Hồ sơ tài liệu

COP21 đạt được thỏa thuận lịch sử về khí hậu

13/12/2015, 10:39

Đêm 12/12 (theo giờ Việt Nam), hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 đã thông qua thỏa thuận lịch sử .

COP21_DSC7501
Từ phải qua: Tổng thống Pháp Francois Hollande, Ngoại trưởng Laurent Fabius và Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon vui mừng sau cuộc họp cuối cùng của COP21 ngày 12/12

Đêm 12/12 (theo giờ Việt Nam), hội nghị thượng đỉnh khí hậu thế giới COP 21 đã thông qua thỏa thuận lịch sử với sự thông qua của 195 quốc gia thành viên Công ước khung của LHQ và nhiều điều khoản cam kết mạnh mẽ.

Thỏa thuận đạt được sau những ngày đàm phán căng thẳng nhất từ trước đến nay, trong đó có 3 đêm cuối các đoàn đàm phán hầu như thức trắng đêm để đàm phán.

Theo tin tức trên VOV, thỏa thuận Paris có thể coi là một bản thỏa thuận lịch sử. Lịch sử ở chỗ đây là thỏa thuận toàn cầu đầu tiên về biến đổi khí hậu được sự thông qua của 195 quốc gia thành viên Công ước khung của Liên Hợp Quốc về khí hậu. Kết thúc sự tranh cãi kéo dài nhiều năm giữa các nước giàu và nước nghèo trong việc thực hiện chiến dịch hàng nghìn tỷ USD nhằm đối phó với tình trạng nóng lên toàn cầu và tác động của biến đổi khí hậu.

COP 21 lịch sử là bởi sau nhiều thất bại của các hội nghị COP, thì lần này một thỏa thuận đã ra đời tại Paris ở vào thời điểm được coi là “không thể chậm hơn”.

Năm 2015 được dự báo là năm nóng kỷ lục. Lãnh đạo thế giới và các nhà khoa học cho biết, thỏa thuận nhằm khống chế nhiệt độ tăng cao và ngăn ngừa những thiệt hại tồi tệ nhất do biến đổi khí hậu gây ra.

Nếu không hành động khẩn cấp, nhân loại sẽ phải đối mặt với tình trạng hạn hán ngày càng nghiêm trọng, bão, lũ lụt và nước biển dâng sẽ nhấn chìm các đảo, vùng ven biển, nơi hàng trăm triệu người đang sinh sống, theo Zing news.

Và lịch sử ở chính những điều khoản mạnh mẽ và cam kết ràng buộc trong thỏa thuận.

Thoả thuận đặt ra mục tiêu duy trì tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời kỳ Cách mạng công nghiệp, thậm chí chỉ là 1,5 độ C vào năm 2030.

Để đạt mục tiêu trên, các quốc gia phải chuyển đổi sang các nguồn sạch hơn như năng lượng mặt trời và gió và nâng cao hiệu suất năng lượng. Một số nước cũng đẩy mạnh việc theo đuổi năng lượng hạt nhân, không tạo ra khí thải nhà kính. Đáng chú ý là COP 21 đã ít nhiều có tính ràng buộc pháp lý, với việc đưa ra cơ chế đánh giá 5 năm/lần, bắt đầu từ năm 2025.

Về trách nhiệm đóng góp thì các nước phương Bắc giàu có vẫn phải gánh trách nhiệm đi đầu. Việc gây quỹ 100 tỷ euro/năm cho đến năm 2020 (dù không được ghi trong phần ràng buộc pháp lý) tiếp tục được thoả thuận khẳng định lại. Nhưng quan trọng là thỏa thuận Paris xem con số 100 tỷ USD này không đủ và đang kêu gọi tăng thêm. Đến năm 2025 sẽ lại đưa ra được một con số cụ thể khác về đóng góp tài chính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.