Văn hóa - Giải Trí

Cục Di sản văn hóa thông tin "nóng" về tương lai của ấn vàng triều Nguyễn

01/11/2022, 14:55

Phía Cục Di sản văn hóa đã cung cấp thông tin mới nhất liên quan đến việc đấu giá chiếc kim ấn Hoàng đế chi bảo tại Pháp.

Trưa 1/11, Cục Di sản văn hóa (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, VH,TT&DL) cho biết, sau nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, hãng đấu giá Millon (Pháp) đã đồng ý tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo trong 10 ngày và cho phép Việt Nam thương lượng để được mua trực tiếp.

img

Hình ảnh chiếc ấn Hoàng đế chi bảo được hãng Millon đưa ra đấu giá

Theo đó, thông qua các minh chứng thu thập được, xác minh bằng phương pháp chuyên gia dựa trên thông tin, hình ảnh hiện vật đấu giá do Hãng đấu giá Millon công khai trên website của hãng, đối sánh với các cổ vật là ấn vàng triều Nguyễn đang được lưu giữ và phát huy giá trị tại một số bảo tàng, di tích trên cả nước, Cục này khẳng định: Chiếc ấn vàng (lô số 101) chính là chiếc ấn vàng Hoàng đế chi bảo được đúc năm 1823 thời vua Minh Mạng (1820-1841).

Lúc 7h30 ngày 31/10 (giờ Paris), đại diện phía Việt Nam và hãng Millon đã thống nhất thỏa thuận tạm hoãn đấu giá ấn vàng Hoàng đế chi bảo.

Đến 10h ngày 31/10, hãng đấu giá Millon đã đưa ấn vàng Hoàng đế chi bảo ra khỏi danh mục cổ vật đấu giá ngày 31/10 của hãng.

“Đây là thành công bước đầu trong lộ trình thực hiện các giải pháp nhằm hồi hương ấn vàng Hoàng đế chi bảo. Trong thời gian tới, Bộ VH,TT&DL sẽ nỗ lực phối hợp với Bộ Ngoại giao cùng một số Bộ ngành, tổ chức, cá nhân để huy động mọi nguồn lực nhằm “hồi hương” ấn vàng Hoàng đế chi bảo về nước trong thời giam sớm nhất...”, Cục Di sản văn hóa thông tin.

Cục Di sản văn hóa khẳng định việc hồi hương ấn vàng này không chỉ để bổ sung, hoàn thiện các sưu tập cổ vật, bảo vật, di sản văn hóa bị thất lạc, "chảy máu" ra nước ngoài, mà còn khẳng định vị thế, tầm ảnh hưởng của dân tộc; khẳng định sự đúng đắn, tiên quyết của Đảng và Nhà nước ta về quan điểm bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, nâng cao tự tôn dân tộc của thế hệ trẻ trên trường quốc tế…

Đây cũng là việc làm rất có ý nghĩa đảm bảo tính toàn vẹn của di sản văn hóa - một nội dung quan trọng mà UNESCO rất chú trọng.

img

Tháng 3/1952, thực dân Pháp tổ chức nghi lễ để trao lại ấn kiếm cho Bảo Đại trên cương vị là “Quốc trưởng”

Đại diện Cục Di sản văn hóa cũng nhấn mạnh việc hồi hương cổ vật không nhất thiết là phải Nhà nước mua, thuộc sở hữu nhà nước, mà cá nhân cũng có thể hồi hương cổ vật nếu có tình yêu với di sản văn hóa và có tiềm lực tài chính, muốn đóng góp cho di sản văn hóa nước nhà.

Luật di sản văn hóa cũng có những điều khoản khuyến khích cá nhân hồi hương cổ vật bằng việc miễn thuế giá trị gia tăng khi đưa cổ vật về nước.

Với trường hợp ấn vàng Hoàng đế chi bảo, đại diện Cục Di sản văn hóa cho biết nếu cá nhân hồi hương cổ vật sẽ được các cơ quan quản lý nhà nước tạo điều kiện tối đa như được hỗ trợ làm thủ tục hải quan nhanh nhất, miễn các thủ tục liên quan tới thuế giá trị gia tăng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.