Thời sự Quốc tế

Covid-19 "lan như cháy rừng", 1 tỉ liều vắc-xin G7 cam kết có đủ dập dịch?

12/06/2021, 16:55

Liệu 1 tỉ liều vắc-xin mà G7 cam kết hỗ trợ thế giới có giúp chấm dứt đại dịch Covid-19 vào năm 2022?

img

Các lãnh đạo G7 chụp ảnh kỷ niệm tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Cornwall, Vương quốc Anh

1 tỉ liều thuốc chủng và khả năng dỡ bỏ bản quyền vắc-xin

Trong 3 ngày (11-13/6) diễn ra Hội nghị thượng đỉnh các nền công nghiệp lớn nhất thế giới (G7) tại Cornwall, Anh, đại dịch Covid-19 là chủ đề quan trọng được bàn luận nhiều nhất.

Trong 6 phiên thảo luận chung, các lãnh đạo G7 có tới 3 phiên thảo luận liên quan đến việc khắc phục hậu quả đại dịch và phương án để ngăn chặn một thảm họa tương tự tiếp diễn. Các phiên thảo luận còn lại tập trung vào chính sách đối ngoại, khí hậu và tự nhiên,...

Ngay trước thềm hội nghị, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố, các nhà lãnh đạo của nhóm đã cam kết sẽ mở rộng sản xuất, chia sẻ với thế giới ít nhất 1 tỉ liều vắc-xin thông qua các cơ chế hiện có như Liên minh COVAX và viện trợ song phương.

Trong đó, riêng Vương quốc Anh sẽ hỗ trợ ít nhất 100 triệu liều, đứng thứ 2 trong nhóm G7 về mức độ đóng góp.

"Nhờ sự thành công của chương trình tiêm chủng, Anh đã có vắc-xin dư thừa và sẽ chia sẻ một số liều với những nước đang cần" - Thủ tướng Anh Johnson giải thích và khẳng định sẽ có khoảng 5 triệu liều sẽ được chuyển tới các nước trong vài tuần tới.

Lãnh đạo Anh khẳng định, đây là một trong các nỗ lực của G7 nhằm chấm dứt đại dịch vào năm 2022.

Cùng lúc, Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc-xin nhằm giúp các nước có thể tự sản xuất.

Vẫn chưa đủ

Song, theo nhiều chuyên gia và quan chức trên thế giới, 2 phương án trên vẫn chưa đủ.Tờ Telegraph dẫn lời Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cho rằng, việc bỏ sở hữu trí tuệ chỉ là 1 yếu tố.

Để giải quyết triệt để đại dịch Covid-19, các nước còn cần phải chia sẻ mọi phương diện cần thiết để có thể sản xuất vắc-xin với số lượng lớn.

Tất cả các nước phải cùng huy động tất cả năng lực hiện có hoặc có thể có trong việc chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin, từ đó ngăn chặn virus lây lan trên toàn cầu.

Trước những lo ngại việc bỏ bản quyền vắc-xin có thể khiến các công ty sản xuất thuốc miễn dịch thiệt hại, Tổng thư ký Guterres thông hiểu và cho rằng nên có cơ chế hỗ trợ các công ty này.

Ông đề nghị phải tính toán công bằng các giải pháp làm sao cho các công ty sản xuất vắc-xin vẫn có lợi nhuận hợp lý chính đáng đồng thời tăng gấp đôi cường độ sản xuất vắc-xin.

Ông đề xuất: "Các quốc gia có năng lực sản xuất vắc-xin hoặc có thể sản xuất vắc-xin nên sát cánh với nhau, tập hợp thành lực lượng chuyên trách khẩn cấp nhằm ứng phó với vấn đề dược phẩm, tạo nên thành công chung. Nếu không, nguy cơ sẽ mãi ở đó, ở đông đảo các nước đang phát triển, virus sẽ tiếp tục lây lan như cháy rừng".

Cách đây 2 ngày, một nhóm các chuyên gia độc lập của Liên Hiệp Quốc cũng viết thư ngỏ, kêu gọi các nước giàu không nên biến sở hữu trí tuệ thành trở ngại ngăn cản quyền tiếp cận vắc xin của các nước nghèo.

Với dân số toàn cầu gần 8 tỉ người, thế giới cần ít nhất 11 tỉ liều vắc-xin nữa mới đạt tham vọng tiêm chủng đầy đủ cho toàn dân.

Việt Nam được nhận hỗ trợ vắc-xin Covid-19 từ những nguồn nào?

Việt Nam đang nằm trong danh sách được trợ cấp vắc-xin từ cả Mỹ và qua cơ chế Tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa COVID-19 (COVAX)... Trong đó, Mỹ đã chi 3,5 tỉ USD mua 500 triệu liều vắc-xin từ hãng Pfizer để tặng cho 92 quốc gia nghèo và thu nhập thấp bao gồm cả Việt Nam.

Qua cơ chế COVAX, Việt Nam sẽ được nhận khoảng 30 triệu liều vắc-xin Covid-19 do AstraZeneca sản xuất trong năm 2021. Việt Nam là nước thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, sau Philippines và Campuchia, tiếp nhận vắc xin từ cơ chế này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.