Bạn cần biết

Cúng sao giải hạn ở chùa là sai?

19/02/2016, 19:25

Tại miền Bắc, hầu như chùa nào tôi cũng thấy có chuyện cúng sao giải hạn đầu năm.

20
Người dân tràn ra đường trong một buổi dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh

Giở sách, thầy nói trôi chảy: “Nhà cô năm nay sao Thái Bạch, sạch cửa nhà, phải dùng 8 ngọn đèn hay 8 ngọn nến làm lễ hướng Tây, mỗi tháng cúng vào ngày Rằm, khấn đức Thái Bạch Tinh Quân. Nhà cậu năm nay Thổ Tú, ốm đau triền miên, phải cúng...”. Cứ thế, người vào, người ra, hoan hỷ hoặc buồn rầu theo những vì sao đã an bài cho mình trong năm.

Tôi băn khoăn tự hỏi ai đã đem tập tục cúng sao giải hạn vào chùa chiền, biến chốn thanh tịnh thành nơi cúng bái mê mờ, mong cầu may rủi.

Theo một số sách Tàu, hàng năm, mỗi tuổi Âm lịch chịu ảnh hưởng của một vì sao gọi nôm na là sao chiếu mạng. Do đó, có năm gặp sao tốt, có năm gặp sao xấu. Hai sao La Hầu và Kế Đô đặc biệt xấu, vì hai sao này chẳng thấy được mặt trời.

Tôi tìm mãi, tìm mãi nhưng không thấy sự liên hệ nào giữa đạo Phật với những quan điểm về sao này. Trong thuyết Nhân Quả mà đức Phật thuyết giảng thì chính ta đã tạo nên thiện nghiệp, tạo nên bất thiện nghiệp (ác nghiệp), rồi tích lũy trong tâm, nhưng ta không có quyền điều khiển, bắt buộc, cầu xin thay đổi.

Mọi sự thành công hay thất bại trong đời của mỗi người không phải do ai ban phát cho, mà do những cái nhân ta tạo nên từ trước, khi nhân duyên đầy đủ thì quả thành. Những nghiệp xấu do chúng ta tạo tác sẽ trổ quả xấu, những nhân duyên tốt sẽ trổ quả tốt. Nếu cứ cầu xin quả tốt lành mà không chịu gieo nghiệp thiện, sợ hãi quả xấu, sợ hãi tai họa xảy đến, mà không ngừng tay tạo bất thiện nghiệp thì sự cầu xin ấy chỉ là việc hoang tưởng.

Nếu thầy phán ngày đó là hoàng đạo, giờ đại cát, ta đi chiếc xe biển “lộc phát” nhưng trong xe đầy ma túy, hoặc lái xe khi đang say xỉn thì ngày đó liệu tốt hay xấu? Nếu thầy phán ngày đó là xấu, là hung hiểm nhưng ta đi làm việc thiện, phù hợp với pháp luật, với tinh thần của đạo Phật thì liệu đó là xấu hay tốt? Có hai đạo quân giao tranh, đều chọn ngày tốt và giờ hoàng đạo ra quân, vậy mà chỉ có một bên thắng và cả hai bên, dù thắng dù thua, cũng đều có chết chóc và thương vong, thì ngày hoàng đạo cũng chỉ tạo nên nghiệp xấu mà thôi.

Quay lại chuyện dâng sao giải hạn, nếu sư thầy cầu xin đức Thái Bạch Tinh Quân, đức La Hầu Tinh Quân… tha tội, rồi giải hạn xấu được thì những người ác cứ làm việc xấu rồi lại làm lễ cầu cho tai qua nạn khỏi, thoát tù tội. Điều đó không những đi ngược lại Phật pháp mà còn vi phạm đạo đức nữa. Còn nói về cầu tài, cầu lộc, nếu cầu được, thì thầy đã xin cho thầy, đâu đến phần thiên hạ? Những cầu xin tiền tài, danh lợi, giải hạn, thoát tù tội, nếu có xin hãy mang về các phủ, đền, đừng làm ở cửa chùa thanh tịnh.

Vậy đầu năm, nếu không lễ dâng sao giải hạn thì ta có nên làm lễ gì không?Ta nên làm lễ cầu an với những nội dung như đảnh lễ, xưng tụng ân đức Tam Bảo, xin quy Y Tam Bảo và thọ trì ngũ giới, nghe và đàm luận về ngũ giới để hiểu và trì giới cho trong sạch. Sau lễ, những gì đọng lại trong tâm trí người tham gia sẽ là sự hoan hỉ, là thiện tâm hợp với trí tuệ, là tâm kính ngưỡng Tam Bảo, nguyện bỏ dữ hành thiện.

Ở ta, nhiều người đi lễ chùa nhưng không hiểu Phật giáo. Một số người khi hưởng quả an lạc của các thiện nghiệp thì hoan hỷ, nhưng khi chịu quả khổ của các ác nghiệp thì lại phiền trách người khác mà không chịu trách mình đã tạo ác nghiệp ấy, không tu tâm sửa tính. Những người ấy chỉ tự làm khổ mình, làm khổ người gấp bội mà thôi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.