Xã hội

Cột mốc, cọc dấu biên giới Việt Nam-Lào tăng 4,5 lần trong 8 năm

17/03/2016, 06:31

Trong 8 năm thực hiện, đường biên giới quốc gia giữa 2 nước dài 2.340km được bổ sung và cắm mới 1.002 cột mốc.

Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký hai văn kiện
Hai Thủ tướng chứng kiến lễ ký hai văn kiện

Ngày 16/3 tại Hà Nội, Lễ tổng kết cấp Nhà nước việc hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam - Lào được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Thongsinh Thammavong cùng đại diện các bộ, ngành T.Ư và các tỉnh có chung đường biên giới của hai nước.

Tại đây, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban liên hợp cắm mốc biên giới Việt Nam - Lào cho biết, trong 8 năm thực hiện, đường biên giới quốc gia giữa 2 nước dài 2.340km đã được bổ sung và cắm mới 1.002 cột mốc và cọc dấu, tăng gấp 4,5 lần so với trước đây (trước khi có dự án, toàn bộ đường biên giới giữa hai nước chỉ có 199 cột mốc, quá thưa).

“Với hệ thống mốc giới khang trang hiện đại, mật độ tương đối dày (2,6km/mốc), chúng ta có đường biên giới rõ ràng, dễ nhận biết, quản lý, tạo cơ sở thuận lợi để quản lý biên giới, tạo điều kiện hòa bình ổn định, giao lưu hợp tác giữa hai nước”, Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn cho hay.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong đều đánh giá dự án tăng dày, tôn tạo mốc quốc giới đã đạt được thành quả xuất sắc, thể hiện rõ nỗ lực, tin tưởng hiểu biết lẫn nhau ở mức cao của hai nước cùng nhau xây dựng biên giới, thành biên giới hòa bình hữu nghị, hợp tác bền vững, xây dựng biên giới rõ ràng chính xác, tôn tạo mốc giới khang trang lâu bền.

Trước lễ tổng kết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có cuộc gặp làm việc với Thủ tướng Lào Thongsinh Thammavong. Hai bên nhất trí đẩy mạnh phối hợp, hợp tác trong quá trình Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2016; góp phần làm sâu sắc hơn tiến trình hợp tác, liên kết của Cộng đồng ASEAN; tăng cường thống nhất, đoàn kết trong ASEAN, phát huy vai trò trung tâm và tiếng nói chung của ASEAN trong các vấn đề chiến lược của khu vực, trong đó có vấn đề biển Đông.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.