Xã hội

CSGT “vòi tiền” có thể bị thôi việc, người hoàn lương được vay vốn làm ăn

01/03/2020, 08:52

Trong tháng 3/2020 này, sẽ có hàng loạt quy định mới liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội chính thức được áp dụng.

img
Từ ngày 1/3/2020, không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức trên bằng đại học

Bằng đại học không còn ghi hệ đào tạo chính quy hay tại chức

Theo Thông tư 27/2019/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và đào tạo, có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, trên văn bằng sẽ chỉ còn các nội dung: Tiêu đề, tên văn bằng theo từng trình độ đào tạo, ngành đào tạo, tên cơ sở giáo dục đại học cấp văn bằng, họ, chữ đệm, tên, ngày tháng năm sinh của người được cấp văn bằng, hạng tốt nghiệp (nếu có), số hiệu, số vào sổ gốc cấp văn bằng…

Như vậy, thông tin về hình thức đào tạo (chính quy, tại chức hay vừa làm vừa học…) không được ghi trong nội dung chính của văn bằng. Nội dung này sẽ được ghi trên phụ lục và kèm theo đó là các nội dung khác về chuyên ngành đào tạo, ngày nhập học, ngôn ngữ đào tạo, thời gian đào tạo, trình độ đào tạo theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Tiếp tục thí điểm cho người hoàn lương vay vốn làm ăn

Theo Quyết định số 02/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/3/2020, sẽ tiếp tục thực hiện thí điểm hỗ trợ vay vốn cho người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy… tại 15 tỉnh, thành phố đến hết 31/12/2020. Từ năm 2021 trở đi, thông qua đánh giá kết quả đạt được sẽ xem xét quyết định việc mở rộng trên phạm vi cả nước.

Như vậy, trong năm 2020, người bán dâm hoàn lương, người nhiễm HIV/AIDS, người sau cai nghiện ma túy… vẫn được hỗ trợ vay 20 triệu đồng trong thời hạn 36 tháng với lãi suất bằng lãi suất cho vay hộ nghèo, lãi suất nợ quá hạn được tính bằng 130% lãi suất cho vay.

Trợ cấp cho giáo viên nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Theo Nghị định 14/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 15/3/2020, để được hưởng trợ cấp thâm niên, giáo viên phải đáp ứng đủ 03 điều kiện: Trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành và tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ 05 năm trở lên; Nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 - 31/5/2011; Đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012 (Trường hợp bị tạm dừng hưởng lương hưu thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu).

Mức trợ cấp được quy thành tiền và tính theo công thức: Số tiền trợ cấp = (mức lương hưu tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp

Trường hợp giáo viên đủ điều kiện hưởng trợ cấp nhưng chưa được hưởng trợ cấp mà từ trần từ 1/1/2012 trở về sau thì vợ, chồng, bố, mẹ, hoặc con có thể làm hồ sơ và nhận chế độ trợ cấp theo quy định. Những người thân này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hồ sơ và khoản tiền trợ cấp nhận được.

Muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt

Tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 20/3/2020, Chính phủ đã có những quy định chi tiết về một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam.

Theo đó, người muốn nhập quốc tịch phải đáp ứng các điều kiện: Biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam: có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam; Đang thường trú tại Việt Nam và đã được cơ quan công an có thẩm quyền của Việt Nam cấp Thẻ thường trú (Thời gian thường trú tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được tính từ ngày người đó được cấp Thẻ thường trú); Có khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam; được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.

Trường hợp xin nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn muốn giữ quốc tịch nước ngoài thì phải đáp ứng các điều kiện như: Có đủ điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam; Có công lao đặc biệt đóng góp cho Việt Nam và việc nhập quốc tịch Việt Nam nhưng vẫn giữ quốc tịch nước ngoài là có lợi cho Nhà nước Việt Nam; Việc xin giữ quốc tịch nước ngoài của người đó khi nhập quốc tịch Việt Nam là phù hợp với pháp luật của nước đó; Việc thôi quốc tịch nước ngoài dẫn đến quyền lợi của người đó ở nước ngoài bị ảnh hưởng…

Thay đổi khung giá tính thuế tài nguyên một số loại khoáng sản

The Thông tư 05/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư 44/2017/TT-BTC, có hiệu lực từ ngày 5/3/2020, quy định về khung giá tính thuế tài nguyên đối với nhóm, loại tài nguyên có tính chất lý, hóa giống nhau, khung giá tính thuế tài nguyên đối với khoáng sản kim loại, khoáng sản không kim loại có một số thay đổi.

Trong đó, cát san lấp (bao gồm cả cát nhiễm mặn): mức giá tối đa tính thuế tài nguyên từ 80.000 đồng/m³ tăng lên 200.000 đồng/m³. Đất khai thác để san lấp, xây dựng công trình: mức giá tối thiểu tính thuế tài nguyên từ 49.000 đồng/m³ giảm còn 27.000 đồng/m³, giá tối đa vẫn giữ nguyên mức 70.000 đồng/m³. Đá vôi sản xuất vôi công nghiệp (khoáng sản khai thác): mức giá tối thiểu tính thuế tài nguyên từ 161.000 đồng/m³ giảm còn 63.000 đồng/m³ và mức giá tối đa từ 230.000 đồng/m³ giảm còn 90.000 đồng/m³...

“Vòi tiền” người vi phạm, CSGT có thể bị buộc thôi việc

Theo Nghị định số 19/2020/NĐ-CP, buộc thôi việc là hình thức xử lý kỷ luật cao nhất đối với cán bộ, công chức, viên chức khi có hành vi vi phạm trong quá trình xử lý vi phạm hành chính. Nghị định có hiệu lực từ 31/3/2020. Riêng các quy định về xử lý kỷ luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2020.

Theo đó, công chức, viên chức nói chung và CSGT nói riêng bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc nếu có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi bị xử lý vi phạm hành chính.

Mức kỷ luật tương tự được áp dụng với hành vi giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; giả mạo, làm sai lệch hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính; đe dọa, trù dập người cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan kiểm tra…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.