Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 18/7: Thêm 2.310 ca mới, hôm nay thành phố có 4.692 ca

18/07/2021, 20:10

Tin tức dịch Covid-19 ngày 18/7 tại TP.HCM: Tối nay Bộ Y tế công bố thêm 2.310 ca mới nâng tổng số ca nhiễm trong ngày lên 4.692 ca.

Theo công bố của Bộ Y tế tối 18/7, cả nước có 2.828 ca mắc mới (BN51003-53830), trong đó, TP. Hồ Chí Minh có 2.320 ca (10 ca nhập cảnh và 2.310 ca lây nhiễm trong nước). Theo đó, cả ngày hôm nay (18/7), TP.HCM có thêm 4.692 ca mắc.

Sáng hôm nay ngày 18/7, TP.HCM có 1.756 ca nhiễm Covid-19 mới

Thông tin diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM liên tục được cập nhật trên Báo Giao thông.

Thông tin mới nhất Covid-19 TP.HCM ngày 18/7

Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 19h30 ngày 18/7, cả nước có 2.828 ca mắc mới (BN51003-53830).

21 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại TP. Hồ Chí Minh (10), Quảng Nam (6), Hải Phòng (2), Thanh Hóa (1), Kiên Giang (1), Khánh Hòa (1).

2.807 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (2.310), Đồng Nai (72), Đồng Tháp (65), Bình Dương (64), Đà Nẵng (46), Long An (41), Phú Yên (39), Bình Thuận (37), Hà Nội (33), Khánh Hòa (31), Cần Thơ (14), Hưng Yên (13), Kiên Giang (9), Bình Phước (7), Nghệ An (5), Quảng Ngãi (4), Ninh Thuận (4), Bắc Ninh (3), Bình Định (2), Hà Nam (2), Lâm Đồng (1), Thừa Thiên Huế (1), Bắc Giang (1), Sóc Trăng (1), Đắk Lắk (1), Hải Phòng (1); trong đó 2.108 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong toả.

Như vậy, trong ngày 18/7, Việt Nam ghi nhận 5.926 ca mắc mới, trong đó có 5.887 ca ghi nhận trong nước. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh có 4692 ca.

Thành phố Thủ Đức phong tỏa 2 phường với 60.000 dân

Chiều 18/7, UBND TP Thủ Đức thông báo về việc phong tỏa phường Tăng Nhơn Phú B và Long Trường để tăng cường kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19. Thời gian phong tỏa từ 0h ngày 19/7 cho đến khi có thông báo mới.

img

TP Thủ Đức phong tỏa thêm 2 phường Tăng Nhơn Phú B và Long Trường

Phạm vi phong tỏa: phường Tăng Nhơn Phú B có 5 khu phố, 53 tổ dân phố, rộng 228 ha, với 12.508 hộ và 38.962 nhân khẩu. Phường Long Trường gồm 5 khu phố, 35 tổ dân phố, tổng diện tích 1.261 ha với 20.299 nhân khẩu.

UBND thành phố Thủ Đức yêu cầu trong thời gian cách ly, người dân không được rời khỏi khu vực phong tỏa, trừ nhân viên y tế, trường hợp công vụ hay các trường hợp khẩn cấp, cấp cứu, khám chữa bệnh. Người dân tại khu vực cách ly giữ khoảng cách giữa người với người, nhà với nhà.

Như vậy, từ ngày 6/7 đến 18/7, thành phố Thủ Đức đã phong tỏa 11 phường gồm: phường Tân Phú, Trường Thạnh, Bình Chiểu, Tăng Nhơn Phú A, Long Thạnh Mỹ, Linh Xuân, Hiệp Bình Phước, Linh Trung, Tam Bình và nay thêm 2 phường là Tăng Nhơn Phú B và Long Trường.

Qua 10 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, TP.HCM ghi nhận có 29.081 ca mắc Covid-19.

Nhiều người bị phạt vì... sang quận khác mua đồ

Sáng 18/7, Đội CSGT - TT Công an quận 1, TP.HCM đã tuần tra lưu động, kiểm soát, xử lý người vi phạm Chỉ thị 16 của Chính phủ trên địa bàn quận.

img

Thanh niên bị phạt vì chở bạn gái từ quận 7 sang quận 3 đi siêu thị.

Tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai, phường Bến Thành, quận 1, anh T. (28 tuổi, ngụ quận 7) chở theo bạn gái và bị tổ công tác mời vào chốt kiểm tra.

Tại đây, anh T. cho biết, nhà ở quận 7, sáng nay chở bạn gái đi từ quận 7 sang quận 3 để đi siêu thị, mua thực phẩm về dự trữ trong thời gian giãn cách xã hội.

CSGT cho rằng từ quận 7 sang quận 3 để mua hàng là không chính đáng, vì ở quận nào cũng có chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi bán hàng hóa.

Do đó, anh T. đã bị tổ công tác lập biên bản xử phạt 2 triệu đồng với lỗi vi phạm ra ngoài khi không thực sự cần thiết.

img

Chốt kiểm soát Covid-19 tại giao lộ Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Thị Minh Khai.

Tương tự, ông L. (40 tuổi) đi từ huyện Bình Chánh sang quận 1 để mua gạo, mì tôm cũng bị CSGT mời vào kiểm tra và bị xử phạt 2 triệu đồng.

Ngoài ra, một trường hợp khác cũng bị CSGT lập biên bản xử phạt vì ra ngoài không có lý do chính đáng.

Đại diện Đội CSGT – TT Công an quận 1 cũng cho biết, ngoài các điểm chốt kiểm soát người dân ra vào quận, đơn vị còn triển khai công tác tuần tra lưu động để kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm Chỉ thị 16.

img

CSGT kiểm tra app của tài xế xe ôm công nghệ

Tại các chốt kiểm soát, đơn vị đã phát hiện lập biên bản 2 trường hợp sử dụng giấy thông hành được ký khống để đi qua chốt kiểm soát. Nhiều trường hợp khác vi phạm thị 16 của Chính phủ cũng bị lực lượng chức năng xử lý đúng quy định.

Bộ Y tế đã công bố thêm 1.017 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM

Tính từ 6h đến 19h ngày 17/7, Bộ Y tế đã công bố thêm 1.017 trường hợp nhiễm mới tại TP.HCM.

Như vậy tính từ 18h30 ngày 16/7 đến 19h ngày 17/7, thành phố ghi nhận 2.786 trường hợp nhiễm mới là BN44524-BN46292, BN46880-BN47896.

TP.HCM vẫn tăng nóng số ca mắc mới trong ngày với 2.786 bệnh nhân, như vậy, đến nay thành phố ghi nhận tổng cộng 26.699 ca bệnh mới.

2.786 trường hợp nhiễm mới bao gồm 2.244 trường hợp là các tiếp xúc được truy vết, đã cách ly hoặc trong khu vực phong tỏa và 542 trường hợp người tại khu vực ổ dịch, tới khám sàng lọc tại Bệnh viện.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có tổng cộng 26.699 trường hợp nhiễm COVID-19 được công bố.

Để “chia lửa” với hệ thống siêu thị đang quá tải, Thành phố sẽ cho chợ truyền thống thí điểm hoạt động trở lại ở các khu vực an toàn. Theo đó, một số tiểu thương có đủ năng lực cung cấp các mặt hàng thiết yếu là cá, thịt, rau, củ quả sẽ được chọn để bán tại chợ và chia ca bán theo giờ, theo buổi.

Hàng hóa được chia sẵn theo từng túi, đồng giá để giao dịch diễn ra nhanh. Người dân chia ca đến mua hàng hoặc người bán sẽ giao tận nhà, thực hiện quy định 5K, lấy hàng, để lại tiền, hạn chế tiếp xúc. Sau đó xem xét kết quả để mở bán thí điểm thêm các mặt hàng thịt heo, gạo, thủy hải sản, …

Về công tác chăm lo, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, Thành phố đã tiếp nhận các đối tượng lang thang, cơ nhỡ nơi công cộng, đưa vào các trung tâm xã hội. Tính đến ngày 16/7, đã có 220.000/232.000 đối tượng (mất việc, bán vé số, người gặp khó khăn, ...) được hỗ trợ với kinh phí 330 tỷ đồng. Đồng thời các quận, huyện cũng vận động nguồn lực xã hội, mạnh thường quân để chăm lo kịp thời cho các đối tượng khó khăn với hơn 100 tỷ đồng kêu gọi được.

Để tập trung điều trị các ca F0 nặng, kéo giảm số ca tử vong, Thành phố đã xây dựng bản đồ các khu cách ly tạm thời, bệnh viện điều trị ở các mức độ khác nhau. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để thiết lập hệ thống quản lý, điều phối ca F0 trên địa bàn, tăng cường vai trò của đơn vị quản lý để kịp thời điều phối F0 đến các bệnh viện phù hợp nhanh nhất có thể.

Trong bối cảnh lây nhiễm phức tạp, số ca F0, F1 gia tăng, hệ thống y tế đang quá tải, thì tình trạng người dân tụ tập đông người vẫn diễn ra, dễ lây nhiễm trong cộng đồng. Bên cạnh tăng cường lực lượng kiểm tra, phân công lực lượng tại chỗ, tự quản lý người ra vào và hoạt động các khu cách ly, phong tỏa, Thành phố kêu gọi người dân hãy chủ động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, quy định của Chỉ thị 16, chia sẻ thông tin chính thống và đấu tranh với các thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.

Bộ Y tế điều phối 2.000 máy thở cho TP.HCM

Cuối giờ chiều ngày 17/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có cuộc họp trực tuyến để trao đổi với các chuyên gia của BV Chợ Rẫy, BV Hồi sức COVID-19 của TP Hồ Chí Minh (cơ sở 2 của BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh có quy mô 1.000 giường ICU) nhằm giảm thiểu tối đa các trường hợp tử vong do COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết trên cơ sở trao đổi thống nhất với TP Hồ Chí Minh, Bộ Y tế áp cơ chế điều hành của BV Chợ Rẫy cho BV Hồi sức COVID-19 của TP Hồ Chí Minh để phối hợp chặt chẽ với thành phố điều động đội ngũ nhân lực và trang thiết bị tốt nhất cho Trung tâm hồi sức này.

Sáng cùng ngày, Bộ Y tế đã xuất cấp các máy thở chức năng cao cho BV này để phục vụ điều trị bệnh nhân nặng; song song đó Bộ Y tế cũng đã thành lập kho trang thiết bị, vật tư tiêu hao dã chiến tại TP. Hồ Chí Minh và sẽ điều phối 2.000 máy thở cho kho dự trữ này.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Y tế giao Trưởng Bộ phận thường trực của Bộ Y tế tại TP Hồ Chí Minh và Giám đốc BV Chợ Rẫy (hiện cũng là Giám đốc của BV Hồi sức COVID-19 TP Hồ Chí Minh) để có thể phân bổ trang thiết bị cho BV Hồi sức COVID-19 và các địa phương trong khu vực.

Để chủ động nguồn cung cấp trang thiết bị, vật tư tiêu hao, trong đó có oxy, chiều cùng ngày Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cùng các lãnh đạo Bộ Y tế đã họp với các nhà sản xuất, cung ứng oxy để nghe báo cáo và thảo luận về việc cung ứng oxy trong thời gian tới khi dịch bệnh gia tăng.

Trước đó, tại cuộc họp trực tuyến công tác phòng chống dịch COVID-19 với các địa phương trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu phải thiết lập hệ thống oxy trung tâm tại các bệnh viên tuyến tỉnh để điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng; đồng thời các BV tuyến huyện phải dự trữ oxy để phục vụ công tác điều trị.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho các nhà sản xuất, cung ứng oxy.

Sáng 18/7, TP.HCM có 1.756 ca và Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP. Hồ Chí Minh đăng ký bổ sung

Nhiều bệnh viện điều trị F0 tại TP.HCM có tình trạng quá tải.

Chấn chỉnh các bệnh viện từ chối ca bệnh nặng

"Khi các F0 trở nặng tại khu cách ly tạm thời, bệnh viện không tiếp nhận, gây ra tình trạng trở nặng, thậm chí rất nặng dẫn đến tử vong", ông Nguyễn Thành Phong nói.

Sáng 17/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, họp định kỳ với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết từ 6h ngày 16/7 đến 6h ngày 17/7, thành phố phát hiện hơn 2.800 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Phần lớn số ca bệnh nằm trong khu cách ly, phong tỏa (81,34%); 420 ca phát hiện qua khám sàng lọc tại bệnh viện.

Thành phố đang điều trị cho 20.800 trường hợp dương tính; 306 ca thở máy; và 8 trường hợp phải can thiệp ECMO.

Về điều trị, ông Phong cho biết mối quan tâm lớn nhất của thành phố hiện nay là tập trung điều trị F0 nặng và ngăn chặn, giảm tử vong. Chiều 16/7, ông đã làm việc với Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM phụ trách điều trị để khẩn trương rà soát quy trình tiếp nhận F0, đặc biệt là chuyển F0 trở nặng về các bệnh viện điều trị Covid-19.

"Khi các F0 trở nặng tại khu cách ly tạm thời của quận, huyện, các đồng chí gọi về bệnh viện thì bệnh viện không tiếp nhận, gây ra tình trạng trở nặng, thậm chí rất nặng dẫn đến tử vong", Chủ tịch TP.HCM nói và cho biết hôm qua, ông "đã có lời đến tất cả giám đốc bệnh viện", nhắc nhở trách nhiệm nếu không tiếp nhận khi bệnh viện còn thừa giường.

Trước tình hình đó, ông Phong yêu cầu Sở Y tế xây dựng bản đồ khu cách ly tạm thời tại các bệnh viện; bệnh viện dã chiến điều trị F0 không có triệu chứng hoặc nhẹ; bệnh viện điều trị F0 nặng và bệnh viện hồi sức tích cực.

Ông cũng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập hệ thống quản lý điều phối F0 trên toàn địa bàn do Trung tâm cấp cứu 115 vận hành. Mục tiêu là kịp thời điều phối F0 đến các bệnh viện gần nhất và nhanh nhất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.