Du lịch

Cùng ngắm cảnh đẹp riêng một huyện ở Gia Lai

03/06/2021, 20:10

Nằm giữa hai tỉnh Gia Lai - Kon Tum, huyện Chư Păh có nhiều cảnh đẹp mê mẩn lòng người khiến du khách không thể bỏ qua khi đến Bắc Tây Nguyên.

img

Ngúi Chư Đang Ya nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoà Carol

Núi lửa Chư ĐangYa

Chư Đang Ya thuộc địa phận làng Ia Gri, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh, cách trung tâm phố núi Gia Lai khoảng 30km về hướng Đông bắc, cách điểm du lịch Biển Hồ nổi tiếng 20 km.

Theo tiếng đồng bào Jrai, Chư Đang Ya có nghĩa là củ gừng dại. Đây là một trong những ngọn núi lửa từng hoạt động dữ dội ở vùng đất Tây Nguyên cách đây hàng triệu năm, nằm ẩn mình giữa đại ngàn hoang sơ. Từ trên cao nhìn xuống, ngọn núi tựa như một cái phễu khổng lồ, miệng núi tròn rỗng mang sắc đỏ màu mỡ đã được những lớp nham thạch tạo nên qua hàng triệu năm lịch sử. Đặc biệt vào khoảng tháng 10 hàng năm, núi lửa Chư Đang Ya được bao phủ bởi những cánh hoa dã quỳ xung quanh ngọn núi và cả trên địa bàn huyện.

Đến đây, du khách sẽ được nhìn thấy những cánh đồng cỏ tươi tốt được bù đắp bởi đất đỏ bazan màu mỡ. Mùa hoa dã quỳ nở, hay mùa hoa dong riềng chấp chới đỏ trên một thảm xanh mướt mát. Ngọn núi nơi đây thực sự là thiên đường dành cho mọi người bởi nét đẹp vừa yên bình những vẫn rực rỡ, tươi đẹp và trù phú.

Với cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu trong lành, nơi này có thể tạo ra các sản phẩm du lịch đặc sắc, nếu được quy hoạch đầu tư xây dựng làng văn hoá du lịch sẽ mang tới nhiều sự phát triển cho vùng.

img

Hàng thông Biển hồ chè

Hàng thông Biển hồ chè

Phía bên kia Hồ T'Nưng (Biển Hồ) của thành phố Pleiku, con đường thông xã Nghĩa Hưng (Chư Păh) được coi là con đường đẹp nhất Gia Lai ngày nay, nơi có hàng thông trăm tuổi tuyệt đẹp, những đồi chè xanh mướt mắt, một ngôi chùa cổ kính và những nương, ruộng, đồn điền cà-phê mọc xen dã quỳ đang mùa ra trái.

Hàng thông trăm tuổi, được trồng bởi những người công nhân đồn điền Sở Trà thời kì Pháp thuộc, những tán thông già dặn đã lớn lên theo thời gian, kết thành bóng mát trên một con đường liên thôn khiến cho ai ngang qua vùng đất này cũng phải ngỡ ngàng. Nhiều bạn trẻ yêu mến vẻ đẹp lãng mạn của hàng thông "trăm tuổi" này thường gọi nó bằng cái tên "con đường Hàn Quốc".

img

Hồ Tân Sơn

Hồ Tân Sơn

Nằm về phía Đông Nam huyện Chư Păh, dung tích chứa hồ khoảng 4,1 triệu m3 nước. Hồ Tân Sơn là một trong những hồ nước có cảnh quan đẹp, Vẻ đẹp của thiên nhiên núi non sông nước gắn với công trình kỳ vĩ do con người tạo ra đã tô điểm lẫn nhau tạo nên sức hấp dẫn của cảnh quan nơi đây đắm say lòng người.

img

Đỉnh núi Chư Nâm mây phủ bạt ngàn.

Núi Chư Nâm

Núi Chư Nâm có độ cao 1.472m so với mực nước biển. Nơi đây được xem là ngọn núi cao nhất của vùng cao nguyên Pleiku - Gia Lai ở khu vực phía Tây. Với khí hậu khá thuận lợi, Chư Nâm sẽ là điểm đến săn mây được yêu thích nhất nếu được đầu tư xây dựng. Ở trên ngọn núi có thể nhìn ra xa về TP. Pleiku.

img

Nhiều người tìm đến Ya Ly để chụp ảnh cưới.

Thuỷ điện Ia Ly

Ia Ly chính là công trình thủy điện lớn nhất Tây Nguyên, là nơi cung cấp điện chính cho đồng bào Tây Nguyên. Lòng hồ thủy điện rộng tới 64.5km2, với công suất 720Mw, cùng bốn tổ máy, Ia Ly sản xuất lượng điện lên tới 3.650 triệu KWh mỗi năm. Đặc biệt, Tiến gần tới đập xả nước, bạn sẽ được chiêm ngưỡng thác nước khổng lồ từ trên cao chảy xuống, nhất là vào những dịp xả lũ. Đập xả lũ gồm có 6 van cửa, mỗi van cửa rộng tới 15m, sức nước chảy mạnh tung bọt trắng xóa, đôi khi còn được thấy cả dải cầu vồng tuyệt đẹp.

Đến với công trình này, du khách có thể ghé qua thác Yaly để chiêm ngưỡng vẻ đẹp tráng lệ của thác nước này. Điều đặc biệt, khi bạn đến tham quan thủy điện Yaly sẽ được khám phá con đường hầm dài khoảng 500m từ cổng nhà máy đến địa điểm đặt máy phát điện.

Tại đây, với những chùm đèn rực rỡ như sao ở hai bên hông và trên mái vòm tỏa sáng, lung linh, huyền ảo. Với phong cảnh nên thơ, trữ tình, Ia Ly trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách.

img

Một khu nhà mồ ở Làng Phung, làng Kép (xã Ia Mơ Nông)

Làng Phung, làng Kép (xã Ia Mơ Nông)

Nằm trên năm trên trục đường tỉnh 661 của huyện Chư Păh, có nghề dệt thổ cẩm truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Các sản phẩm thổ cẩm của làng Phung, làng Kép mang nét đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên. Làng Phung, làng Kép phù hợp với sự phát triển hình thành điểm du lịch tham quan làng nghề kết hợp mua sắm sản phẩm thổ cẩm độc đáo của huyện.

img

Nhà Rông lớn nhất Tây Nguyên

Xã Hà Tây

Về với xã Hà Tây khách tham quan sẽ được khám phá vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn, là nơi có những ngôi nhà Rông lớn cổ kính mang nét nguyên sơ, yên bình. Không chỉ là nơi linh thiêng, là biểu tượng sức mạnh, mà nơi đây còn biểu trưng cho tinh thần cộng đồng và tình đoàn kết của cả đồng bào dân tộc Bahnar sinh sống tại điểm đến.

Như bao ngôi nhà rông khác, vào buổi sáng đầu xuân năm mới, nhà rông làng Kon Băh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh, cách trung tâm tỉnh Gia Lai chừng 60km về hướng Đông Bắc, rộn ràng vào hội mừng xuân mới. Hàng chục ghè rượu xếp thẳng từ đầu đến cuối nhà rông; thịt trâu, thịt lợn, thịt gà nướng trên bếp lửa than đỏ hồng thơm nức. Từ người già cho tới những em bé còn địu trên lưng mẹ đều quây quần trong nhà rông, rộn ràng mừng xuân về.

Nơi đây còn có những đội cồng chiêng nhí và người lớn luôn sẵn sàng phục vụ khách du lịch, du khách được thưởng thức rượu ghè và mua một số sản vật của địa phương mang về như: Chuối rừng, măng khô …

img

Chùa Bửu Minh nằm ở cuối đường hàn thông trăm tuổi xã Nghĩa Hưng.

Chùa Bửu Minh (xã Nghĩa Hưng)

Chùa Bửu Minh là một trong những ngôi chùa ra đời sớm ở Gia Lai. Mặt tiền của chùa hướng chính Tây, nhìn về Biển Hồ, phía sau là Tiên Sơn…

Đây chính là vị trí địa lý và phong thủy hài hòa cho sự ra đời của ngôi chùa.Kiến trúc ngôi chùa được thiết kế hài hòa giữa lối kiến trúc gỗ, với mô típ chùa cổ ở miền Bắc và miền Trung nước ta cùng kiến trúc chùa Nhật Bản và Đài Loan. Nét riêng của chùa Bửu Minh là chỉ có một đòn dông duy nhất, với một mái trước và một mái sau dốc đến 45 độ, tạo dáng cao vút và thanh thoát như mái nhà rông Tây Nguyên.

Với những dấu ấn mang phong cách riêng, kiến trúc chùa Bửu Minh chính là sự tái tạo và phát triển có chọn lọc những giá trị văn hóa vật thể, góp phần điểm tô và khắc họa phong phú vào quần thể kiến trúc tôn giáo tại Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Chùa Bửu Minh trở thành điểm đến độc đáo thu hút khách du lịch.

img

Tịnh Xá Ngọc Như (Thị trấn Phú Hòa)

Tịnh Xá Ngọc Như (Thị trấn Phú Hòa)

Tịnh xã Ngọc Như nằm ở trung tâm thị trấn Phú Hòa, huyện Chư Păh. Ngôi chùa có thiết kế theo thiên hướng thiên nhiên với những hòn non bộ, cây cối núi rừng bao quanh, sẽ đem đến cho bạn cảm giác thanh tịnh mà cũng thật yên bình. Tượng Quan thế âm bồ tát được đặt ngay cạnh khu vực hòn non bộ. Bức tượng được làm bằng đá vôi cao sừng sững được xây dựng giữa bầu trời, xung quanh là núi non hùng vĩ, là sắc xanh của cây cối tạo nên bức họa đẹp đến nao lòng. Bức tượng quan thế âm là một trong những điểm nhấn tạo nên nét đẹp tâm linh cho ngôi chùa, bởi vậy mà ngôi chùa này hằng năm thu hút một lượng lớn du khách, phật tử đến đây để cầu may, cầu bình an.

img

Nhà thờ H'Bâu (dưới chân núi lửa Chư Đang Ya)

Nhà thờ H'Bâu (dưới chân núi lửa Chư Đang Ya)

Nhà thờ H'Bâu nằm sâu trong làng Xõa, đi qua cánh đồng Ngô Sơn, nơi có mạch nước ngầm xuất phát từ núi Chư Nâm cao nhất tỉnh Gia Lai - là người "anh em" của ngọn núi lửa Chư Đăng Ya.

Giáo đường H'Bâu được xây dựng từ năm 1909, là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Gothic của Pháp với kiến trúc nhà sàn đặc trưng của Tây Nguyên. Ở mặt trước nhà thờ, dù đã khá mờ nhưng vẫn có thể đọc được dòng chữ Hán ghi lại năm xây dựng: Kỷ Dậu niên.

Trải qua hơn 100 năm lịch sử, chiến tranh, mưa nắng... tàn phá, nhà thờ H'Bâu ngày nay chỉ còn giữ được một phần tháp chuông và mặt trước. Trụ tháp vẫn còn nguyên vẹn, khá vững chắc, giúp du khách hình dung phần nào đó về một thánh đường cũ của vùng đất đại ngàn năm xưa.

img

20 bức ảnh du lịch đẹp nhất thế giới do máy bay không người lái chụp lại được

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.