Hồ sơ tài liệu

COP 26 quan trọng thế nào với tương lai thế giới?

01/11/2021, 06:59

Gần đây, các tổ chức vì môi trường liên tục đưa ra các dự báo khẩn cấp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình biến đổi khí hậu.

“Nếu chúng ta không giữ được tia hy vọng ở sự kiện COP 26, nhân loại sẽ đối mặt với vấn đề thật sự… Khi biến đổi khí hậu vượt tầm kiểm soát, sự thụt lùi của nền văn minh thế giới sẽ tương tự như sự sụp đổ của đế chế La Mã”.

Nhận định của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã cho thấy rõ mức độ quan trọng của Hội nghị Biến đổi khí hậu 2021 (COP 26) diễn ra tại Vương quốc Anh.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn cấp cao Việt Nam tới sân bay Prestwick, Scotland, Vương quốc Anh sáng 31/10 (giờ địa phương)

Không còn là chuyện xa vời

COP 26 - Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) được kỳ vọng sẽ đặt ra những bước đi quan trọng để các nước hiện thực hóa cam kết biến đổi khí hậu.

Đây là lần đầu tiên từ Hiệp định Paris năm 2015, các nước phải đánh giá lại những cam kết tự nguyện giảm khí thải từng đặt ra. Hơn 100 thành viên đã đề xuất mục tiêu mới với những mức đóng góp do quốc gia tự xác định (NDC).

Thực tế, vấn đề biến đổi khí hậu đã được các lãnh đạo thế giới nhận thức từ lâu, bàn bạc qua nhiều sự kiện toàn cầu và cùng đặt ra cam kết giảm khí thải.

Điển hình là hội nghị năm 2015 với sự ra đời của Hiệp định Paris, trong đó tất cả các bên cam kết (không ràng buộc) giảm khí thải gây hiện tượng nhà kính.

Nhưng sau nhiều năm, kể cả những cam kết về khí hậu tham vọng nhất cũng không đủ để giữ mức độ nóng lên của toàn cầu chỉ ở 2 độ C tính đến cuối thập kỷ này, như các nước đã đồng thuận.

Gần đây, các tổ chức vì môi trường liên tục đưa ra các dự báo khẩn cấp, gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình hình biến đổi khí hậu.

Những hiện tượng thời tiết biến đổi rõ rệt như lạnh bất thường tại châu Âu, mưa lũ kỷ lục tại Đức, Trung Quốc, Ấn Độ… đã biến vấn đề biến đổi khí hậu thực sự không còn là chuyện xa vời.

Theo như kỳ vọng của Vương quốc Anh - Chủ tịch COP 26, hội nghị COP 26 thành công phải huy động đủ 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển; khuyến khích các nước đưa ra chiến lược dài hạn đưa mức phát thải ròng bằng 0…

Tài chính - vấn đề nóng và khó nhất

Ở các nền kinh tế mới nổi, hầu hết đều chưa đạt tới mức đỉnh điểm phát thải nhưng đang phải chịu tác động lớn từ biến đổi khí hậu và quá trình chuyển dịch sang năng lượng bền vững.

Rất nhiều phương thức sản xuất điện và phương tiện giao thông thân thiện môi trường đều đòi hỏi phải có công nghệ cao. Để có thể triển khai và phát triển lên quy mô đủ để thay thế các phương thức và phương tiện phát thải mạnh, cần sự cam kết hỗ trợ tài chính sâu rộng từ các nước trên thế giới

Từ năm 2009, các nền kinh tế tiên tiến đã cam kết sẽ hỗ trợ thường niên 100 tỷ USD cho các nước đang phát triển để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tính đến năm 2020. Nhưng đến nay cam kết này vẫn chưa đạt được, kể cả khi dịch Covid-19 còn chưa xảy ra.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế, tổng giá trị cam kết tài chính cho vấn đề khí hậu tăng từ 52,2 tỷ USD trong năm 2013 lên 78,9 tỷ USD vào năm 2018 nhưng vẫn không thể đạt mục tiêu 100 tỷ USD.

Chưa kể, hiện nay nhu cầu thực sự để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh đòi hỏi mức tài chính cao hơn nhiều so với 100 tỷ USD. Do đó, đây sẽ là vấn đề chính bao trùm lên Hội nghị COP 26 sắp tới và các hội nghị thượng đỉnh tương lai.

Nếu giải quyết được vấn đề này, các nước đang phát triển tại châu Á có thể đóng góp một phần lớn vào giảm khí thải carbon.

Áp lực lớn với Trung Quốc

img

Lũ lụt kỷ lục tại Đức hồi tháng 7. Ảnh: AP

Lượng phát thải của toàn khu vực châu Á so với thế giới đã tăng từ 16% trong năm 1990 lên 43% trong năm 2019, hầu hết xuất phát từ các nước đang phát triển.

Quốc gia tại châu Á phát thải lớn nhất là Trung Quốc. Với dân số đông, tốc độ phát triển nhanh, lượng phát thải của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ vào năm 2005 và chiếm khoảng 30% tổng lượng khí thải carbon toàn cầu trong năm 2019.

Chính phủ Trung Quốc đã tìm cách cân bằng giữa những ưu tiên đảm bảo cải thiện chất lượng sống vừa phải cam kết giảm phát thải sâu hơn. Vài năm qua, Bắc Kinh đã có những hướng đi tích cực như ra mắt sàn giao dịch tín chỉ carbon, ưu tiên phát triển phương tiện sử dụng điện…

Tuy nhiên, nước này vẫn có kế hoạch xây các nhà máy nhiệt than mới. Do đó, dự kiến đất nước tỷ dân sẽ đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và phải đến năm 2060 - chậm hơn 10 năm so với cam kết của Trung Quốc, Bắc Kinh mới có thể đạt được mục tiêu phát thải ròng về mức 0.

Với những yếu tố trên, Trung Quốc sẽ là quốc gia có vai trò quan trọng nhất trong hội nghị này. Hành động giảm thải của Bắc Kinh cũng sẽ có đóng góp rất lớn tới mức giảm thải toàn cầu.

Hiện tại, Trung Quốc chưa công bố mức đóng góp mới và tình trạng thiếu hụt năng lượng gần đây của nước này có thể ảnh hưởng tới tham vọng dẫn đầu trong giảm thải của Trung Quốc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại COP 26

Ngày 31/10, đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đến sân bay Prestwick, Scotland, Vương quốc Anh, lúc 7h sáng 31/10 (14h giờ Hà Nội), bắt đầu chuyến công du tham dự COP 26 và làm việc tại Anh.

Tham gia đoàn có lãnh đạo nhiều bộ, ngành, Ủy ban của Quốc hội, gồm Bộ trưởng các bộ: Công an, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Công thương, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Dự kiến trong ngày đầu tiên làm việc tại Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ hiến vùng Scotland Nicola Sturgeon, dự lễ ra mắt đường bay thẳng Việt Nam - Anh, gặp gỡ cộng đồng người Việt ở Anh và dự lễ trao viện trợ quyên góp hỗ trợ Việt Nam chống Covid-19.

Ngày 1/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự hội thảo với chủ đề “Kiến tạo tương lai bền vững và thịnh vượng thông qua đầu tư tư nhân”, sau đó dự lễ khai mạc Hội nghị cấp cao COP 26 và có bài phát biểu tại hội nghị vào chiều cùng ngày.

Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26) thu hút khoảng 30.000 đại biểu từ các nước thành viên, trong đó hơn 100 lãnh đạo cấp cao các nước, Tổng thư ký Liên hợp quốc cùng đại diện nhiều tổ chức quốc tế, thể chế tài chính lớn, các tập đoàn đa quốc gia và tổ chức phi chính phủ.

Dự kiến tại COP 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ khai mạc, phát biểu tại phiên phát biểu của các lãnh đạo; ngoài ra, ông sẽ có hàng loạt cuộc gặp với lãnh đạo một số nước, tổ chức quốc tế và các đối tác quan trọng trong thời gian làm việc tại Anh.

Sau chuyến dự COP 26, thăm và làm việc tại Anh, từ ngày 3 - 5/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm chính thức Pháp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.