy hiểm, hăng say lao động ngày đêm để phục hồi, thông tuyến đường sắt Bắc - Nam trong thời gian sớm nhất.
Và thành quả đó đến ngày 20/5/1975 chuyến tàu đầu tiên đã chạy được từ Sài Gòn đến Biên Hòa. Hai tháng sau thì chạy được đến Long Khánh và sau đó là nối thông 180km đường sắt từ TP.HCM đi Phan Thiết.
Ngày 1/10/1976, Khu đường sắt Sài Gòn - Mương Mán được thành lập và rất có ý nghĩa trước thời điểm thông tuyến đường sắt Bắc - Nam (ngày 31/12/1976). Đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa chính trị, kinh tế to lớn chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (14-20/12/1976). Với ý nghĩa đó, ngày 1/10 hàng năm được lấy làm ngày truyền thống của công ty, nay là Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn.
Xây dựng và phát triển
Thực hiện chủ trương chuyên môn hóa các hệ trong ngành, từ ngày 1/4/1979, Khu đường sắt Sài Gòn - Mương Mán được tách ra ba hệ chuyên biệt cầu đường, vận chuyển và thông tin tín hiệu. Đoạn cầu đường Sài Gòn - Mương Mán trực thuộc Quận Đường Sắt III theo Quyết định số 106/TC-NS ngày 2/2/1979 của Tổng cục Đường sắt, với nhiệm vụ nâng cấp, duy tu cầu đường phục vụ cho vận tải. Đặc biệt là mở rộng ga Bình Triệu, xây dựng mới ga Sài Gòn và ga Sóng Thần, phục vụ tốt nhất cho chiến dịch vận tải lương thực, thực phẩm cho hai miền Nam - Bắc. Cuối năm 1979, công ty được cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ sang Campuchia khôi phục đường sắt nước bạn
Kể từ ngày 1/4/1989, Xí nghiệp QLĐS Sài Gòn - Mương Mán thực sự bước vào công cuộc đổi mới toàn diện với mục tiêu “Làm cho đời sống CBCNV bớt khổ, nhân dân bớt kêu ca, Nhà nước bớt gánh nặng”. Trong giai đoạn này đã có những biến đổi sâu sắc trong cách nghĩ, cách làm của từng CBCNV. Việc duy trì và nâng cao chất lượng cầu đường, bảo đảm tuyệt đối an toàn chạy tàu, phục vụ vận tải đạt hiệu quả cao, đời sống của CBCNV không ngừng được cải thiện…
Với những thành tích xuất sắc đạt được trong ba năm đầu của công cuộc đổi mới (1989 - 1992), CBCNV Xí nghiệp QLĐS Sài Gòn - Mương Mán đã được Hội đồng Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Tháng 6/1994, Đại hội Đảng bộ Xí nghiệp nhiệm kỳ 1994 - 1996 đã tổng kết 5 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục công cuộc đổi mới.
Từ tháng 6/1996, Xí nghiệp QLĐS Sài Gòn - Mương Mán là đơn vị sự nghiệp kinh tế. Trong 10 năm đầu đổi mới (1989 -1999), xí nghiệp hoàn thành đúng tiến độ với chất lượng cao 6 dự án lớn về chỉnh tu cầu đường, nâng tốc độ chạy tàu, góp phần cùng toàn ngành rút ngắn hành trình tàu Thống Nhất Bắc - Nam từ 58 giờ (1988) rút xuống còn 32 giờ (tháng 5/1999), tốc độ trung bình 70 - 80km/h. Công tác đảm bảo an toàn chạy tàu được quan tâm hàng đầu, 10 năm liên tục không để xảy ra tai nạn chạy tàu do chủ quan gây ra.
Xí nghiệp là đơn vị đứng đầu toàn ngành Đường sắt trong việc thực hiện Nghị định 39 của Chính phủ, nay là Luật Đường sắt. Mức tăng trưởng sản lượng SXKD hàng năm luôn năm sau cao hơn năm trước, bình quân tăng trưởng 9-15%/năm. Đời sống của CBCNV ổn định và từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân của người lao động hàng năm tăng 10-15%.
Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn |
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành đường sắt
Ngày 6/8/2003, Xí nghiệp QLĐS Sài Gòn đổi tên thành Công ty QLĐS Sài Gòn trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Thời điểm này, công ty vừa triển khai đổi mới tổ chức, vừa củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác quản lý, thực hiện bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống quy chế quản lý. Công ty sớm chủ động đầu tư, xây dựng hệ thống mạng nội bộ, xây dựng phần mềm quản lý theo mô hình tập trung, đến nay các phân hệ phần mềm quản lý hầu hết đang phát huy tác dụng góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác quản lý doanh nghiệp.
Với những nỗ lực của mình, công ty đã góp phần cùng toàn ngành Đường sắt tiếp tục rút ngắn hành trình tàu khách Thống Nhất từ 32 giờ (năm 1999) xuống còn 30 giờ (năm 2002) và 29 giờ (năm 2004). Để làm tốt công tác an toàn giao thông đường sắt trong tình hình hiện nay, công ty thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đảm bảo an toàn chạy tàu, chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật nâng cao chất lượng cầu đường.
Được sự quan tâm đầu tư của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và hỗ trợ của UBND TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cùng các cơ quan, ban, ngành, địa phương, đến nay đã có gần 30km hàng rào hành lang ATGT đường sắt trong địa bàn TP HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai đã được xây dựng. Công ty đã thực hiện sửa chữa, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới nhiều đường ngang, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất TNGT đường sắt trên khu vực, giữ vững thành tích 22 năm liên tục từ năm 1989 - 2010 không có tai nạn chạy tàu do lỗi chủ quan gây ra.
Về SXKD, công ty liên tục hoàn thành tốt các chỉ tiêu, kế hoạch được giao, sản lượng tăng trưởng liên tục năm sau cao hơn năm trước; Năm 2000 đạt 23,6 tỷ đồng, năm 2005 đạt 38 tỷ đồng, năm 2006 đạt 44,6 tỷ đồng, năm 2007 đạt 49,9 tỷ đồng, năm 2008 đạt 59 tỷ đồng, năm 2009 đạt 67 tỷ đồng, năm 2010 đạt 77 tỷ đồng.
Giai đoạn chuyển mình cùng đất nước
Từ ngày 1/1/2011, Công ty QLĐS Sài Gòn được chuyển đổi thành Công ty TNHH Một thành viên QLĐS Sài Gòn, hoạt động theo mô hình công ty con của ĐSVN, do ĐSVN làm chủ sở hữu. Từ 1/1/2016 Công ty TNHH MTV QLĐS Sài Gòn được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn do Nhà nước nắm quyền chi phối theo Quyết định số 3811/QĐ-BGTVT ngày 30/10/2015 của Bộ GTVT, tiếp tục thực hiện mục tiêu “Đổi mới, đảm bảo an toàn và phát triển bền vững”.
Hiện Công ty có hơn 100 CBCNV có trình độ chuyên môn từ trung cấp đến đại học (chiếm 15% tổng số lao động). Qua chặng đường 40 năm xây dựng và phát triển, Công ty Cổ phần Đường sắt Sài Gòn tiền thân là Khu Đường sắt Sài Gòn - Mương Mán đã thực sự ghi các mốc son trong quá trình đổi mới và phát triển của mình; xứng đáng với những phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba trong những năm đầu của công cuộc đổi mới, Cờ luân lưu, cùng nhiều phần thưởng khác của Nhà nước, Bộ GTVT, của ĐSVN, UBND TP.HCM và của các tỉnh trao tặng…
Trong thời gian qua, công ty không ngừng phát triển, giữ vững đà tăng trưởng theo chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể: Tổng sản lượng năm 2011 đạt 86,8 tỷ đồng, năm 2016 đạt 132,66 tỷ đồng. Thu nhập bình quân của người lao động năm 2011 đạt 4,33 triệu đồng/người/tháng, năm 2016 đạt 7,45 triệu đồng/người/tháng. Lợi nhuận trước thuế năm 2012 đạt 6,008 tỷ đồng, năm 2016 đạt 2,75 tỷ đồng. Với truyền thống quý báu 40 năm xây dựng và phát triển, công ty quyết tâm thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tổng công ty ĐSVN khóa XI và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII. |
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đường sắt Sài Gòn
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận