Xã hội

Covid-19 ngày 18/2: Thông báo khẩn tìm người đến 26 địa điểm ở Hải Dương

18/02/2021, 22:27

Tình hình dịch Covid-19 ngày 18/2: BCĐ phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hải Dương thông báo khẩn với những người đã đến 26 địa điểm dưới đây.

Chiều 18/2, liên quan đến một ca dương tính với Covid-19 mới trong tỉnh, qua quá trình truy vết, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 thành phố Hải Dương thông báo và đề nghị những người đã đến 26 địa điểm dưới đây cần liên hệ và khai báo y tế khẩn cấp:

1. Phòng giao dịch Ngân hàng Vietcombank, số 609 đường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương từ ngày 1/2 đến 9/2.

2. Văn phòng công chứng Thành Đông, số 38 Trần Bình Trọng, phường Trần Phú, thành phố Hải Dương các buổi chiều từ ngày 1/2 đến 3/2.

3. Cửa hàng tạp hóa Long Xoan, chợ Kho Đỏ, phường Nguyễn Trãi, thành phố Hải Dương sáng ngày 6/2.

4. Đình Hàn Giang, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương chiều ngày 6/2.

5. Văn phòng Ecopark, đường Trần Hưng Đạo, thành phố Hải Dương chiều ngày 9/2.

6. Salon tóc Thủy Bé, phố Hai Bà Trưng, phường Quang Trung, thành phố Hải Dương chiều ngày 10/2.

7. Chùa Tre, khu Tứ Thông, phường Tứ Minh sáng ngày 13/2.

8. Ngân hàng Techcombank, đường Lê Thanh Nghị, thành phố Hải Dương khoảng 14h15 đến 15h30 ngày 5/2.

9. Cây ATM Ngân hàng Techcombank, phố Phạm Ngũ Lão, thành phố Hải Dương khoảng 18h ngày 5/2.

10. Siêu thị Intimex, đường Nguyễn Lương Bằng, thành phố Hải Dương các khung giờ: từ 14h đến 15h30 ngày 5/2 và từ 9h đến 10h30 ngày 6/2.

11. Phòng tập yoga, Nhà văn hóa Liên đoàn Lao động tỉnh, đường Ngô Quyền, thành phố Hải Dương từ ngày 21/1 đến 31/1.

12. Chợ Hải Tân, thành phố Hải Dương từ ngày 21/1 đến 8/2.

13. Hiệu thuốc Phúc Nga, phố Xuân Đài, thành phố Hải Dương chiều ngày 3/2.

14. Hiệu thuốc Nga Oánh, phố Lý Thường Kiệt, thành phố Hải Dương tối ngày 8/2.

15. Sân tennis của Ban quản lý dự án các khu công nghiệp, đường Thanh Niên từ ngày 21/1 đến 10/2.

16. Cửa hàng cây cảnh Bách Thảo Viên (gần Công ty SHIN BVT), phường Thạch Khôi, thành phố Hải Dương chiều ngày 30/1.

17. Phòng giao dịch Hải Tân - Ngân hàng BIDV, thành phố Hải Dương sáng ngày 5/2.

18. Cửa hàng rửa xe anh Thanh (cạnh đường sắt), đường Ngô Quyền, thành phố Hải Dương sáng ngày 10/2.

19. Cửa hàng loa đài Đào Minh Quang, số 93A đường Nguyễn Lương Bằng, thành phố Hải Dương sáng ngày 4/2.

20. Cửa hàng Trường Tuyến, đường Trường Chinh, thành phố Hải Dương sáng ngày 6/2.

21. Hiệu cắt tóc Thành Khuyên, đường Vũ Hựu, phường Thanh Bình, thành phố Hải Dương từ 9h đến 11h ngày 6/2.

22. Phòng khám đa khoa Thanh Bình, đường Trường Chinh, thành phố Hải Dương từ 8h30 đến 9h ngày 7/2.

23. Cửa hàng tạp hóa chú Đàm, khu 8, phường Hải Tân, thành phố Hải Dương chiều tối ngày 3/2.

24. Cửa hàng Oanh (đối diện tòa nhà Mandala Wyndham), phường Hải Tân, thành phố Hải Dương ngày 5/2.

25. Chợ cóc thuộc khu 8 phường Hải Tân, thành phố Hải Dương khoảng 16h30 ngày 6/2.

26. Khu vực bán rau quả giữa chợ Phú Yên, đường Tôn Đức Thắng, thành phố Hải Dương sáng ngày 9/2.

Thứ trưởng Y tế đề xuất tăng thời gian giãn cách ở Hải Dương

Theo đó, những trường hợp đến các địa điểm trên cần khai báo với UBND xã, phường hoặc trạm y tế xã, phường gần nhất hoặc thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố (Đ/c Nguyễn Văn Doanh, SĐT 0986.754.132) để được hỗ trợ và lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc.

Ngày 18/2, Đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại thành phố Chí Linh và huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đề xuất với UBND tỉnh về việc tăng thời gian giãn cách xã hội trên toàn tỉnh Hải Dương. Đồng thời, sớm có phương án đảm bảo an toàn cho công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp khi tái sản xuất tại TP. Chí Linh, Hải Dương, thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế trên địa bàn.

Qua kiểm tra các bệnh viện dã chiến số 1, số 2 và số 3, các điểm nóng, các khu cách ly tại tỉnh Hải Dương, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đánh giá cao nỗ lực của tỉnh nói chung và TP. Chí Linh, huyện Cẩm Giàng nói riêng.

Theo ông Sơn, việc quyết định phong toả toàn bộ TP. Chí Linh và cách ly 2.340 công nhân của Công ty TNHH Điện tử Poyun Việt Nam là quyết định đúng đắn, kịp thời mà Bộ Y tế đánh giá rất cao.

Các lực lượng hoàn thành bước đầu nhiệm vụ của mình. Dịch bệnh Covid-19 ở Hải Dương dù phát sinh một số ca mới tại các khu cách ly nhưng cơ bản đã được kiểm soát.

“Dù dịch phát hiện trong hoàn cảnh bị động nhưng Hải Dương đã huy động nguồn lực nhanh chóng, nỗ lực và quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch. Việc xây dựng cơ sở cách ly tập trung thần tốc và giao trách nhiệm cho lực lượng quân đội là đúng đắn”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thứ trưởng Y tế đề xuất Hải Dương tăng thời gian giãn cách xã hộiThứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn tại buổi làm việc với huyện Cẩm Giàng, Hải DươngPhát biểu tại buổi làm việc, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư tỉnh Hải Dương cho biết, đến nay, đã 23 ngày kể từ khi Hải Dương ghi nhận ca mắc Covid-19 cộng đồng đầu tiên và 3 ngày thực hiện giãn cách xã hội.

Tính đến 13h chiều nay, Hải Dương đã thực hiện lấy mẫu cho 146.337 trường hợp. Phương án xét nghiệm trên diện rộng tại các địa bàn sẽ được UBND tỉnh Hải Dương xem xét thực hiện.

Thêm 18 ca mắc mới chiều 18/2 đều ở ổ dịch Hải Dương

Theo Bộ Y tế, tính đến 18h ngày 18/2, Việt Nam có tổng cộng 1448 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó 755 ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay.

Tính từ 6h đến 18h ngày 18/2, thêm 18 ca mắc mới (BN2330-2347) ghi nhận trong nước tại Hải Dương. Cụ thể:

BN2330-2347: trong đó 15 ca là F1, được cách ly trước đó; 1 ca trong khu vực phong toả; 1 ca phát hiện qua giám sát ho, sốt trong cộng đồng; 1 ca phát hiện qua giám sát, khám sàng lọc tại Trung tâm Y tế.

Công tác điều tra dịch tễ đang được tiếp tục. Hiện có 2 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chí Linh; 1 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hải Dương và 15 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 144.071.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, hôm nay có 25 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày hôm nay, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cũng đã làm việc với Hải Dương. Thứ trưởng Bộ Y đã đề xuất với UBND tỉnh về việc tăng thời gian giãn cách xã hội với địa bàn toàn bộ tỉnh Hải Dương.

Đồng thời, sớm có phương án đảm bảo an toàn cho công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp khi nối lại sản xuất tại TP. Chí Linh, Hải Dương nhằm đảm bảo mục tiêu kép, vừa chống dịch và đảm bảo phát triển kinh tế.

Tính đến 13h chiều nay, Hải Dương đã được thực hiện lấy mẫu cho 146.337 trường hợp. Phương án xét nghiệm trên diện rộng tại các địa bàn sẽ được UBND tỉnh Hải Dương xem xét thực hiện.

Hà Nội cách ly toàn bộ người về từ Hải Dương

Ngày 18/2, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành Thông báo số 10/TB-BCĐ về Kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 TP Hà Nội (BCĐ TP) về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, TP Hà Nội (tại phiên họp số 91).

BCĐ TP nhận định trước tình hình tiếp tục có người mắc, đặc biệt trên địa bàn TP xuất hiện ca bệnh phức tạp, tạm thời chưa xác định được nguồn gốc lây bệnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao, TP nâng mức ứng phó để khống chế dịch bệnh lây lan.

UBND TP yêu cầu rà soát, thông báo toàn bộ các trường hợp về từ Hải Dương (thời điểm từ 0h ngày 2/2) và các ổ dịch tại các tỉnh, thành phố khác (trong thời gian 14 ngày qua). Lập tức thực hiện việc tự cách ly y tế tại nhà, thời gian tính từ khi rời ổ dịch đến khi đủ 14 ngày (nếu qua 14 ngày thì tự cách ly đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính). Chủ động liên hệ với cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm.

Riêng đối với những người về từ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương thì UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định cách ly tại nhà (thời gian đủ 14 ngày kể từ khi rời ổ dịch, nếu qua 14 ngày thì tự cách ly đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính), lấy mẫu xét nghiệm.

TP đề nghị chính quyền địa phương giám sát chặt chẽ việc cách ly y tế tại nhà đảm bảo đúng quy định.

Người từ tỉnh nào về TP.HCM sau Tết phải cách ly?

Chiều 18/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cập nhật hướng dẫn giám sát người từ vùng dịch Covid-19 đến thành phố sau Tết Nguyên đán.

Theo đó, TP.HCM cách ly tập trung người từng đến huyện Yên Mỹ và Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, từ 10/2 đến nay. Thành phố cũng cách ly tập trung, xét nghiệm tất cả người Hải Dương đến TP.HCM từ 3/2 đến nay.

Với người từ Quảng Ninh, thành phố sẽ cách ly tập trung người ở Tổ 1, khu 6, phường Hồng Hà, TP Hạ Long và các xã Thủy An, An Sinh, Bình Dương, Nguyễn Huệ, thuộc thị xã Đông Triều, đến TP.HCM từ 3/2.

Những địa phương này đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Người cách ly tập trung sẽ xét nghiệm bốn lần vào ngày thứ 1, 5, 10 và 14 trong thời gian cách ly.

TP.HCM tiếp tục cách ly tập trung trường hợp tiếp xúc gần bệnh nhân Covid-19. Người từng đến/về từ các ổ dịch đang hoạt động (không phải là tiếp xúc gần) hoặc đi qua địa điểm Bộ Y tế thông báo (không trong vùng giãn cách xã hội), phải cách ly tại nhà 14 ngày từ ngày rời các địa điểm này.

Thành phố cũng sẽ xét nghiệm giám sát một lần và xét nghiệm nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ trong thời gian cách ly.

Người từng đến/về từ các địa phương, ổ dịch hoạt động, các địa điểm Bộ Y tế thông báo nhưng khi khai báo đã hơn 14 ngày, phải tự theo dõi sức khỏe, xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ.

Những người từng đến huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, từ 15/1 đến 2/2, phải tự theo dõi sức khỏe, xét nghiệm Covid-19 với cá nhân và người nhà khi khai báo y tế.

Theo HCDC nhận định, sau Tết Nguyên đán, thành phố sẽ tiếp nhận rất nhiều người từ các tỉnh, thành trong cả nước đến để tiếp tục làm việc, học tập, nên không tránh khỏi nguy cơ dịch bệnh xâm nhập. Kế hoạch giám sát người từ vùng có Covid-19 đến TP.HCM nhằm chủ động kiểm soát nguy cơ dịch bệnh xâm nhập, hướng đến mục tiêu kép "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

Đến sáng 18/2, HCDC đã tiếp nhận 3.528 khai báo y tế của người về từ vùng dịch, trong đó cách ly tập trung 155 người, 7 người cách ly tại nhà, còn lại tự theo dõi sức khỏe.

68 bệnh nhân Covid-19 tại Chí Linh tổn thương phổi

Bác sĩ Vũ Minh Điền, Phó giám đốc Trung tâm phòng chống dịch, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, chuyên gia hỗ trợ Bệnh viện dã chiến số 1 tại Hải Dương cho biết, cơ sở y tế này đang điều trị cho tổng 286 bệnh nhân Covid-19. Đáng chú ý, 68 ca được phát hiện dấu hiệu tổn thương phổi ở mức độ khác nhau trên phim chụp CT với các nốt mờ, chủ yếu ở phía rìa và đáy hai thùy phổi.

Ngoài ra, 30 ca trong số này tổn thương khoảng 20-40% nhu mô phổi. Hai ca có biểu hiện khó thở đã được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) điều trị.

May mắn, sức khỏe tất cả bệnh nhân đều có tiến triển tốt, hình ảnh tổn thương phổi giảm dần. Hiện Bệnh viện dã chiến số 1 không có ca diễn biến nặng, phải thở oxy.

Khử khuẩn công ty ở Hải Dương có chuyên gia người Hàn Quốc đột tử

Trưa 18/2, đại diện lãnh đạo phường Cẩm Thượng, TP. Hải Dương xác nhận, một chuyên gia người Hàn Quốc được phát hiện đột tử tại Công ty PNG tại cụm công nghiệp trên địa bàn phường vào sáng cùng ngày.

Cụ thể, vào hồi 8h ngày 18/2, UBND phường Cẩm Thượng, TP.Hải Dương nhận được báo cáo của Chỉ huy Công an phường Cẩm Thượng về việc có một chuyên gia Công ty PNG chết đột tử trên tầng 2 nhà chuyên gia của công ty. Chuyên gia trên có tên là Lee Gwang Suk (SN 1951, quốc tịch Hàn Quốc).

Đại diện lãnh đạo công ty cho biết, vào hồi 7h45 cùng ngày, chị Quách Thị Hồng Hạnh (SN 1984, thường trú tại khu 18 phường Ngọc Châu, TP.Hải Dương; nhân viên vệ sinh của công ty) đến làm việc và phát hiện ông Lee Gwang Suk nằm bất động trên tầng 2 nên chị Hạnh đã báo cáo lãnh đạo công ty và gọi điện báo Trung tâm cấp cứu 115.

Khi nhân viên cấp cứu 115 đến, xác định ông Lee Gwang Suk đã tử vong.

Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương đã tới hiện trường tiến hành phun khử khuẩn, điều tra dịch tễ. Cùng với đó, các đơn vị nghiệp vụ công an đang tiến hành điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Lee Gwang Suk.

Kết quả xét nghiệm 1.555 nhân viên bốc xếp hành lý sân bay Tân Sơn Nhất

Sáng 18/2, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông báo kết quả xét nghiệm lần 3 của 1.555 nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất (Công ty VIAGS).

Theo HCDC, TP.HCM thực hiện xét nghiệm giám sát lần 3 cho toàn bộ nhân viên công ty VIAGS, đã lấy mẫu 1.555 trường hợp, trong đó 1.030 âm tính, 525 đang chờ kết quả.

Tính đến 18/2, TP.HCM ghi nhận 34 ca mắc COVID-19 mới liên quan nhân viên bốc xếp, giám sát hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hiện ổ dịch tại sân bay đã được kiểm soát.

Để đảm bảo an toàn cho toàn bộ hành khách đi và đến sân bay, TP.HCM xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ nhân viên trước 24 giờ làm việc hàng ngày, nhân viên có kết quả xét nghiệm âm tính mới vào nhận ca làm.

TP.HCM cũng triển khai kế hoạch giám sát người từ vùng dịch trong nước đến TP.HCM sau Tết Nguyên đán. Tiếp nhận khai báo y tế, lấy mẫu ngẫu nhiên người từ các tỉnh thành khác về thành phố tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế.

Đến sáng 18/2, TP.HCM đã ghi nhận tổng cộng 210 trường hợp mắc COVID-19, trong đó 165 trường hợp đã điều trị khỏi bệnh, 45 trường hợp đang điều trị. 2.306 người đang được cách ly tại các điểm cách ly tập trung, 1.605 người đang được cách ly tại nhà/nơi lưu trú.

Người đàn ông tiếp xúc với 2 bệnh nhân ở Nam Sách dương tính với SARS-CoV-2

Báo Dân trí dẫn trao đổi với ông Lê Quang Thụ - Chủ tịch huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết, vào cuối giờ chiều ngày hôm qua (17/2), Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Nam sáng ghi nhận thêm 1 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.

Đó là anh T.H.T. (41 tuổi, ở thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, anh T. làm nghề thợ xây). Anh T. đã được cách ly tập trung từ ngày 1/2.

Trước đó, ngày 24/1 anh T. tiếp xúc với bệnh nhân 1732 và ngày 10/2 tiếp xúc với bệnh nhân 2080.

Trước khi cách ly, anh T. có đi xây tại trạm bơm ở xã Thanh Hải (Thanh Hà) tiếp xúc với 5 người và trở về nhà tiếp xúc với người trong gia đình. Từ ngày 25-28/1, anh T. đi làm bình thường. Ngày 30/1, anh khai báo y tế, tự cách ly tại nhà không tiếp xúc với ai khi nhận được thông tin công bố bệnh nhân 1732.Ngày 1/2, anh T. được đưa đi cách ly tập trung.

Ngày 7/2, anh T. có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

"Từ đầu đợt dịch đến nay, huyện Nam Sách có 30 ca dương tính với SARS-CoV-2 , trong đó riêng ổ dịch xã Nam Tân có 28 ca, Đồng Lạc và An Lâm mỗi địa phương 1 ca", ông Thụ nói.

Hai bệnh nhân diễn biến rất nặng

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết sáng 18/2, trong số gần 690 bệnh nhân đang điều trị có 9 người tiến triển nặng lên, 2 bệnh nhân rất nguy kịch, phải chạy tim phổi ngoài cơ thể (ECMO).

Hai bệnh nhân rất nặng gồm nữ bệnh nhân 1536, 79 tuổi, từ Mỹ về nước ngày 15-1. Bệnh nhân diễn biến bệnh nặng nhanh, có tiền sử mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, đã hội chẩn quốc gia 4 lần, hiện đang ở ngày điều trị tích cực thứ 16 bao gồm ECMO, thở máy. Bệnh nhân hiện suy kiệt, phù toàn thân, phổi hai bên đông đặc...

Bệnh nhân nặng thứ 2 là ca bệnh 1823 (65 tuổi) ở Chiến Thắng, Mê Linh, Hà Nội, vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương ngày 2-2, hiện đang diễn biến nặng phải chạy ECMO ngày thứ 4, thở máy, bị phù nhiều, run cơ...

Ngoài ra còn 9 người khác diễn biến nặng lên, trong đó có 2 trường hợp còn trẻ (29 và 38 tuổi), 1 người 45 tuổi, còn lại đều trên 60 tuổi.

Trong số gần 690 bệnh nhân đang điều trị có 625 ca có tiến triển tốt lên hoặc đang duy trì được thể trạng, hiệu quả điều trị tốt.

Thêm một thợ xây dương tính SARS-CoV-2 ở Hải Dương

Một thợ xây ở huyện Nam Sách (Hải Dương) là F1 của BN1732, được xác định dương tính với SARS-CoV-2.Chiều 18/2, trả lời PV VTC News, ông Lê Quang Thụ - Chủ tịch UBND huyện Nam Sách (Hải Dương) cho biết, tại địa phương ghi nhận một trường hợp dương tính SARS-CoV-2 sau khi xét nghiệm lần 2.

Bệnh nhân được xác định là anh T.Q.T (41 tuổi, thôn Quảng Tân, xã Nam Tân, Nam Sách) làm nghề thợ xây. Ngày 24/1, anh T. tham dự đám cưới và tiếp xúc BN1732. Sau đó, anh T. tiếp tục đi xây.

Sau khi phát hiện BN1732 mắc COVID-19, ngay trong ngày 1/2, cơ quan chức năng, cơ quan chuyên môn đưa anh T. đi cách ly tập trung tại trường THPT Nam Sách. Ngày 2/2, anh T. được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính virus SARS-CoV-2. Ngày 15/2, anh T. được lấy mẫu xét nghiệm lần 2 và nghi dương tính SARS-CoV-2. Ngày 17/2, kết quả xét nghiệm khẳng định anh T. dương tính SARS-CoV-2.

Tính tới thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Hải Dương có 558 ca mắc COVID-19. Địa phương cũng ghi nhận 5 ổ dịch lớn là TP Chí Linh, huyện Cẩm Giàng, thị xã Kinh Môn, huyện Nam Sách và ổ dịch mới tại TP Hải Dương. Trong đó, huyện Nam Sách có 30 ca dương tính với SARS-CoV-2, riêng ổ dịch xã Nam Tân có 28 ca, Đồng Lạc và An Lâm mỗi địa phương 1 ca.

7 ngày gần nhất, Nam Sách có 15 ca mắc (ngày 13/2 xét nghiệm có 4 ca dương tính thuộc khu vực phong tỏa). Tổng số F1 là 562 người, đã được xét nghiệm 100%. Ổ dịch Nam Sách cơ bản được khoanh vùng.

Xác định được nguồn lây chùm ca bệnh Covid-19 phức tạp tại TP Hải Dương

Sáng 18/2, Bí thư Thành ủy Hải Dương Lê Đình Long cho biết: Lực lượng truy vết đã tìm ra nguồn lây chùm ca bệnh phức tạp tại gia đình 4 người của BN 2278 (SN 1969, trú tại 15 Trần Sùng Dĩnh, phường Hải Tân).

Theo đó, BN 2278 bị lây Covid-19 từ nhân viên tẩm quất người mù là chị Phạm Thị H., tức BN 1734 đã được công bố. BN 1734 lại lây bệnh từ em chồng, là công nhân Công ty Poyun (Chí Linh).

Từ BN 2278 nhiễm Covid-19, chồng, con và bà giúp việc của gia đình bệnh nhân này đã thành F1. Ít ngày sau, 3 trường hợp F1 này chuyển thành F0.

Hai nhân viên sân bay Vân Đồn mắc COVID-19 đã khỏi bệnh

Báo Sức khỏe và Đời sống đưa tin, sáng 18/2, Bệnh viện Số 2 Quảng Ninh tổ chức công bố 3 bệnh nhân BN1573, BN1566 và BN1951 khỏi bệnh.Những bệnh nhân này đã có xét nghiệm âm tính trên ba lần với SARS-CoV-2.

Trường hợp bệnh nhân 1573 và 1566 - đây là 2 bệnh nhân làm việc tại Sân bay Vân Đồn nhập viện ngày 28/1/2021, đã có kết quả xét nghiệm Covid-19 3 lần liên tiếp âm tính.

TP.HCM cách ly 155 người đến từ vùng dịch sau Tết

Sáng 18/2, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết trong 3 ngày, ngành y tế ghi nhận tổng cộng 3.528 trường hợp khai báo y tế sau khi trở về từ các tỉnh, thành phố khác.

Thành phố đã xác định nhiều trường hợp có yếu tố dịch tễ nguy cơ cao và chuyển cách ly tập trung 155 trường hợp. 7 người thuộc diện cách ly tại nhà, 3.366 người tự theo dõi sức khỏe. 3.464 trường hợp tại sân bay, nhà ga, bế xe cũng được lấy mẫu thử tầm soát ngẫu nhiên, trong đó 3.266 người cho xét nghiệm âm tính, 198 mẫu thử đang chờ kết quả.

Bên cạnh đó, từ 17/2, thành phố bắt đầu mở rộng lấy mẫu giám sát ngẫu nhiên tại các bến xe, bến tàu.

Sáng 18/2, không có ca mới

Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 cho biết, sáng 18/2, không ghi nhận ca mắc COVID-19. Việt Nam đã chữa khỏi 1.580 bệnh nhân, đồng thời 104 bệnh nhân đang điều trị đã âm tính với SARS-CoV-2

Tính đến 6h ngày 18/2: Việt Nam có tổng cộng 1.430 ca mắc COVID-19 do lây nhiễm trong nước, trong đó số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/1 đến nay: 737 ca.

Tính từ 18h ngày 17/2 đến 6h ngày 18/2: 0 ca mắc mới.

Cách ly tập trung tại bệnh viện: 577

Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 14.325

Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 129.169.

img

TP Hải Dương đề nghị người dân không ra khỏi nhà. (Ảnh: Báo Công lý)

Tính từ 6h ngày 17/2 đến 6h ngày 18/2: 18 ca mắc mới.

18 ca mắc mới (BN2312-2329) là các ca ghi nhận trong nước tại Hải Dương.

Cụ thể: Ca bệnh 2312-2329 (BN2312-BN2329): là F1, đã được cách ly tập trung trước đó. Trong đó có 7 ca liên quan ổ dịch huyện Cẩm Giàng;

2 ca liên quan ổ dịch phường Thanh Bình, Thành phố Hải Dương và 9 ca liên quan ổ dịch thành phố Chí Linh.

Hiện có 9 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Chí Linh và 9 bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 2 Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

2 thanh niên trốn khỏi vùng cách ly y tế ở Hải Dương bị phạt 20 triệu

Cơ quan chức năng ở tỉnh Yên Bái vừa xử phạt 2 trường hợp không chấp hành khai báo Y tế, mỗi trường hợp 10 triệu đồng.

Cụ thể, 2 trường hợp là anh T.Đ.Đ (SN 1986) và anh Đ.X.B (1987) đều trú tại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái có hành vi trốn tránh biện pháp cách ly từ thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương về xã Quy Mông.

Theo Quyết định xử phạt hành chính của UBND huyện Trấn Yên thì 2 trường hợp trên đã trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly y tế theo Quyết định 370/QĐ-BCĐ ngày 2/02/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương về việc: Thiết lập vùng cách ly y tế tại thành phố Chí Linh tỉnh Hải Dương để phòng, chống dịch Covid-19.

Hai người này đã thuê xe taxi về xã Quy Mông ngày 13/2 (mùng 3 Tết), khi đến nút giao IC 12 thì bị phát hiện.

Sau đó, ngày 15/2, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên đã ra Quyết định xử phạt hành chính 10 triệu đồng cho một trường hợp và buộc cách ly 14 ngày tại nhà.

Đồng thời, yêu cầu 2 trường hợp vi phạm cam kết sẽ thực hiện đúng các quy định về cách ly y tế trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Nguồn lây Covid-19 của người Nhật tử vong ít có khả năng ở Hà Nội

Chiều 17/2, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 TP Hà Nội theo hình thức trực tuyến, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã báo cáo những thông tin mới về chùm ca bệnh Covid-19 tại Công ty TNHH Mitsui Việt Nam, trong đó đáng chú ý là bệnh nhân số 2.229 (người Nhật Bản, đã tử vong).

Đây là ca bệnh đang được người dân trên địa bàn TP Hà Nội rất quan tâm bởi chưa có thông tin xác định về nguồn lây.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền đã điểm lại các mốc thời gian đáng chú ý của bệnh nhân số 2.229 trước khi tử vong tại Khách sạn Somerset West Point (quận Tây Hồ).

Theo đó, chiều 1/2/2021, bệnh nhân bay ra Hà Nội. Đến ngày 13/2/2021, bệnh nhân đột tử tại khách sạn. Sau đó, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2.

Cơ quan chức năng của thành phố xác minh có 6 trường hợp F1 liên quan đến ca bệnh này, trong đó có 2 trường hợp có kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2, gồm một chuyên gia người Nhật Bản (bệnh nhân số 2.240) và một nữ nhân viên văn phòng Chi nhánh Công ty TNHH Mitsui Việt Nam (bệnh nhân số 2.234).

Theo ông Nguyễn Khắc Hiền, kết quả xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 của 3 trường hợp mắc Covid-19 này cho thấy: Bệnh nhân số 2.229 có nồng độ vi rút cao nhất; tiếp đến là nồng độ vi rút của bệnh nhân số 2.234, thứ ba là bệnh nhân số 2.240. Từ kết quả này, ông Nguyễn Khắc Hiền nhận định: Bệnh nhân số 2.229 đã lây bệnh sang hai trường hợp còn lại.

Qua rà soát cũng cho thấy, 3 bệnh nhân chỉ tiếp xúc với nhau vào ngày 2/2/2021 nên theo logic bệnh lý, rất ít có khả năng bệnh nhân số 2.229 lây ở Hà Nội vào ngày 1/2/2021 rồi tiếp tục lây sang 2 người còn lại.

Ông Nguyễn Khắc Hiền cũng phân tích thêm, có một nhân viên của Công ty TNHH Mitsui Việt Nam đã từng đến Chí Linh (Hải Dương) song kết quả xét nghiệm cho thấy trường hợp này không có cả kháng nguyên lẫn kháng thể nên trường hợp này không thể là nguồn lây cho bệnh nhân số 2.229.

Nguyên nhân tử vong của bệnh nhân số 2.229 vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ. Tuy nhiên, từ các kết quả xét nghiệm ban đầu, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, ít có khả năng bệnh nhân số 2.229 lây bệnh từ Hà Nội.

Hà Nội xét nghiệm toàn bộ người về từ Hải Dương

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Hà Nội đã đưa ra quyết định trên chiều 17/2.

Theo đó, tất cả người về từ Hải Dương từ ngày 2 đến 16/2 sẽ được ngành y tế Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 và giám sát sức khỏe tại nhà.

Thành phố cũng lập danh sách và lấy mẫu xét nghiệm với những người về từ các ổ dịch khác (chưa qua 14 ngày).

Các đơn vị liên quan sẽ rà soát, thống kê toàn bộ trường hợp từ Hải Dương về trong thời gian trên, hoàn thành trong 3 ngày để lấy mẫu xét nghiệm.

Xét nghiệm diện rộng được xem là biện pháp quyết liệt hơn của Hà Nội trước bối cảnh Covid-19 của Hải Dương diễn biến phức tạp. Ngày 15/2, Hà Nội chỉ yêu cầu người đến từ Hải Dương khai báo y tế, tự cách ly tại nhà; chỉ trường hợp đến từ huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) mới phải lấy mẫu xét nghiệm, cách ly bắt buộc.

Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đến 14h ngày 17/2, thành phố ghi nhận 35 bệnh nhân Covid-19; rà soát được hơn 1.500 người trở về từ huyện Cẩm Giàng, đã lấy mẫu hơn 1.150 người, kết quả hơn 400 trường hợp âm tính, số còn lại chưa có kết quả.

Hà Nội: Phát hiện 4 trường hợp dương tính trong số người về từ vùng dịch

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, đến 12h trưa 17/2, Hà Nội đã rà soát lấy mẫu xét nghiệm người về từ Hải Dương, Quảng Ninh là 18.286/18.286 trường hợp. Trong đó, số người về từ TP Chí Linh (Hải Dương) là 17.391; huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) là 262; từ các khu vực ổ dịch tại Quảng Ninh là 633, báo Đại Đoàn Kết đưa tin.

Kết quả, phát hiện 4 trường hợp dương tính (là BN1694, BN1814, BN1815, BN1819), còn lại đều âm tính.

Hiện Hà Nội đã lấy 402 mẫu xét nghiệm cho người tại thôn Do Hạ, Tiền Phong, Mê Linh, kết quả tất cả đều âm tính.

Tại các địa điểm liên quan đến BN2229 và toà KS Sommerset WestPoint đã lấy 585 mẫu trong đó có 2 ca dương tính (BN2234, BN2240), còn lại 583 mẫu âm tính.

img

Hành khách đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi lưu thông trên tàu điện ngầm tại Stockholm, Thụy Điển. (Ảnh: THX/TTXVN)

Diễn biến liên quan, theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 18/2 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 110.394.774 ca, trong đó có 2.438.825 người thiệt mạng.

Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 85.286.987 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 22.668.962 ca và 96.42 7ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Mỹ vẫn là nước chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh với 28.444.785 ca nhiễm và 502.022 ca tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 10.949.546 ca nhiễm và 156.038 ca tử vong; Brazil đứng thứ ba với 9.978.747 ca nhiễm và 242.090 ca tử vong.

Theo Bộ Y tế Slovakia, bất kỳ ai nhập cảnh vào nước này đều phải thực hiện tự cách ly 14 ngày ngay khi đến và một số cửa khẩu ít người qua lại sẽ được đóng cửa hoàn toàn.

Theo thống kê của hãng tin AFP, Slovakia đã ghi nhận trung bình 23 ca tử vong trên 100.000 người trong vòng 14 ngày qua, tỷ lệ tử vong do COVID-19 cao thứ 2 thế giới sau Bồ Đào Nha.

Còn tính kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát tại Slovakia, tỷ lệ tử vong do COVID-19 trung bình ở mức 111 ca/100.000 người, đứng thứ 16 trên thế giới và thứ 10 ở châu Âu.

Thụy Điển, quốc gia gồm 10,3 triệu dân, chịu tác động bởi dịch bệnh nặng nề hơn so với các quốc gia láng giềng khác trong khu vực.

Tính đến ngày 16/2, Thụy Điển ghi nhận tổng cộng 617.869 ca nhiễm, trong đó 12.487 ca tử vong.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.