Đường bộ

Cục Đường bộ nêu lý do tạm dừng thu phí dự án BOT QL51

12/01/2023, 15:07

Theo Cục Đường bộ VN, vướng mắc lớn nhất chưa đồng thuận được với nhà đầu tư dự án BOT QL51 là thời gian thu phí tạo lợi nhuận.

Hoàn vốn sớm hơn 7 năm

Ngày 9/1, Cục Đường bộ VN đã có văn bản gửi nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng mở rộng QL51 đoạn theo hình thức Hợp đồng BOT thông báo tạm dừng thu phí tại các trạm thu phí vào thời điểm 7 giờ ngày 13/1/2023 để tiếp tục tính toán, xác định ngày dừng thu chính xác của dự án này.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho biết, vướng mắc lớn nhất là cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư chưa thống nhất được phương án thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư.

img

Trạm thu phí dự án BOT QL51 - Ảnh internet

Hợp đồng gốc của dự án quy định: Giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2029 là thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. Thời gian 4 năm từ năm 2029 - 2033 là thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thời gian thực tế hoàn vốn của dự án chỉ trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2022, giảm từ 20 năm xuống còn 13 năm, sớm hơn 7 năm so với hợp đồng gốc.

Đại diện Cục Đường bộ VN cho biết, theo kết quả kiểm toán, dự án bị loại bỏ 8,7% lãi bảo toàn vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó là cắt giảm lãi vay theo hợp đồng. Đồng thời, cũng cắt giảm khối lượng, thanh toán theo kết luận của Thanh tra, kiểm toán. Thêm nữa, lưu lượng và doanh thu của dự án tăng cũng góp phần làm giảm thời gian thu phí hoàn vốn.

Đẩy thời gian thu phí tạo lợi nhuận lên sớm hơn

Nói về thời gian thu phí tạo lợi nhuận, đại diện Cục Đường bộ VN lý giải, nếu theo hợp đồng gốc, nhà đầu tư sẽ được hưởng thời gian thu phí tạo lợi nhuận là 4 năm (2029 - 2033 ), tương đương khoảng 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo hợp đồng gốc đến năm 2029 - 2033 nhà đầu tư mới được nhận khoản thu phí tạo lợi nhuận 3.000 tỷ đồng nhưng do thời gian thu phí hoàn vốn dự án đã được rút ngắn nên thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư được đẩy lên giai đoạn 2022 - 2026. Nhà đầu tư sẽ được nhận tiền sớm hơn so với dự kiến.

Đề cập đến lựa chọn phương án thời gian thu phí tạo lợi nhuận, vị lãnh đạo này cho hay, hợp đồng quy định, nhà đầu tư được thu phí tạo lợi nhuận 4 năm sau khi hoàn vốn. Bên cạnh đó, hợp đồng cũng quy định, khi thay đổi chỉ tiêu đầu vào thì phải điều chỉnh. Cục Đường bộ lựa chọn phương án lợi nhuận kỳ vọng, có nghĩa là quy lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng trong tương lai về thời điểm hiện tại.

Theo cách tính toán lợi nhuận kỳ vọng và tính quy hồi dòng tiền, giá trị đồng tiền ở thời điểm hiện tại (2022 - 2026) sẽ có giá trị hơn ở thời điểm tương lai (2029 - 2033). Nói cách khác, giả sử ai đó có 1 triệu đồng gửi ngân hàng và được hưởng lãi, sau 10 năm, số tiền đó có thể lên đến cả trăm triệu đồng. Số tiền trăm triệu này của tương lai sẽ được quy về hiện tại sẽ giảm đi theo giá trị hiện tại.

Sau khi quy hồi dòng tiền của tương lai về thời điểm hiện tại sẽ ra số tiền là A, Cục Đường bộ VN tính toán lấy số tiền đó chia cho doanh thu tạo dự kiến sẽ thu được ra thời gian thu phí tạo lợi nhuận của nhà đầu tư thay vì 4 năm như hợp đồng thì chỉ còn 9 tháng.

Tuy nhiên, nhà đầu tư không đồng tình với cách tính toán này và yêu cầu thời gian tạo lợi nhuận phải là 4 năm theo hợp đồng gốc.

Chưa có sự đồng thuận về thời gian thu phí tạo lợi nhuận

"Những bất đồng trong lựa chọn phương án của cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư khiến cho qua 18 phiên đàm phán chưa đi đến sự thống nhất. Vì lẽ đó, Cục Đường bộ VN quyết định tạm dừng thu phí để tiếp tục đàm phán”, lãnh đạo Cục Đường bộ VN cho hay.

Mấu chốt chưa tạo được sự đồng thuận giữa nhà đầu tư và Cục Đường bộ VN là ở cách tính thời gian thu phí tạo lợi nhuận. Trong khi nhà đầu tư yêu cầu thời gian thu phí tạo lợi nhuận được tính bằng thời gian thì Cục Đường bộ lại chọn phương án theo bài toán kinh tế là quy dòng tiền từ tương lai về lợi ích của đồng tiền hiện tại. Lẽ ra đến năm 2033 nhà đầu tư mới được nhận nhưng Cục tính toán quy về thời điểm hiện tại.

Từ năm 2009 - 2022 dự án đã thu phí hoàn vốn. Nếu nhà đầu tư không chấp nhận thời gian thu phí tạo lợi nhuận đẩy lên giai đoạn 2022 - 2026 mà vẫn yêu cầu thu phí tạo lợi nhuận vào năm 2029 - 2033 thì từ năm 2022 - 2029 phải dừng thu phí. Đến năm 2029 - 2033 nhà đầu tư mới được thu phí tạo lợi nhuận. Không ai làm theo cách này nên phương án quy dòng tiền từ tương lai về thời điểm hiện tại của Cục Đường bộ VN là phù hợp.

Dự án cũng thêm vướng mắc chưa tạo được sự đồng thuận với nhà đầu tư là vào thời điểm năm gian đoạn 2022 - 2026, dự án sẽ được sửa chữa đại tu với kinh phí 1.500 tỷ đồng.

Giải thích cụ thể về vướng mắc này, đại diện Cục Đường bộ cho hay, theo tính toán của Cục Đường bộ, phải lấy số tiền thu phí tạo lợi nhuận trong tương lai trừ đi 1.500 tỷ đồng, số tiền lợi nhuận chỉ còn 900 tỷ đồng với thời gian thu phí là 9 tháng thay vì 3.000 tỷ như hợp đồng gốc. Nhà đầu tư không đồng tình vì cho rằng nếu thời gian thu phí tạo lợi nhuận ở thời điểm 2029 - 2033 họ sẽ được hưởng trọn 3.000 tỷ đồng và yêu cầu thời gian thu phí tạo lợi nhuận vẫn phải là 4 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.