Xã hội

Có cửa khẩu số, tài xế xuất nông sản vẫn hoàn toàn phụ thuộc "nhà luật"

image

Tỉnh Lạng Sơn đã triển khai cửa khẩu số để minh bạch thông tin nhưng nhiều tài xế, chủ xe vẫn chưa biết, hoàn toàn phụ thuộc vào "nhà luật".

Chỉ biết đưa giấy tờ cho “nhà luật” và... chờ

Đầu năm 2022, Báo Giao thông có loạt bài điều tra về tình trạng “luật ngầm”, mua bán “lốt” xe xuất khẩu tại biên giới Lạng Sơn, phản ánh việc lợi dụng tình hình ách tắc tại cửa khẩu, một số cá nhân đã lợi dụng để trục lợi, chèn ép các tài xế, chủ xe xuất khẩu nông sản.

Sau đó, từ gần cuối tháng 2/2022, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai cửa khẩu số, thực hiện khai báo và xử lý thông tin trực tuyến khi thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị và cửa khẩu Tân Thanh.

Theo quy trình sử dụng nền tảng cửa khẩu số của tỉnh Lạng Sơn, lái xe vận chuyển hàng hóa thông qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, Tân Thanh phải mở định vị GPS và bật ứng dụng Nền tảng cửa khẩu số (được cài đặt trên điện thoại thông minh) trong suốt quá trình vận chuyển.

Quá trình vận chuyển hàng hóa, lái xe chủ động tra cứu tình hình bến bãi, lưu lượng phương tiện (để biết liệu có ách tắc hay không). Ngoài ra, tổ chức, cá nhân xuất khẩu và lái xe có thể nhận được các thông tin, lệnh điều phối giao thông của CSGT tỉnh Lạng Sơn thông qua Nền tảng cửa khẩu số.

Khi xe chở hàng hóa xuất khẩu tới barie số 2 tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị hoặc cửa khẩu Tân Thanh, các camera sẽ thực hiện nhận dạng biển số xe và truy vấn các thông tin về con người, xe và hàng hóa xuất khẩu được khai báo theo xe.

Bộ đội Biên phòng và Hải quan sẽ thực hiện kiểm tra, đối soát các thông tin về người, xe và hàng hóa; triển khai các bước xuất khẩu hàng trên nền tảng cửa khẩu số...

img

Sau khi nộp giấy tờ cho "nhà luật", tài xế xuất khẩu nông sản chỉ biết ngồi chờ trong nhiều ngày tại cửa khẩu Tân Thanh.

Tuy nhiên, đến nay, nhiều tài xế, chủ xe cho biết họ chưa từng biết đến cửa khẩu số là gì.

Ngày 23/8, có dịp đến cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi đã được nhiều tài xế, chủ xe chia sẻ về công việc vận chuyển, xuất khẩu nông sản hiện nay.

Trong bến xe Bảo Nguyên, cửa khẩu Tân Thanh, tài xế N.V.N., quê Tiền Giang chia sẻ: "Tôi là tài xế và cũng là chủ xe vận chuyển thanh long từ Tiền Giang ra đây hơn 1 tuần nay. Hiện xe đã sang Trung Quốc 4 ngày mà chưa thấy về. Hàng ngày, tôi chỉ biết báo cơm tại quán trong bãi và chờ".

Khi được hỏi về cửa khẩu số, anh N. khẳng định: "Tôi đã có 22 năm trong nghề, đến nay tôi cũng chưa biết cửa khẩu số là gì vì chưa được ai hướng dẫn thực hiện. Tất cả mọi việc tại cửa khẩu đều do “nhà luật” (người làm thủ tục tại cửa khẩu- PV) lo hết, tôi chỉ việc đưa giấy tờ xe, chứng minh thư cho họ và ngồi chờ.

Khi xe ra đến Trạm kiểm soát liên ngành dốc Quýt, huyện Cao Lộc, Lạng Sơn, tôi đã được “nhà luật” đón, giữ hết giấy tờ và hướng dẫn vào cửa khẩu. Không biết họ khai báo thế nào nhưng khi xe đi qua các trạm kiểm soát tại bãi chờ và cửa khẩu đều rất thuận lợi.

Chúng tôi chỉ băn khoăn việc tiền luật thu quá cao, lại không đồng đều giữa các “nhà luật”. Trong khi đó tài xế, chủ xe không được thỏa thuận, lựa chọn; tất cả đều bị họ chỉ định, trở thành “luật ngầm” bất thành văn từ nhiều năm nay”.

Clip tài xế phản ánh việc chưa được tham gia cửa khẩu số tại cửa khẩu Tân Thanh.

Tương tự, đang tụm 5, tụm 7 uống nước tại bãi trong lúc chờ xe sang Trung Quốc trở về, nhóm tài xế đường dài quê TP.HCM, Đồng Nai, Phú Yên cũng khẳng định: "Chúng tôi đều có điện thoại thông minh, kết nối 4G nhưng chưa biết cửa khẩu số là gì. Hiện nay, việc khai báo, lo thủ tục liên quan đều do “nhà luật” thực hiện, tài xế, chủ xe không được tham gia bất kỳ việc gì".

Các tài xế cho biết, trên đường vận chuyển hàng từ miền Nam ra cửa khẩu, hàng ngày họ đều được “nhà luật” do chủ hàng chỉ định, thường xuyên gọi điện hỏi thông tin lịch trình di chuyển, số lượng, chất lượng hàng hóa; thông tin xe và tài xế để phục vụ việc khai báo, xuất khẩu hàng.

Bức xúc xúc lớn nhất của nhà xe và tài xế hiện nay là tiền luật cao bất thường mà họ không được xác thực, kiểm chứng, không biết phải chi những khoản tiền gì, có bị “nhà luật” kê khống để trục lợi hay không.

Yêu cầu chấn chỉnh, phát sổ tay cho lái xe

Liên quan đến phản ánh trên, lãnh đạo Trung tâm công nghệ thông tin, Bưu chính Viễn thông (VNPT) Lạng Sơn cho biết: Việc khai báo cửa khẩu số hiện nay là do chủ hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu thực hiện, lái xe không cần phải khai báo vì họ chỉ thực hiện việc chở hàng đến cửa khẩu. Hiện nay, lái xe chỉ cần cung cấp thông tin cho “nhà luật” để phục vụ việc khai báo, xuất khẩu hàng hóa.

img

Xuất khẩu nông sản dài ngày, tiền luật cao khiến nhiều tài xế, chủ xe lâm cảnh khó khăn.

Ngày 15/7, Báo Giao thông đăng bài “Tái diễn “luật ngầm” nơi cửa khẩu Tân Thanh”, phản ánh nhiều lái xe, đơn vị vận tải tiếp tục bị các “nhà luật” giữ giấy tờ xe, yêu cầu đưa từ 25 - 30 triệu đồng, cao gấp gần 2 lần thời điểm trước.

Ngày 19/7, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, giao các Bộ: Công an, Tài chính, Công Thương, GTVT và UBND tỉnh Lạng Sơn khẩn trương kiểm tra các thông tin báo nêu để có biện pháp xử lý kịp thời, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: Việc tài xế chưa biết, chưa sử dụng cửa khẩu số là không đúng với tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh.

Quan điểm của tỉnh là ứng dụng công nghệ thông tin để công khai, minh bạch, phòng chống tiêu cực tại cửa khẩu. UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ chỉ đạo Sở TT&TT tỉnh Lạng Sơn soạn thảo, in sổ tay, cẩm nang hướng dẫn quy trình sử dụng cửa khẩu số để phát cho các lái xe đường dài để thực hiện nghiêm.

Lãnh đạo UBND tỉnh Lạng Sơn cũng chia sẻ: Hiện nay, cửa khẩu số vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, hoàn thiện, do VNPT Lạng Sơn tài trợ, triển khai, UBND tỉnh Lạng Sơn chưa phải trả phí. Tới đây, đề án này sẽ được Bộ TT&TT nghiệm thu, đánh giá toàn diện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai trên diện rộng.

Trước đó, ngày 15/7, Báo Giao thông đăng tải bài viết: “Tái diễn luật ngầm nơi cửa khẩu Tân Thanh”, phản ánh thông tin cung cấp của các tài xế xuất khẩu nông sản tại cửa khẩu Tân Thanh cho rằng: Các tài xế chưa biết đến cửa khẩu số, tất cả do “nhà luật” thực hiện; một số nhà luật giữ giấy tờ, ép tài xế, chủ xe nộp tiền luật giá cao khi xuất khẩu nông sản.

Ngày 20/7, ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn ký báo cáo số 206 về kết quả kiểm tra, xác minh nội dung phản ánh của Báo Giao thông. Trong đó, khẳng định: Thông tin “...hiện nay đã áp dụng cửa khẩu số nhằm công khai, minh bạch tại cửa khẩu nhưng tài xế và chủ xe vẫn không được tham gia việc này, tất cả đều do chủ hàng chỉ định “nhà luật”…” là thông tin sai sự thật.

Báo cáo trên đã được gửi đến UBND tỉnh Lạng Sơn; các sở, ngành và UBND huyện Văn Lãng.

Tuy nhiên, qua xác minh, làm việc tại cửa khẩu, đơn vị liên quan và lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cho thấy thông tin tại báo cáo xác minh này là chưa chính xác. Do vậy, đến nay, “lỗ hổng”, bất cập tại cửa khẩu vẫn chưa được giải quyết triệt để, kịp thời.

Thực tế tại cửa khẩu hiện nay có 2 loại đại lý hải quan, gồm một loại được Tổng cục hải quan cấp phép hoạt động; loại còn lại là thành lập doanh nghiệp, lấy danh nghĩa là đại diện cho chủ hàng, được giới thiệu là “người của doanh nghiệp”, được ủy quyền thay mặt chủ hàng đến thực hiện các thủ tục liên quan.

Tài xế và đơn vị vận tải quen gọi họ là “nhà luật” hay “cò mồi” nhưng thực chất là đại lý hải quan, chuyên đi làm các thủ tục, mở tờ khai hàng hóa cho chủ hàng dưới danh nghĩa là nhân viên của công ty, chủ hàng được người có hàng thuê đến thực hiện thủ tục.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.