Chuyện dọc đường

Cung đường gần lại, cơ hội mở ra

13/09/2022, 05:30

Cuối tuần vừa qua, chúng tôi có dịp đi từ TP.HCM ra Phan Thiết (Bình Thuận). Quãng đường 204km nhưng mất gần 5 tiếng đồng hồ để di chuyển.

Ngán ngẩm nhất là đoạn đi qua huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) khi QL1 chỉ có 2 làn, các xe phải xếp hàng nối đuôi nhau “bò” hàng chục km mà không thể vượt lên được, ai cũng sốt ruột.

Hôm sau trở về TP.HCM, mọi người lại càng thấp thỏm khi đi đến cầu Long Thành trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây thì chứng kiến cảnh kẹt xe kéo dài 4km, bởi có một vụ tai nạn.

img

Nhà thầu Thành Phát thi công đắp nền gói thầu XL06 cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Dài dòng câu chuyện để thấy rằng, với 204km mà mất gần 5 tiếng đồng hồ di chuyển. Điều này thực sự làm nản lòng bất cứ người tham gia giao thông nào.

Nhìn ra phía Bắc, hàng loạt tuyến cao tốc được xây dựng tại Hải Phòng, Quảng Ninh đã giúp rút ngắn khoảng cách rất đáng kể với Thủ đô Hà Nội.

Chẳng hạn, giờ đây từ Hạ Long đi Hà Nội thời gian di chuyển chỉ còn 90 phút thay vì 200 phút như trước; Hay với tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái mới thông xe, thời gian di chuyển từ Hà Nội - Móng Cái chỉ còn 3 giờ, thay vì 6 giờ như trước…

Cũng chính nhờ nhiều tuyến cao tốc được xây dựng trong thời gian ngắn vừa qua mà kinh tế của Quảng Ninh, Hải Phòng đã có những bước đột phá, luôn nằm trong top đầu những địa phương năng động, thu hút đầu tư lớn nhất cả nước.

Có cao tốc đi qua, kinh tế địa phương và cả khu vực chắc chắn sẽ có được sự bứt phá, điều đó không cần phải bàn cãi vì đã được chứng minh trong thực tế. Bởi vậy, có thể nói việc hoàn thành 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam vào cuối năm nay sẽ có ý nghĩa rất quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội tại những nơi dự án đi qua và cả khu vực.

Theo kế hoạch, năm 2023, 4 dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm và cầu Mỹ Thuận 2, với tổng số 148km cũng sẽ hoàn thành. Đầu năm 2024, 2 dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, tổng số 128km cũng sẽ được thông xe.

Ngoài cầu Mỹ Thuận 2, các dự án cao tốc còn lại đều nằm ở khu vực miền Trung, lâu nay được xem là vùng trũng về hạ tầng. Đây là cơ hội để miền Trung bứt phá đi lên.

Chỉ cần đi tốc độ 100km/h, khi hoàn thành cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, thời gian từ TP.HCM ra Phan Thiết chỉ còn 2 giờ, giảm một nửa so với hiện nay.

Không chỉ ý nghĩa cơ học là rút ngắn thời gian, việc lưu thông của hàng hoá, chi phí vận chuyển cũng sẽ giảm, từ đó tăng sức cạnh tranh, tạo sức bật cho các địa phương.

Mũi Né lâu nay được xem là thủ phủ của các resort, nhưng nhiều năm khó bứt phá vì hạ tầng cách trở. Khi cao tốc Phan Thiết- Vĩnh Hảo hoàn thành, chắc chắn câu chuyện sẽ khác.

Hay như cao tốc Mai Sơn - QL45 khi hoàn thành, thời gian di chuyển từ Hà Nội - Thanh Hoá chỉ còn hơn 2 giờ, điều mà nhiều năm trước ít ai dám mơ tới. Những khu du lịch nổi tiếng của các tỉnh miền Trung như: Sầm Sơn, Cửa Lò… chắc chắn sẽ gần hơn với người dân Thủ đô mỗi kỳ nghỉ.

Cao tốc Cam Lộ - La Sơn cũng sẽ nối thông từ Quảng Trị đến Đà Nẵng, Quảng Ngãi, tạo động lực quan trọng để kết nối hành lang Đông - Tây giữa Việt Nam với các nước thuộc tiểu vùng sông Mê kông….

Nói cách khác, khi mỗi cung đường mở ra, rất nhiều cơ hội sẽ đến. Bởi chỉ khi có đại lộ thì mới có đại phú, “lộ thông thì tiền mới thông”…

Phan Tư

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.