Xã hội

Công ty hoạt động 2 năm mới đăng ký bảo vệ môi trường, sao không bị phạt?

09/01/2022, 07:30

Một công ty sản xuất mì ở Nghệ An vừa được UBND huyện cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường dù đã hoạt động 2 năm.

Sau 2 năm hoạt động mới được ký xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường

Những ngày đầu năm 2022, PV Báo Giao thông có mặt tại trụ sở Công ty CP An An Agri (ở thị trấn Diễn Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An).

img

Trụ sở Công ty An An Agri nằm trên mặt tiền quốc lộ 7 đoạn qua Diễn Châu

Thời điểm PV có mặt, mọi hoạt động sản xuất của công ty này diễn ra bình thường. Ở mặt sau của công ty, có 2 ống nước bằng nhựa kích thước vừa, được nối từ phía bên trong công ty ra. Nước bên trong theo ống nước chảy trực tiếp xuống ruộng rau muống của người dân.

Nước chảy xuống ruộng muống đọng lại có màu đen kịt, tại nhiều thời điểm khác nhau có mặt tại đây, bằng cảm quan PV ghi nhận được mùi khó chịu.

Một người dân từng vào công ty này chơi cho biết: Công ty này chuyên sản xuất mì rau dinh dưỡng, quy mô khá lớn với nhiều lao động làm việc.

Xác nhận thông tin, bà Hồ Thị Tâm - Chủ tịch UBND xã Diễn Thành cho biết: Công ty Cổ Phần An An Agri trước đây nằm dưới khu vực gần UBND xã. Khoảng hơn một năm nay, doanh nghiệp này chuyển lên vị trí hiện nay.

Theo các thông tin công khai trên mạng, công ty này được cấp giấy phép hoạt động vào ngày 4/12/2019, với ngành nghề chính là sản xuất mì ống, mỳ sợi và sản phẩm tương tự.

Tuy nhiên, sau 2 năm hoạt động, đến ngày 16/12/2021, công ty này mới được UBND huyện Diễn Châu ký Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Và điều kỳ lạ là, trong gần 2 năm qua, công ty không hề bị xử phạt, dù hành vi vi phạm này có thể bị xử phạt lên đến 60 - 80 triệu đồng.

Đề cập đến vấn đề này, bà Hồ Thị Tâm - Chủ tịch UBND xã Diễn Thành giải thích: "Trong năm qua, do tập trung phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên xã không đi kiểm tra đợt nào. Công ty An An Agri cũng không bị xã hay huyện xử phạt quy định về môi trường.

Theo bà Trương Thị Thu Hằng - Chuyên viên Phòng TN&MT huyện Diễn Châu: Công ty này đã đi vào hoạt động hơn 1 năm, thế nhưng mới đây dự thi OCOP rồi sản xuất nhiều hơn nên huyện mới cấp Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường. Trước đây sản xuất nhỏ lẻ, thì xem như giai đoạn hoạt động thử nghiệm. Và đến nay Công ty Cổ Phần An An Agri chưa bị xử phạt về các quy định về môi trường.

img

Dù Công ty CP An An Agri hoạt động hơn 1 năm nhưng giữa tháng 12/2021 UBND huyện Diễn Châu mới cấp giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường mà không xử phạt công ty này.

Để có cái nhìn khách quan, PV đã liên hệ với bà Tâm - Giám đốc Công ty (qua số điện thoại mà đại diện UBND xã Diễn Thành cho biết). Sau khi trao đổi vấn đề, bà Tâm cho biết, nội dung này đề nghị PV đến làm việc trực tiếp. Ngày sau đó, PV đã liên hệ lại để được làm việc trực tiếp thì bà Tâm cáo bận và cho biết sau khi sắp xếp được lịch làm việc sẽ báo lại.

Trái quy định, tạo tiền lệ xấu, gây thất thoát ngân sách

Qua điện thoại, ông Phan Xuân Vinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu, người ký Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho công ty này chỉ nói ngắn gọn: Công ty có thành lập bao lâu thì cũng phải làm đánh giá tác động môi trường rồi gửi phương án, dự án lên thì huyện mới kiểm tra và cấp phép được.

“Thành lập lâu rồi mà chưa cấp, về nguyên tắc phải bị xử phạt mấy chục triệu sau đó mới cấp lại. Vừa rồi tôi đã can thiệp, bảo họ làm để tham dự sản phẩm OCOP”, ông Vinh nói.

Một chuyên gia về công tác môi trường cũng cho biết: Theo quy định, trước khi hoạt động các công ty, doanh nghiệp phải có Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc đánh giá tác động môi trường.

Nếu như doanh nghiệp đó đã hoạt động một thời gian mà chưa có Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương là trái quy định.

Cụ thể, Khoản 2. Điều 22. Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 quy định rất rõ: “Các dự án đã triển khai xây dựng nhưng chưa đi vào vận hành và các dự án, cơ sở đã đi vào vận hành (bao gồm cả các dự án mở rộng quy mô, tăng công suất, thay đổi công nghệ của cơ sở, khu công nghiệp đang hoạt động) mà chưa có quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc các hồ sơ về môi trường tương đương, thì bị xử phạt theo quy định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường...”.

img

Mặt sau trụ sở Công ty CP An An Agri

Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 “Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP cũng quy định: "Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoặc triển khai xây dựng dự án, phương án sản xuất, kinh danh và dịch vụ có quy mô, công suất tương đương với trường hợp phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường trình UBND cấp huyện xác nhận và do cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh bị xử phạt như sau: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (với tổ chức thì số tiền phạt gấp đôi cá nhân) đối với hành vi không có bản kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định".

Cũng theo chuyên gia này: Trong trường hợp này, trước khi cấp Giấy Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường cho Công ty CP An An Agri, UBND huyện Diễn Châu phải xử phạt hành chính vì đã có hành vi không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định rồi mới được cấp.

“Việc bỏ qua sai phạm của doanh nghiệp không chỉ tạo tiền lệ xấu, gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Điều này còn cho thấy kỷ cương phép nước không được thực hiện nghiêm minh, đặc biệt là gây thất thoát ngân sách nhà nước - đó là tiền nộp phạt của doanh nghiệp. Trách nhiệm này thuộc về UBND huyện Diễn Châu”(!?), vị chuyên gia này nói.

Một lãnh đạo Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An cho biết: Trong trường hợp này, UBND huyện Diễn Châu cấp Giấy xác nhận Đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường mà không xử phạt là trái quy định. Điều này tạo nên một tiền lệ xấu cho công tác quản lý môi trường nói riêng và công tác quản lý nhà nước nói chung; cứ mạnh ai nấy làm mà xem thường các quy định của pháp luật.

Ngoài ra, điều này còn gây thất thoát ngân sách cho nhà nước, đó là tiền xử phạt. Chúng ta cứ nghĩ, một huyện mà có khoảng vài chục doanh nghiệp như thế này thì nhà nước sẽ mất một khoản tiền xử phạt rất lớn.

Một ví dụ điển hình về vấn đề này là mới đây Bộ TNMT đã xử phạt một bệnh viện cấp tỉnh ở Nghệ An 400 triệu đồng, và sau khi nộp tiền xong Bộ mới thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.