Bạn cần biết

Cúng ông Công, ông Táo phải chọn giờ đẹp?

11/02/2015, 07:34

Vì sao dân gian cho rằng phải cúng ông Công, ông Táo giữa trưa 23 tháng Chạp?

boma-6412-1423452701
Bộ vàng mã để cúng ông Công ông Táo 

Chọn giờ Ngọ hóa Rồng

Ngày 23 tháng Chạp - ngày ông Táo về chầu trời được xem như ngày đầu tiên của Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo, mọi người bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, lau chùi đồ cúng ông bà tổ tiên.

Người Việt Nam quan niệm Táo Quân sẽ lên trời và thưa với Ngọc Hoàng những sự kiện xảy ra trong năm vừa qua ở dưới trần gian. Vì thế người Việt Nam làm lễ tiễn ông Công, ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi.

Về quan niệm dân gian cho rằng, phải cúng ông Công, ông Táo giữa trưa 23 tháng Chạp, trả lời báo Dân Việt nhà nghiên cứu văn hóa Vũ Hồng Thuật (Bảo tàng dân tộc Việt Nam) cho biết, vì quan niệm dân gian cho rằng giờ Ngọ (từ 11 – 13h) – tức là giờ Long Mã, giờ Ngọ hóa Rồng.

“Con Long (rồng) tượng trưng cho trục tung, Mã tượng trưng cho trục hoành. Long Mã có đặc điểm là đầu rồng, thân ngựa, đuôi rồng. Như vậy, giờ Ngọ là giờ tối linh thiêng trong ngày 23 tháng Chạp để đưa ông Công, ông Táo về chầu trời”, ông Thuật giải thích.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu phong thủy Nguyễn Hồng Hải lại cho rằng, tuy giờ Ngọ là giờ đẹp nhất nhưng thực tế, nhiều người không có đủ điều kiện thời gian để cúng, thả cá vào giờ này. Chính vì vậy, không nhất thiết phải cúng ông Công, ông Táo vào lúc giữa trưa. Thay vào đó, người ta có thể cúng bắt đầu từ 23h đêm ngày 22 cho đến trước giờ Hợi (21h -23h) ngày 23 tháng Chạp.

Chuẩn bị đồ lễ, cách thức cúng

Theo tục cổ truyền thì Táo quân gồm hai ông và một bà, tượng trưng là 3 cỗ "đầu rau" hay "chiếc kiềng 3 chân" ở nhà bếp. Lễ vật cúng Táo quân gồm có: Hai mũ cánh chuồn dành cho các Táo ông, một mũ không có cánh chuồn dành cho Táo bà.

Theo Infonet, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh – Giám đốc Trung tâm Lý học Đông phương cho hay lễ cúng ngày 23 tháng Chạp, các gia đình thường cúng trên bàn thờ gia tiên với cách gọi nôm na là cúng ông Công, ông Táo. Tuy nhiên, đây là hai vị thần khác nhau. Ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà.

Ông Táo là 3 vị đầu rau (2 nam, 1 nữ) trông coi việc bếp núc trong gia đình. Lễ cúng 23 tháng Chạp là lễ tiễn chung ông Công, ông Táo về chầu trời, người dân thường gộp chung cúng trên bàn thờ là chưa đúng. Trong ngày này, ông Táo phải được cúng dưới bếp, còn ông Công được cúng trên bàn thờ chính trên nhà cùng với gia tiên mới đúng.

Mam-co-cung-ong-tao-chuan-3885-1423452701
Những món thường thấy trong một mâm cỗ cúng ông Công ông Táo (Ảnh: Ngay nay)

Mâm cỗ cúng không cần quá cầu kỳ, tùy theo điều kiện thời gian, kinh tế của từng gia đình. Nhưng nhất thiết phải đủ đồ mặn là xôi, thịt, rượu, đồ chay gồm gạo, hoa quả, bánh kẹo, trầu cau.

Bên cạnh đó, để ông Táo có “phương tiện” chầu trời, gia chủ mua 3 con cá chép thả vào chậu nước sạch đặt ngay cạnh mâm cỗ. Cá chép mang ý nghĩa tượng trưng “cá chép hóa rồng” đưa ông Táo chầu trời. Cá chỉ cần to vừa phải, màu đỏ hoặc màu trắng.

Sau khi đặt đồ cúng, gia chủ tự khấn theo bài khấn cổ truyền. Khi hương cháy đến 2/3 là có thể mang vàng mã ra hóa, hóa xong đổ ba chén rượu vào đống tro. Cá chép mang ra ao hồ phóng sinh.

Các nhà nghiên cứu phong thủy lưu ý người dân khi thả cá chép, không nên thả ở nơi nước bẩn hoặc từ cầu cao xuống mà phải thả từ từ, sao cho cá xuống nước vẫn sống.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.