Ông Nguyễn Đình Hương |
Nghị quyết T.Ư 4 Khóa XII vừa ban hành đã chỉ rõ 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng. Trong đó, nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, dao động, thiếu niềm tin, bè phái, cục bộ, mất đoàn kết, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân.
Trao đổi với Báo Giao thông xung quanh vấn đề làm thế nào để đưa Nghị quyết T.Ư 4 vào cuộc sống, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư nhấn mạnh, Nghị quyết đã giương cao ngọn cờ thể hiện sự quyết tâm của T.Ư, của Bộ Chính trị, điều quan trọng nhất mà các cán bộ đảng viên và người dân đang trông đợi hiện nay là việc thực hiện quyết liệt như thế nào.
Cụ thể hoá, định lượng rõ hơn các dạng suy thoái
Ông có suy nghĩ gì trước tinh thần thẳng thắn, nói rõ sự thật được thể hiện trong Nghị quyết T.Ư 4?
Tôi đánh giá cao và hoan nghênh tinh thần này. Trước hết, Đảng đã thẳng thắn đề cập đến vấn đề cấp bách là xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là chống suy thoái về chính trị, đạo đức, phẩm chất của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết cho thấy Đảng đã dám nhìn thẳng vào sự thật. Quyết định chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, chống tham nhũng vốn là một việc không dễ thực hiện, nhưng lần này, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh đến tính sống còn khi không làm tốt việc này, thậm chí có thể dẫn đến việc “không đủ sức lãnh đạo đất nước” nếu tiếp tục để tình trạng suy thoái diễn ra. Nghị quyết lần này toát lên một vấn đề mà tôi rất tâm đắc, đó là tất cả mọi việc đều do người đứng đầu. Người đứng đầu, người lãnh đạo mà không gương mẫu thì không thể làm gương cho bên dưới.
Đặc biệt, so với Nghị quyết T.Ư 4 khoá XI, việc chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống, và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ Đảng đã cụ thể hoá, định lượng rõ hơn. Nghị quyết của khoá XI chỉ nói chung là suy thoái, thì đến nay đã chỉ rõ các dạng suy thoái thế nào, tức là Đảng đã hình dung được, cụ thể hoá được. Đây là điểm rất đáng ghi nhận, vì càng cụ thể hoá, chúng ta càng dễ xử lý hơn.
Nhưng nhiều người vẫn băn khoăn khi chưa thấy “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất là ai, ở đâu. Theo ông, chỉ ra những điều này có khó không và cần thiết hay không?
"So với Nghị quyết T.Ư 4 khoá XI, việc chỉ rõ 27 biểu hiện suy thoái thuộc 3 nhóm tư tưởng - chính trị, đạo đức - lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng đã cụ thể hóa, định lượng rõ hơn. Nghị quyết của khoá XI chỉ nói chung là suy thoái, thì đến nay đã chỉ rõ các dạng suy thoái thế nào, tức là Đảng đã hình dung được, cụ thể hóa được. Đây là điểm rất đáng ghi nhận, vì càng cụ thể hóa, chúng ta càng dễ xử lý hơn”. Ông Nguyễn Đình Hương |
Nói không chỉ rõ cũng không hoàn toàn đúng. Theo như tôi thống kê, điểm lại, từ sau khi đất nước được giải phóng chúng ta cũng đã đề cập, xử lý nhiều trường hợp cụ thể. Điển hình là vào những năm 80, chúng ta xử tử hình nguyên Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Giộc (còn gọi là Mười Vân) vì tham nhũng hàng trăm kg vàng; rồi ông Vũ Ngọc Hải, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, cũng bị mất chức và chịu án tù 3 năm liên quan đến vụ việc đường dây điện 500KV. Quốc hội cũng đã từng miễn nhiệm một Phó thủ tướng vì thiếu trách nhiệm quản lý Nhà nước trong vụ “sốt giá xi măng năm 1995” và vụ “Thủy cung Thăng Long”; miễn nhiệm một Bộ trưởng trong vụ Lã Thị Kim Oanh…
Tất cả những việc đó cho thấy thời điểm ấy chúng ta làm rất nghiêm, nhưng tất nhiên không thể làm hết được. Tôi nhớ chỉ riêng năm 1973 đã xử lý đưa ra khỏi Đảng gần 8.000 đảng viên, trong đó có khoảng 6.000 đảng viên suy thoái. Hồi đó vô cùng nghiêm khắc, đảng viên chỉ có biểu hiện suy thoái nhỏ thôi cũng bị xử lý ngay. Tất cả đảng viên bị xử lý đều được xác định liên quan đến các vụ án cụ thể, căn cứ vào những vi phạm về đạo đức, lối sống cụ thể. Nghiêm là thế, nhưng tình hình suy thoái trong nội bộ Đảng vẫn đáng lo, nên trong di chúc Bác Hồ để lại căn dặn phải chỉnh đốn Đảng ngay. Đó cũng là thời điểm tôi được Ban Bí thư cử đi Liên Xô (cũ) nghiên cứu việc thanh lọc những cán bộ suy thoái trong Đảng.
Theo ông, những biểu hiện suy thoái bây giờ khác so với trước đây thế nào?
Bây giờ các biểu hiện suy thoái không như xưa mà tinh vi hơn, biến tướng rất nhiều. Ngày xưa thầy tôi có nói một câu: “Một người làm việc bằng hai - Để cho Chủ nhiệm mua đài, mua xe”, nghĩa là hàm ý nói tham nhũng tiền của dân để mua những thứ lặt vặt như mua đài, mua xe, nhưng khi ấy đều bị xử lý nghiêm. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong bài viết “Những việc cần làm ngay” khi ấy đã thẳng thắn chỉ rõ cần xử lý để làm mẫu, và thực tế đã có không ít trường hợp bị đưa ra khỏi T.Ư. Chẳng hạn như hồi đó một lãnh đạo Bộ LĐ, TB&XH chỉ vì cầm 2 tút thuốc lá từ Liên Xô (cũ) về mà bị cảnh cáo ngay. Rồi như khi tôi còn làm thư ký cho ông Lê Đức Thọ, nguyên Trưởng ban tổ chức T.Ư, tôi và một anh thư ký có nhận được của biếu là 2 chiếc bát Nhật Bản, nhưng tôi đã báo cáo ngay, còn anh kia thì không. Vậy là anh thư ký bị đuổi việc ngay sau đó. Hồi đó làm nghiêm khắc lắm, chúng tôi đi nước ngoài về, tất cả những tặng phẩm, kể cả những vật nhỏ như đồng hồ hay các đồ lưu niệm đều phải nộp lại hết cho T.Ư chứ không ai được lấy.
Bây giờ, tham nhũng của Nhà nước đều là con số hàng nghìn tỷ đồng, nhắc đến vụ án nào cũng đều gắn với con số hàng nghìn tỷ đồng. Để xảy ra tình trạng này, trong Nghị quyết T.Ư 4 nói đến nhiều nguyên nhân nhưng cốt lõi tôi cho rằng, do công tác cán bộ kém.
Cần bàn tay sắt
Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã được Đảng đề cập nhưng đến nay vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Phải chăng chúng ta chưa chỉ rõ được nguyên nhân, chưa đề ra được giải pháp đủ mạnh hay thiếu các điều kiện để thực thi giải pháp?
Không hẳn như vậy, chúng ta không thiếu giải pháp, mà mấu chốt là do công tác cán bộ. Cán bộ “dính chàm” thì chẳng làm được gì cả, nhất là cơ quan phòng chống tham nhũng có lãnh đạo, có cán bộ “dính chàm” thì chống làm sao được?
Hội nghị T.Ư lần này khẳng định sự gương mẫu của T.Ư là cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa quyết định. Theo ông, điều này có liên quan thế nào đến việc rà soát, hoàn thiện cơ chế, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức có quyền?
Nghị quyết đúng, tốt, tích cực, bước đầu đã giương cao ngọn cờ thể hiện sự quyết tâm của T.Ư, của Bộ Chính trị, nhưng thực hiện ra sao phải chờ kế hoạch cụ thể về kiểm soát quyền lực thế nào cũng như xử lý các vụ án lớn. Nghị quyết T.Ư nói kiểm soát quyền lực để toàn dân kiểm soát, dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra, nhưng chỉ là nói thôi, còn cơ chế kiểm soát quyền lực là cả vấn đề lớn. Ví dụ như sự cố Formosa vừa qua, trách nhiệm thuộc về ai? Để cá chết, dân khổ như thế thì vấn đề không chỉ xử lý Formosa mà vấn đề trách nhiệm của ai khi để Formosa vào hoạt động? Tôi chưa thấy lãnh đạo nào đứng ra nhận trách nhiệm. Nhưng tôi cũng nghĩ cái này phải làm từ từ chứ không thể một lúc mà có thể giải quyết ngay được.
Ông kỳ vọng gì vào sự thay đổi khi Nghị quyết đi vào cuộc sống?
Chúng ta không thể thúc giục nhanh được mà phải chờ đợi. Nhưng tôi tin nếu quyết liệt như giai đoạn vừa qua sẽ tạo ra sự thay đổi tốt, sẽ động viên khích lệ được quần chúng, giờ quần chúng đang chờ đợi T.Ư có kiên quyết hay không, chờ đợi sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, có dám làm đến cùng không. Chúng ta phải tin vào Đảng, tích cực ủng hộ Nghị quyết.
Hội nghị T.Ư 4 lần này đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp rất quan trọng là kiểm soát quyền lực, “nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế” như Tổng Bí thư đã nói. Quan điểm của ông thế nào?
Theo tôi, vấn đề chỉ là chấn chỉnh lại công tác cán bộ, chứ như hiện giờ đang buông lỏng, dễ dãi. Tâm lý nói chung ai cũng muốn làm quan, kể cả ông nông dân cũng thích cho con mình làm quan vì chức tước gắn liền với quyền lợi, bổng lộc. Tôi từng chứng kiến đám ma bố vợ của một ông Bí thư tỉnh mà hàng trăm xe nối đuôi nhau đến phúng viếng thì đủ thấy họ hưởng bổng lộc thế nào. Quan xã, quan huyện và đặc biệt là quan tỉnh bây giờ quyền lực lớn lắm, nếu không kiểm soát rất nguy hiểm.
Lâu nay trong chỉ đạo thực hiện chúng ta hơi nặng về công tác giáo dục, công tác tư tưởng. Quản lý Nhà nước phải quản lý bằng pháp luật, bằng thể chế nên cần mạnh mẽ hơn ở điểm này. Trước đây ở thời của tôi xử lý nghiêm khắc từ những cái rất nhỏ nên tính răn đe cao hơn, giờ cũng phải làm như thế. Nghị quyết nói xử lý không nể nang, tránh né, không xuê xoa thì thực hiện đi vì nói mãi rồi. Nhất định chúng ta phải có “bàn tay sắt” mới có thể thay đổi được tình thế hiện tại. Chúng ta phải vừa xây vừa chống, trong đó xây vẫn quan trọng hơn, bằng nhiều biện pháp, trước hết là chấn chỉnh quy trình, công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận