Nhiều năm trước, thế giới đã xuất hiện những ý tưởng “thành phố 15 phút”, “khu dân cư 20 phút” hay “vòng tròn cộng đồng 15 phút” để đề cập về viễn cảnh xây dựng khu dân cư/ thành phố nhỏ gọn, đầy đủ tiện nghi, đặc biệt là đưa nơi làm việc về gần nhà để khỏi phải lo dậy sớm đi làm, tắc đường, chen lấn trên tàu điện, xe buýt…
Gần đây, ý tưởng này càng được quan tâm và khả thi hơn nhờ chất xúc tác - đại dịch Covid-19.
Nữ thị trưởng Paris đạp xe vận động cho sáng kiến “thành phố 15 phút”
Lợi ích từ “mô hình 15 phút”
Ý tưởng “thành phố nhỏ gọn” xuất hiện từ năm 2016 nhưng được biết đến nhiều hơn vào năm 2019 khi nữ Thị trưởng Paris (Pháp) Ann Hidalgo lấy đây làm một trong những nội dung chính cho chiến dịch tái tranh cử.
Bà Hidalgo mong muốn người dân Paris có thể thỏa mãn mọi nhu cầu từ văn hóa, giải trí, làm việc, khám chữa bệnh, mua sắm… trong phạm vi 15 phút đi bộ hoặc xe đạp và không còn ô tô, xe máy.
Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ buộc các tỉnh thành, bất kể quy mô lớn nhỏ, đều phải hạn chế giao thương, những ý tưởng như “thành phố 15 phút” có đà để đẩy mạnh.
Liên minh các lãnh đạo của 100 đô thị trên toàn cầu (C40 Citites) đã đưa chủ trương này lên Chương trình Nghị sự về hồi phục các thành phố hậu Covid-19, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển bền vững.
Họ thừa nhận, yếu tố cốt lõi để hồi phục, tránh thảm hoạ kinh tế đó là quay về phát triển củng cố sức mạnh bên trong thành phố.
Lợi ích đầu tiên của mô hình “thành phố 15 phút” chính là giảm tải về giao thông, hạ tầng cho các quận kinh doanh trung tâm (CBD) tại các thành phố lớn. Điển hình, quận trung tâm Manhattan của thành phố New York, Mỹ là một trong những CBD lớn nhất thế giới.
Năm 2019, nhà ga tàu điện ngầm tại Quảng trường Thời đại đã tiếp đón 65 triệu lượt khách. Nhưng khi bất đắc dĩ phải ứng dụng mô hình làm việc kết hợp giữa trực tiếp và từ xa trong năm 2020, tình trạng lao động dồn về CBD để làm việc đã giảm.
Ở từng địa phương, mỗi thành phố sẽ xây dựng đủ các tiện nghi và người lao động không còn phải đi làm xa, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Từ đó, những bài toán đô thị khó nhằn bấy lâu nay như tắc nghẽn, ô nhiễm được hóa giải.
Trong thời gian các thành phố trên thế giới phải giãn cách xã hội/giới nghiêm, người dân làm việc ở nhà, thế giới cũng chứng kiến tỷ lệ khí thải toàn cầu giảm mạnh 17% (tính từ tháng 4/2019 - 4/2020).
Mặt khác, vì có thể đáp ứng đủ mọi nhu cầu ngay trong khu dân cư và nội thành, mỗi địa phương sẽ chủ động hơn, có sẵn tiện nghi và dễ đối phó trong trường hợp lại tiếp diễn đại dịch toàn cầu như Covid-19.
Giảng viên Laetitia Mimoun, khoa Kinh doanh Đại học London, vốn là chuyên gia về lối sống linh hoạt còn cho rằng, mô hình này sẽ giúp tăng chất lượng sống tổng thể.
Giảm thời gian đi lại, con người sẽ có thêm thời gian để tận hưởng cuộc sống yên bình hơn. Đồng thời, khi người dân không còn chăm chăm dồn đến trung tâm, “vùng ngoại ô sẽ có thêm động lực để trẻ hóa và hồi sinh, trở thành những nơi hòa nhập và năng động”, bà Mimoun nói.
Chất xúc tác Covid-19
Minh họa mô hình “thành phố 15 phút”
Vấn đề là làm thế nào để viễn cảnh đó thành hiện thực? Một trong những yếu tố quan trọng nhất chính là phải chuyển đổi mô hình làm việc. Và dịch Covid-19 đã có vai trò lớn làm thay đổi cách con người suy nghĩ về việc làm.
Ban đầu, chúng ta phải làm việc ở nhà với tâm thế bị ép buộc nhưng tính đến tháng 12/2020, có 71% người Mỹ làm việc tại nhà - một điều tưởng chừng xa xỉ. Hơn nữa, có tới 54% người được hỏi khẳng định, muốn tiếp tục làm việc từ xa kể cả khi hết dịch.
Từ đây, đã có nhiều công ty như Amazon, Microsoft tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà thường xuyên hơn. “Hiện tại, tùy thuộc vào vị trí và công việc, bạn có thể làm việc ở bất cứ đâu trên thế giới. Đó là mặt tích cực vô tình mà dịch Covid-19 tạo ra”, giáo sư Hensher nhận định.
Tại Anh, dự báo số lượng các văn phòng sẽ giảm. Ví dụ, Công ty kiểm toán KPMG đã thông báo kế hoạch đóng cửa vĩnh viễn văn phòng tại Manchester, đối thủ Deloitte của họ cũng sắp đóng cửa 4 văn phòng…
Khi không bắt buộc phải tới cơ quan, người lao động có thể làm việc ở nhà hoặc chuyển đến không gian làm việc chung (coworking). Ở mô hình này, họ có thể thuê một chỗ làm việc với đầy đủ tiện ích như: Bếp ăn, máy in, dịch vụ lễ tân văn phòng, phòng họp… thay vì phải đi xa xôi tới văn phòng chính.
Xu hướng cho thuê không gian coworking đang nở rộ trên toàn cầu và được dự đoán tăng gấp đôi trong năm 2024.
Phát triển hạ tầng xanh
Vấn đề thứ 2 là hạ tầng, Giáo sư Hensher chỉ ra, mô hình thành phố 15 phút đòi hỏi chính quyền ở các khu vực ngoại thành phải ưu tiên hạ tầng dành cho xe đạp, người đi bộ thay vì đầu tư lớn vào các dự án hạ tầng đồ sộ.
Nhiều thành phố đã tận dụng thời gian giãn cách xã hội/phong tỏa để làm cú hích phát triển các dự án “hạ tầng không ô tô” phục vụ mục tiêu “thành phố nhỏ gọn”. Milan, Italy đã mở rộng thêm 35km làn đường cho xe đạp tại khu trung tâm và chuyển đổi một số con đường tới trường thành đường dành cho người đi bộ.
Thành phố Portland, bang Oregon (Mỹ), tăng tốc kế hoạch đảm bảo 90% người dân sống trong các khu dân cư có đầy đủ tiện nghi.
Tại thành phố Montreal, Australia, Thị trưởng Valérie Plante đã xây dựng 300km đường cho xe đạp và người đi bộ với mục đích không chỉ cho phép người dân đi lại an toàn hơn mà còn thúc đẩy kinh doanh nội khu.
Yếu tố cốt lõi nhất, quyết định thành công của các mô hình thành phố nhỏ gọn chính là tư duy quy hoạch đô thị. Nếu chính quyền đô thị không thể phối hợp và tạo ra các hạ tầng đa chức năng, linh hoạt để đáp ứng đủ nhu cầu (học hành, khám chữa bệnh, mua sắm, giải trí…) trong từng khu vực thì người dân vẫn sẽ theo lối mòn cũ đó là sống ở một nơi nhưng đổ về khu trung tâm làm việc, giải trí… mỗi ngày.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận