Hỏi - Đáp

CSGT đạp xe ngã người đi đường: Không dùng vũ lực nếu là vi phạm hành chính

10/02/2021, 09:56

Liên quan đến vụ một CSGT Công an TP HCM vung chân đạp ngã xe máy, luật sư cho rằng, nếu là vi phạm hành chính thì không được phép dùng vũ lực.

img

Hình ảnh CSGT TP Hồ Chí Minh đạp người vi phạm được cắt ra từ clip

Liên quan đến vụ CSGT Công an TP HCM đạp ngã người đi xe máy Yamaha Exciter tối 3/2 gây nhiều ý kiến trái chiều, sáng ngày 10/2, trao đổi với PV Báo Giao thông, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nêu quan điểm: "Nếu tài xế Exciter chỉ vi phạm giao thông, tức chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính, thì CSGT không được phép dùng vũ lực để xử lý".

Luật sư Cường phân tích về quyền hạn của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ. Theo đó, khoản 3 Điều 5 Thông tư 01/2016/TT-BCA quy định: Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, mọi vi phạm hành chính phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh, mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục theo đúng quy định của pháp luật (điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

img

Luật sư Đặng Văn Cường

"Pháp luật không cho phép người thi hành công vụ được đạp, đá, tấn công vào người vi phạm hành chính khi đang tham gia giao thông. Khi sử dụng phương tiện như xe mô tô, xe gắn máy trên đường thì chỉ một tác động nhỏ có thể dẫn đến đổ xe, người trên xe có thể bị thương vong, thậm chí thiệt mạng. Bởi vậy, nếu không phải là truy bắt tội phạm thì không ai được phép tác động vào người đang điều khiển phương tiện giao thông để người đó gặp tai nạn", luật sư Cường nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo thông tin từ lãnh đạo Phòng CSGT TP HCM, thì báo cáo của CSGT đạp người đi xe máy có nguyên nhân do "nghi người này cướp giật tài sản sau nghe tiếng tri hô "cướp" từ người dân". Hành động đạp ngã xe máy là để khống chế người tình nghi.

Với diễn biến này, luật sư Cường cho hay, cơ quan chức năng sẽ làm rõ lý do CSGT đạp ngã tài xế Exciter có phải là truy đuổi tội phạm hay không.

"Nếu không chứng minh được việc truy bắt tội phạm, thì hành vi đạp ngã xe người tham gia giao thông là vi phạm pháp luật và tùy vào tính chất mức độ, hậu quả xảy ra, CSGT đó sẽ bị xử lý kỷ luật. Nếu mức độ hậu quả nghiêm trọng đến mức phải xem xét trách nhiệm pháp lý thì cũng sẽ phải xem xét trách nhiệm pháp lý về các hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác theo quy định nêu trên", luật sư Cường nói.

Tối 3/2, trong lúc xử lý vi phạm giao thông trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1, cách phố đi bộ Nguyễn Huệ khoảng 50m, Đại úy Lê Vân Mân, CSGT Đội Bến Thành (Phòng CSGT TP HCM) khi thấy xe máy do nam thanh niên lái từ đằng xa đã băng qua đường, rọi đèn pin yêu cầu xe dừng lại.

Lúc xe chạy tới gần và không dừng lại, Đại úy Mân đã vung chân phải đạp trúng phần hông của người đi xe máy khiến anh ta ngã vào bãi cỏ dải phân cách lề đường. Sự việc được camera hành trình trên ô tô phía sau ghi lại.

Sau đó, Đại úy Mân báo cáo nguyên nhân đạp người đi xe máy do "nghi người này cướp giật tài sản sau nghe tiếng tri hô "cướp" từ người dân". Hành động đạp ngã xe của Đại úy Mân là theo "võ ngành" để khống chế người tình nghi.

Khi xác định người bị đạp ngã không phải là cướp, Đại uý Mân đã đỡ anh ta đưa vào lề đường. Nam thanh niên không bị thương, tiếp tục chạy xe máy đi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.