Thị trường

Cư dân tòa nhà cao nhất Việt Nam lo khởi kiện

13/05/2015, 08:38

Lo lắng vì mất khoản phí bảo trì ước tính 160 tỷ đồng nếu tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Hanoi Landmark Tower...

41
Tòa nhà Keangnam Hà Nội đã bàn giao 4 năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn giữ 2% phí bảo trì

Lo lắng vì mất khoản phí bảo trì ước tính 160 tỷ đồng nếu tòa nhà cao nhất Việt Nam Keangnam Hanoi Landmark Tower bị bán, các cư dân ở đây đã gửi đơn kêu cứu Thủ tướng và cho biết sẽ xúc tiến khởi kiện.

Nguy cơ phí bảo trì trăm tỷ “bốc hơi”

Trước thông tin từ báo chí Hàn Quốc về việc tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower vừa được tòa án Hàn Quốc định giá ở mức 770 triệu USD và được công ty môi giới bất động sản Mỹ rao bán, ngày 8/5, Ban quản trị nhà chung cư Keangnam (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ.

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Trưởng ban Quản trị nhà chung cư Keangnam, Ban Quản trị đã ước tính, quỹ bảo trì tòa nhà là 160 tỷ đồng. Theo Quyết định số 08/2008/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư, sau khi đưa nhà chung cư vào sử dụng, chủ đầu tư phải có trách nhiệm bàn giao cho Ban Quản trị số tiền Quỹ bảo trì để phục vụ công tác bảo trì, duy tu tòa nhà. Công tác bàn giao nhà cho cư dân diễn ra từ đầu năm 2011 và 922 căn hộ đã bán hết. Tuy nhiên, đã bốn năm liên tục, Ban Quản trị liên tiếp gửi công văn, đối thoại trực tiếp với đại diện chủ đầu tư Keangnam về vấn đề này nhưng bất thành.

Ngày 12/5, trả lời Báo Giao thông, bà Vũ Minh Thảo, đại diện truyền thông của Keangnam Vina cho biết: “Hiện Ban lãnh đạo Keangnam không có câu trả lời nào về vấn đề này. Nếu cư dân kiện ra tòa thì hai bên sẽ gặp nhau tại tòa án để giải quyết”.

Từ cuối năm 2012 đến nay, Ban Quản trị đã 11 lần làm việc với Công ty TNHH MTV Keangnam Vina qua văn bản, đề nghị làm rõ các thông tin liên quan về quỹ bảo trì tòa nhà và yêu cầu phía Keangnam chuyển lại toàn bộ quỹ cho Ban hoặc làm thủ tục để Ban đồng sở hữu tài khoản quỹ bảo trì tại ngân hàng. 

“Tuy nhiên, phía Keangnam Vina chỉ phúc đáp lại bốn lần. Lần phúc đáp gần nhất ngày 27/3/2015, phía Keangnam Vina thông báo tổng quỹ bảo trì tính đến ngày 27/3/2015 là hơn 125 tỷ đồng (đã bao gồm phần lãi suất ngân hàng); phần đã sử dụng là 1,7 tỷ đồng. Còn lại hơn 123 tỷ đồng, Keangnam Vina sẽ trả 5 tỷ đồng/tháng, từ nay đến năm 2039. Phương án này của Keangnam Vina không được cư dân ủng hộ do số tiền trả hàng năm còn thấp hơn lãi suất ngân hàng”, ông Cẩn cho biết.

Nhà đã bán hết, phí bảo trì hàng trăm tỷ phía chủ đầu tư là Keangnam vẫn giữ, trong khi Tập đoàn Keangnam đang đứng trước nguy cơ phá sản khiến nhiều cư dân ở tòa nhà Keangnam Hà Nội như “ngồi trên lửa”. Vì vậy, Ban Quản trị tòa nhà đã gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng, kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo gấp UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành liên quan yêu cầu chủ đầu tư Keangnam khẩn trương hoàn trả Quỹ bảo trì 2% đúng quy định. Trong trường hợp Tập đoàn Keangnam phá sản, Chính phủ chỉ chấp nhận chuyển nhượng tài sản sau khi đã hoàn trả cho cư dân Keangnam Hà Nội khoản phí bảo trì này.

42
Đơn kêu cứu của cư dân Keangnam gửi Thủ tướng Chính phủ

Lo án phí để khởi kiện

Trao đổi với Báo Giao thông, luật sư Bùi Quang Hưng, Trưởng Văn phòng Luật sư Bùi Quang Hưng cho rằng, trước tình hình này, cách tốt nhất là người dân phải sớm khởi kiện chủ đầu tư ra tòa để đòi lại tài sản chung ở đây là Quỹ bảo trì. Tài sản chung này một phần là của chủ đầu tư vì họ vẫn là chủ sở hữu diện tích sàn thương mại, một phần tầng hầm. “Quyết định 01/2013 của UBND TP Hà Nội nói rõ việc này do tòa án giải quyết. Đây là loại tranh chấp mới và đã khá đầy đủ các căn cứ pháp lý để khởi kiện”, ông Hưng nói.

Tuy nhiên, đại diện Ban Quản trị tòa nhà cho PV Báo Giao thông biết, khó khăn của cư dân Keangnam hiện tại là chi phí để khởi kiện. Bởi án phí rất lớn, trong khi đây là tòa nhà có nhiều hộ dân sinh sống, nên rất khó để có thể tìm tiếng nói thống nhất 100% về mức án phí khởi kiện. “Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng bàn bạc, lấy ý kiến của cư dân để xúc tiến phương án khởi kiện, bảo đảm quyền lợi của các cư dân trong tòa nhà”, ông Công, thành viên Ban Quản trị Keangnam Hà Nội cho hay.

Theo luật sư Hưng, theo quy định tại Danh mục mức án phí (Ban hành kèm theo Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009), lệ phí Tòa thì  mức án phí dân sự sơ thẩm để khởi kiện trong trường hợp này sẽ trên 200 triệu đồng, mức tạm ứng án phí trên 100 triệu đồng.  

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.