Xã hội

Covid-19 TP.HCM ngày 1/8: Tối nay thêm 2.025 ca, cả ngày có 4.052 ca

01/08/2021, 19:20

Covid-19 TP.HCM ngày 1/8 mới nhất: Bộ Y tế vừa công bố thêm 2.025 ca mới nâng tổng số ca nhiễm cả ngày của thành phố lên 4.052 ca.

Tin tức Covid-19 TP.HCM hôm nay ngày 1/8 mới nhất, thông tin các ca dương tính, các ca khỏi bệnh được cập nhật liên tục trong ngày tại Báo Giao thông.

Bộ Y tế thông tin, tính từ 6h đến 18h30 ngày 1/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.246 ca mắc mới, trong đó TP. Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều nhất với 2.025 ca.

img

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố ghi nhận 90.243 bệnh nhân COVID-19 được công bố.

Như vậy, trong ngày 1/8, cả nước ghi nhận 8.620 ca mắc mới (trong đó 23 ca nhập cảnh và 8.597 ca ghi nhận trong nước); Riêng tại TP. Hồ Chí Minh có 4.052 ca.

Tính đến chiều ngày 1/8, Việt Nam có 154.306 ca mắc trong đó có 2.262 ca nhập cảnh và 152.044 ca mắc trong nước.

4.423 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 1/8, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 43.157 ca; 432 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 18 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO

Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 6.203.866 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.583.255 liều, tiêm mũi 2 là 620.611 liều.

Tiếp tục giãn cách thêm 14 ngày kể từ 0h ngày 2/8

Ngày 1/8, UBND TP.HCM quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 16 thêm 14 ngày kể từ 0h ngày 2/8.

Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, Chủ tịch UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức các doanh nghiệp trên địa bàn quyết liệt triển khai biện pháp phòng, chống dịch theo công văn 2648 ban hành hôm 23/7.

Các địa phương cần kiểm soát nghiêm ngặt, thực hiện biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm "ai ở đâu ở đấy". Người dân tuyệt đối không rời khỏi thành phố cho đến khi kết thúc lệnh giãn cách, trừ trường hợp được UBND TP phối hợp các tỉnh, thành đưa về quê theo nhu cầu.Theo chỉ đạo mới, TP.HCM tiếp tục thực hiện nghiêm biện pháp giảm mật độ giao thông. Sau 18h mỗi ngày, người dân hạn chế ra đường, hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội.

UBND TP.HCM cũng giao các quận, huyện, TP Thủ Đức tổ chức tiêm chủng nhanh, an toàn và hiệu quả, không để vaccine hết hạn. Toàn thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, phấn đấu mỗi đội tiêm ít nhất 200 người/ngày; tùy theo điều kiện có thể tổ chức tiêm sau 18h tại những điểm có khả năng đáp ứng.

Các đơn vị đảm bảo cung cấp, hỗ trợ kịp thời lương thực, thực phẩm cho người lao động nghèo, người mất thu nhập, không còn nguồn dự trữ nhất là người dân tại khu phong tỏa; không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặt.

Tính đến hết 31/7, TP.HCM trải qua 62 ngày giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 10 và Chỉ thị 16 cùng các biện pháp siết chặt. Chỉ thị 16 được chính thức áp dụng từ 0h ngày 9/7.

Ngày 24/7, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách. Từ ngày 26/7, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường từ 18h đến 6h hàng ngày.

UBND TP.HCM kêu gọi sự ủng hộ, cảm thông và chung sức thực hiện các quy định của Chỉ thị 16 cũng như biện pháp siết chặt để kiểm soát, khống chế dịch bệnh. Người dân cần đảm bảo nguyên tắc “nhà cách ly với nhà, người cách ly với người”, chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết và luôn tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế, quy định tại khu cách ly, vùng phong tỏa.

Tính từ 27/4 đến 1/8, TP.HCM trải qua 97 ngày bùng dịch và ghi nhận hơn 92.000 ca nhiễm. Theo thống kê từ Bộ Y tế, TP.HCM đã tiêm được 1,5 triệu liều vaccine. Khoảng 1,3 triệu người đã được tiêm một mũi, gần 75.000 người tiêm đủ 2 liều.

Ghi nhận 2.027 ca nhiễm mới vào sáng 1/8

Bộ Y tế thông tin, tính từ 19h ngày 31/7 đến 6h ngày 1/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.374 ca mắc mới, trong đó 02 ca nhập cảnh và 4.372 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh với 2.027.

Tính đến sáng ngày 1/8, Việt Nam có 150.060 ca mắc trong đó có 2.241 ca nhập cảnh và 147.819 ca mắc trong nước.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 146.249 ca, trong đó có 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tiêm chủng, trong ngày 31/7, có 276.373 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 6.203.866 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 5.583.255 liều, tiêm mũi 2 là 620.611 liều.

1.677 ca mắc COVID-19 mới tại TP.HCM

Tối 31/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, Bộ Y tế vừa công bố thêm 1.677 ca mắc COVID-19 mới tại TP.HCM.

Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố ghi nhận 90.243 bệnh nhân COVID-19 được công bố.

Tiểu ban Điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 thông báo có 145 ca tử vong (số 1162-1306) từ ngày 19-31/7 tại 6 tỉnh, thành phố, trong đó TP.HCM có 90 trường hợp.

Theo HCDC, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, TP.HCM đã được ưu tiên phân bổ vaccine cho việc triển khai tiêm chủng phòng chống dịch. Để có thể đảm bảo tỷ lệ 99% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine, TP cần được phân bổ tổng cộng 13,8 triệu liều.

Theo tiến độ vaccine được nhập về Việt Nam, tính đến hôm nay, tỷ lệ vaccine được phân bổ cho thành phố đã bao phủ được khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên (tương ứng khoảng 3 triệu liều). Dự kiến trong tháng 8/2021, sẽ có thêm 5 triệu liều được phân bổ để thành phố nâng dần tỷ lệ bao phủ tiêm chủng cho người dân.

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với biến chủng Delta lây lan nhanh gây tổn hại lớn về sức khỏe, đời sống và tính mạng của người dân, TP.HCM cần sự đồng lòng, chung sức của người dân trong việc đẩy lùi, không để dịch bệnh tiếp tục lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

TP.HCM kêu gọi mỗi người dân tiếp tục thực hiện tốt nhất có thể các biện pháp phòng bệnh, nhắc nhở người xung quanh cùng thực hiện để quyết tâm giữ vững “các vùng xanh không dịch” hiện có và tiếp tục mở rộng thêm nhiều vùng xanh, dần đưa thành phố trở về trạng thái bình thường.

Đến nay, TP.HCM đã tiêm được 1,5 triệu liều vaccine. Khoảng 1,3 triệu người đã được tiêm một mũi, gần 75.000 người tiêm đủ 2 liều.

TP.HCM và 18 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội thêm 14 ngày

Trong công điện vừa ban hành, Thủ tướng yêu cầu không để người dân di chuyển khỏi nơi cư trú từ sau ngày 31/7 tới khi hết giãn cách, trừ trường hợp được cho phép.

Ban hành ngày 31/7, công điện số 1063/CĐ-TTg của Thủ tướng yêu cầu các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất, hiệu quả biện pháp cụ thể phòng, chống dịch.

Với TP.HCM và 18 tỉnh phía Nam, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm 14 ngày, kể từ ngày kết thúc giãn cách xã hội theo Công văn số 969 của Thủ tướng.

19 địa phương này gồm: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Đây là những địa phương đã giãn cách xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng từ ngày 19/7 và và như vậy sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương này sau khi kết thúc đợt giãn cách theo Công văn số 969.

Những tỉnh sau một thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nếu đã kiểm soát được dịch bệnh, Thủ tướng cho phép nới lỏng theo từng khu vực trong nội bộ tỉnh. Đối với khu vực liên tỉnh, phải có thỏa thuận, thống nhất với tỉnh liên quan và phải báo cáo Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 trước khi quyết định.

Công điện của Thủ tướng quán triệt các tỉnh, thành thực hiện nghiêm quy định phòng chống dịch bệnh, giữ vững thành quả, không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn; đồng thời, phối hợp, hỗ trợ, chi viện phù hợp cho TP.HCM và địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp.

Với địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16, người đứng đầu Chính phủ quán triệt thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương.

Cùng với đó là việc tuyên truyền rộng rãi, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”.

img

Người dân TP.HCM đi tiêm vắc xin Covid-19 trong đợt 5. Ảnh: VNN

Một triệu liều vaccine Sinopharm tới TP.HCM

Chiều 31/7, Bộ Y tế cho biết, TP.HCM đã nhận được 1 triệu liều vaccine trong tổng số 5 triệu liều vaccine Vero Cell của Sinopharm do công ty Sapharco mua.

Theo Bộ Y tế, đây là lô vaccine nhập khẩu đầu tiên của TP.HCM do Công ty TNHH một thành viên Dược Sài Gòn (Sapharco) ký kết hợp đồng mua và nhập khẩu dưới sự ủy quyền của UBND TP.HCM. 1 triệu liều vaccine này thuộc hợp đồng đặt mua 5 triệu liều của Sapharco với đối tác Sinopharm.

Bộ Y tế cho biết, trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM, Chính phủ và Bộ Y tế đã có nhiều chỉ đạo, hướng dẫn công tác phòng chống dịch.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã ưu tiên phân bổ vắc xin cho TP triển khai tiêm chủng chống dịch. Đến ngày 31/7, TP đã nhận khoảng 3 triệu liều vaccine, ước khoảng 22,3% nhu cầu tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên, đạt tỷ lệ phân bổ cao nhất cả nước đến thời điểm này.

Ngày 24/7 của Bộ Y tế đã có công văn thông báo về việc dự kiến phân bổ vaccine phòng Covid-19. Theo đó, TP sẽ được phân bổ khoảng 13,8 triệu liều, đảm bảo tỷ lệ đạt khoảng 99% người trên 18 tuổi được tiêm vaccine. Riêng trong tháng 8, dự kiến TP sẽ nhận được 5 triệu trong số 13,8 triệu liều này.

Theo Bộ Y tế, đến nay TP đã tiêm được khoảng 1,5 triệu liều vaccine, trong đó có 1,3 triệu người đã được tiêm 1 liều vaccine và gần 75.000 người được tiêm đủ 2 liều vaccine.

Để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 tại TP.HCM, ngày 29/7, Bộ Y tế đã cử Đoàn công tác đặc biệt hỗ trợ công tác tiêm chủng cho TP. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đã có hướng dẫn cụ thể việc triển khai tiêm chủng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg tại TP.

Tại hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ: Đối tượng tiêm chủng bao gồm tất cả các trường hợp từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn. Trong đó, ưu tiên tiêm chủng cho lực lượng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, các trường hợp có bệnh lý nền.

Cần đẩy nhanh việc tăng độ bao phủ tiêm chủng; Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, y tế các ngành….Tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, kể cả các khu vực đang phong toả. Đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

Theo thông tin cập nhật lúc 8h sáng 31/7 từ Sở Y tế TP.HCM, chiến dịch tiêm vaccine đợt 5 đã tổ chức tiêm cho 527.928 người.

Số người được tiêm đã tăng tốc từ 20.000 người ngày 20/7 lên 72.339 người vào ngày 30/7. Trong đó, 50.021 người trên 65 tuổi, có bệnh nền và 457.907 người được tiêm thuộc đối tượng khác. Số người có phản ứng sau tiêm 30 phút là 516 người.

Tối 30/7, tại họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP, cho biết TP.HCM đã được tháo gỡ một số vướng mắc để tăng tốc tốc độ tiêm vaccine sau khi làm việc với Bộ Y tế.

TP cụ thể hoá văn bản thành văn bản hướng dẫn tiêm chủng vào chiều 30-7 để lực lượng tiêm vaccine sớm triển khai. Trong đó có một số nội dung cụ thể như TP.HCM tổ chức tiêm chủng cho tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm chủng y tế tuyến đầu, người cao tuổi, bệnh nền và đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

Trước đây, kế hoạch TP.HCM giới hạn mỗi đội tiêm 120-200 liều/ngày bởi ngưỡng Bộ Y Tế quy định như thế và hiện vẫn áp dụng với các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, hiện TP.HCM có thể tiêm với số lượng nhiều hơn, có thể tiêm buổi thứ ba vào tối, sau 18h vẫn được tiêm.

img

TP.HCM phát hiện 2 ca dương tính SARS-CoV-2 qua xét nghiệm nhanh người đi đường.

TP.HCM thêm hơn 3.700 bệnh nhân xuất viện

Sáng nay 31/7, Bộ Y tế cho biết cả nước thêm 4.060 ca mắc COVID-19, riêng TP.HCM 2.503 ca. Ngày 30/7 đã có trên 3.700 bệnh nhân TP.HCM được xuất viện.

Đến thời điểm này, TP.HCM đã điều trị khỏi và cho ra viện tổng số trên 33.700 bệnh nhân.

Sáng nay 31/7 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 4.060 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại TP.HCM (2.503), Bình Dương (868), Đồng Nai (222), Tiền Giang (123), Bà Rịa - Vũng Tàu (76), Cần Thơ (55), Vĩnh Long (48), Bình Thuận (38),

Đồng Tháp (31), Phú Yên (28), Kiên Giang (16), Đắk Lắk (11), Sơn La (10), Bình Định (9), Thừa Thiên Huế (4), Quảng Trị (4), Đắk Nông (4), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Hà Tĩnh (2), Hậu Giang (2), Kon Tum (1) trong đó có 973 ca trong cộng đồng.

Bộ Y tế cũng cho biết tỉnh Bình Dương - địa phương có số mắc thứ 2 cả nước - đã lập bệnh viện dã chiến số 3, số 4 tại thị xã Bến Cát và huyện Bàu Bàng, với tổng quy mô 8.000 giường. Đến nay, tỉnh Bình Dương có 4 bệnh viện dã chiến với 16.000 giường bệnh. Bộ Y tế vừa hỗ trợ thiết lập Trung tâm Hồi sức và đang thúc đẩy tiến độ tiêm chủng tại Bình Dương.

Ngày 30/7 đã có trên 3700 bệnh nhân TP.HCM được xuất viện. Đến thời điểm này, TP.HCM đã điều trị khỏi và cho ra viện tổng số trên 33.700 bệnh nhân COVID-19. Bộ Y tế cũng đã tăng cường nhân lực hỗ trợ 12 tỉnh miền Tây Nam Bộ, với 2 tổ công tác đóng quân tại Bạc Liêu và Cần Thơ, mỗi tổ có 12-16 người, là những chuyên gia, cán bộ giàu kinh nghiệm của Bộ Y tế.

Tại các địa phương, các tổ công tác có nhiệm vụ giám sát, hỗ trợ và phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh để triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong cộng đồng, trong doanh nghiệp, trong khu cách ly, hướng dẫn thực hiện xét nghiệm, điều trị, cách ly F1 tại nhà...

Bộ Y tế cũng đã có quyết định bổ sung nhân lực hỗ trợ cho Đồng Tháp và Tiền Giang, đồng thời kiêm nhiệm hỗ trợ An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh và Bến Tre.

Cũng trong ngày 30/7 đã có gần 2.280 người đăng ký tham gia tình nguyện hỗ trợ phòng chống dịch tại TP.HCM, nâng tổng số người đăng ký và hưởng ứng lời kêu gọi của thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực chống dịch tại TP.HCM lên hơn 5.500 người, trong số này có gần 1.000 y bác sĩ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.