Đội tàu biển Việt Nam sẽ phải tuân thủ chặt chẽ các qui định liên quan đến xử lý nước dằn khi Công ước BWM 2004 có hiệu lực vào tháng 9/2017 - Ảnh: K.Linh |
Tàu nào phải áp dụng?
Để ngăn chặn sự thâm nhập của các thủy sinh trong môi trường nước dằn được tàu biển chuyển từ vùng biển khác tới, tác động đến hệ sinh thái, kinh tế, sức khỏe con người và tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường biển, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đã thông qua Công ước quốc tế về kiểm soát, quản lý nước dằn và cặn nước dằn của tàu (BWM 2004) vào ngày 13/2/2004. Theo quy định của BWM 2004, kể từ ngày 8/9/2017, tất cả các tàu thuộc kiểu loại bất kỳ hoạt động trong môi trường nước, bao gồm tàu ngầm, tàu nổi, công trình nổi, kho chứa nổi yêu cầu phải có Kế hoạch quản lý nước dằn được phê chuẩn. Duy trì Nhật ký nước dằn. Quản lý nước dằn trên tất cả các chuyến hành trình thông qua hoạt động thay đổi nước dằn (hoặc hoạt động xử lý nước dằn bằng cách sử dụng hệ thống nước dằn được phê chuẩn).
Theo quy định, quốc gia thành viên Công ước phải thông báo cho Tổ chức Hàng hải quốc tế các thông tin về những yêu cầu và quy trình liên quan tới quản lý nước dằn, sự sẵn sàng và vị trí của các thiết bị tiếp nhận; Thông tin về các tàu không thể tuân thủ quy định của Công ước. |
Hoạt động thay đổi nước dằn cũng chỉ được áp dụng cho tàu đóng trước ngày 8/9/2017 và phải chấm dứt hoạt động này sau khi tàu hoàn thành đợt kiểm tra cấp mới đầu tiên Giấy chứng nhận quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do dầu sau ngày 8/9/2017. Thực hiện đợt kiểm tra lần đầu để được cấp Giấy chứng nhận quản lý nước dằn quốc tế (đối với các tàu thuộc phạm vi áp dụng Công ước BWM có tổng dung tích từ 400 trở lên, ngoại trừ công trình nổi, FSU, FPSU). Tàu mang cờ quốc tịch của quốc gia chưa tham gia BWM, khi hoạt động tại vùng nước của quốc gia đã tham gia Công ước này, phải chứng minh việc đáp ứng thỏa mãn các yêu cầu liên quan của Công ước. Điều này có thể thực hiện bằng việc tàu được kiểm tra và cấp tài liệu phù hợp với các quy định của Công ước.
Tàu phải tuân thủ thời hạn trang bị hệ thống xử lý nước dằn để đảm bảo nước dằn được quản lý trên tất cả các chuyến hành trình thông qua việc sử dụng hệ thống này.
Tác động lớn đến đội tàu Việt Nam
Phó cục trưởng Cục Hàng hải VN Đỗ Đức Tiến cho biết, tính đến ngày 8/9/2016, BWM 2004 đã nhận được thêm sự phê chuẩn gia nhập của Phần Lan, nâng tổng số quốc gia gia nhập Công ước là 52 quốc gia, đạt 35,14% tổng dung tích đội tàu thế giới. Công ước có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến đội tàu biển Việt Nam đang hoạt động tuyến quốc tế. Hiện nay, Việt Nam có 555 tàu biển được phân cấp hoạt động tuyến quốc tế. Theo quy định của BWM 2004, nếu các tàu biển nêu trên hoạt động trong lãnh hải của quốc gia thành viên Công ước, sẽ phải tuân thủ các quy định của Công ước, đặc biệt là tuân thủ quy định về hệ thống quản lý nước dằn (BWMS) và được cấp chứng nhận quốc tế quản lý nước dằn (International Ballast Water Management Certificate).
Hiện, Bộ GTVT đang giao Cục Hàng hải VN nghiên cứu, xây dựng lộ trình gia nhập Công ước BWM 2004 phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm giảm thiểu các tác động của Công ước tới đội tàu biển quốc gia Việt Nam. Thời gian qua, Cục Hàng hải VN cũng đã có nhiều văn bản tuyên truyền, phổ biến nội dung của Công ước đến các doanh nghiệp vận tải biển để chủ động có các phương án khai thác, chuẩn bị năng lực đáp ứng các yêu cầu của Công ước khi có hiệu lực vào ngày 8/9/2017, tránh ảnh hưởng và thiệt hại về tài chính liên quan đến việc bị bắt giữ và lưu giữ tàu do không tuân thủ các quy định của Công ước khi hoạt động, khai thác trên các tuyến có quốc gia đã là thành viên của Công ước.
Theo Điều 2, các thành viên của Công ước có nghĩa vụ áp dụng toàn bộ và đầy đủ các điều khoản của Công ước và phụ lục kèm theo của Công ước để ngăn ngừa, giảm thiểu và loại trừ hoàn toàn việc vận chuyển các thủy sinh vật và mầm bệnh có hại thông qua kiểm soát và quản lý nước dằn tàu và cặn lắng. Các thành viên Công ước có thể thực hiện độc lập hoặc phối hợp với các thành viên khác những biện pháp khắt khe hơn để ngăn ngừa, giảm thiểu hoặc loại bỏ việc vận chuyển các thủy sinh vật và mầm bệnh có hại thông qua kiểm soát và quản lý nước dằn tàu và cặn lắng phù hợp với luật pháp quốc tế. Các thành viên Công ước phải đảm bảo rằng, các biện pháp quản lý nước dằn tàu được sử dụng để phù hợp với Công ước này không gây hại, ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe con người, tài sản hoặc tài nguyên của quốc gia thành viên hoặc của các quốc gia khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận